.

Tiềm năng điện ảnh đề tài cách mạng

Cập nhật: 20:55, 01/11/2024 (GMT+7)

Trong những ngày tháng 10 vừa qua, giới làm nghề đã nhen lên nhiều tín hiệu tích cực khi Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu năm 2023 - 2024” thu hút đông đảo nhà biên kịch chuyên nghiệp lẫn không chuyên tham gia. Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra là làm thế nào để các tác phẩm điện ảnh này hấp dẫn người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ?

Nhắc nhớ truyền thống

Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu năm 2023-2024” hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc thi không chỉ nhằm tôn vinh giá trị lịch sử của Đảng và cách mạng Việt Nam, mà còn tạo cơ hội cho các tác giả thể hiện tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc qua ngôn ngữ điện ảnh. Nhiều tác phẩm đoạt giải đã thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư liệu lịch sử và cảm xúc cá nhân của tác giả, tạo nên những câu chuyện giàu sức truyền cảm và lay động lòng người.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ: “Các kịch bản không chỉ tập trung vào những cột mốc lịch sử lớn lao của Đảng mà còn quan tâm đến câu chuyện về những con người bình dị, những nhân vật tiêu biểu từ năm 1930 đến nay”.

Bối cảnh hoành tráng, phức tạp nhưng mức đầu tư chưa tương xứng nên bộ phim “Sống cùng lịch sử” đã không nhận được sự chú ý của khán giả. Ảnh: ĐPCC
Bối cảnh hoành tráng, phức tạp nhưng mức đầu tư chưa tương xứng nên bộ phim “Sống cùng lịch sử” đã không nhận được sự chú ý của khán giả. Ảnh: ĐPCC

Cuộc thi còn là môi trường sáng tác chuyên nghiệp cho các nhà biên kịch trẻ, giúp họ tiếp cận nguồn tư liệu phong phú và những câu chuyện chưa từng được biết đến. Biên kịch Đào Thùy Trang bày tỏ: “Tôi hy vọng các tác phẩm sẽ sớm được lên màn ảnh rộng để lan tỏa tới khán giả.” Đây là yếu tố quan trọng để lịch sử cách mạng không chỉ dừng lại ở những trang sách, mà còn trở thành nguồn cảm hứng điện ảnh, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc.

Sau thành công bất ngờ của Đào, Phở và Piano, quan niệm về phim đặt hàng dường như đã cởi mở hơn. Nhiều người đã tìm kiếm, xem lại các phim lịch sử cách mạng và nhận ra rằng, họ đã “bỏ lỡ” dòng phim này trong một thời gian dài. Một yếu tố góp phần giúp điện ảnh cách mạng tồn tại và có sức sống trong thời đại ngày nay chính là tính nhân văn sâu sắc.

Thách thức khi tiếp cận khán giả trẻ

Nhiều người cho rằng, công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ không còn mặn mà với các bộ phim về đề tài lịch sử, cách mạng. Thực tế những bộ phim chất lượng, với cốt truyện hấp dẫn và kỹ xảo hiện đại, vẫn có thể thành công vang dội. Hàn Quốc, Trung Quốc và Hollywood đã chứng minh điều này qua hàng loạt phim lịch sử thành công.

Song với điện ảnh trong nước, thời gian qua, nhiều bộ phim chiến tranh, cách mạng không có đủ kinh phí để đầu tư kỹ lưỡng về mặt kỹ xảo và dàn dựng, dẫn đến chất lượng hình ảnh và âm thanh kém. Hơn nữa, tư duy truyền thống trong nhiều bộ phim cách mạng đã ràng buộc nội dung, khiến cho các tác phẩm trở nên cứng nhắc và khó tiếp cận thế hệ trẻ.

Để vượt qua những thách thức này, nhiều chuyên gia cho rằng, điện ảnh đề tài cách mạng cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong cách tiếp cận và sản xuất. Bao gồm việc nâng cao chất lượng sản xuất, đầu tư vào kịch bản hấp dẫn, và hiện đại hóa kỹ thuật làm phim.

Đồng thời, cần tìm kiếm cách tiếp cận sáng tạo, kết nối những câu chuyện lịch sử với đời sống hiện đại để tạo ra những tác phẩm hấp dẫn hơn với giới trẻ. Chỉ khi điện ảnh cách mạng hòa nhập và đáp ứng được nhu cầu của thế hệ trẻ, dòng phim này mới có thể phát triển bền vững, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa và lịch sử của đất nước.

Sự thiếu kết nối giữa nội dung phim và đời sống hiện tại cũng là một yếu tố đáng chú ý. Nhiều bộ phim cách mạng không liên hệ được với các vấn đề mà giới trẻ quan tâm. Hay, như bộ phim Sống cùng lịch sử (2014), dù mang nhiều kỳ vọng nhưng không tạo được sự chú ý lớn do hạn chế về kỹ xảo và dàn dựng. Nguyên nhân một phần là do các bộ phim về đề tài chiến tranh, cách mạng thường được Nhà nước đặt hàng, khiến chúng có xu hướng nặng về chính trị, thay vì tập trung vào yếu tố nghệ thuật, thu hút doanh thu từ khán giả.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ, hiện khâu thẩm định kịch bản cho dòng phim này đã chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần tạo động lực và sự tin tưởng cho những người sáng tác. Tuy nhiên, khâu xét duyệt kinh phí cho sản xuất lại chưa có nhiều thay đổi. Đặc biệt, vấn đề tỷ lệ kinh phí dành cho quảng bá và phát hành sau khi bộ phim ra đời hầu như chưa bao giờ được đề cập đến.

(Theo www.sggp.org.vn)

.
.
.