.

Tình trạng 'báo hóa' trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể

Cập nhật: 17:16, 28/11/2024 (GMT+7)

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

a
 Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Ảnh: mic.gov.vn

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nêu rõ: Những năm gần đây, không gian mạng đã trở thành không gian sống quan trọng của nhiều người dân, giúp cho việc chia sẻ, tiếp cận thông tin ngày càng thuận tiện, dễ dàng hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, tăng tính dân chủ, minh bạch, công khai trong xã hội. Các loại hình dịch vụ nội dung trên mạng nói riêng và lĩnh vực thông tin điện tử nói chung phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu trao đổi về thông tin, giải trí, mua sắm của người sử dụng nhằm nâng cao chất lượng sống trong đời sống xã hội hiện đại.

Nhìn lại năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, lĩnh vực thông tin điện tử đã có những đóng góp tích cực cho ngành nói riêng, cho đời sống xã hội nói chung. Cụ thể, mạng xã hội trong nước đã dần thu hút được đông người sử dụng Việt Nam. Các nền tảng xuyên biên giới đã có bước tiến tích cực trong việc hợp tác với cơ quan quản lý để xử lý các nội dung vi phạm, đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân nhận biết, cảnh giác với tin giả, tin lừa đảo.

Tuy nhiên vì hàng ngày, hàng giờ người dùng khắp nơi trên thế giới vẫn xả "rác" lên mạng, do vậy, các nền tảng xuyên biên giới không thể chỉ xử lý các yêu cầu từ cơ quan quản lý mà cần chủ động sử dụng thuật toán để rà quét, phát hiện các vi phạm tương tự. Có như vậy việc xử lý mới hiệu quả, căn cơ, và đây cũng là trách nhiệm của nền tảng đã được quy định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam, như Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP..., Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.

Về công tác xử lý tin giả, tin sai sự thật, hiện nay Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc của Bộ Thông tin và Truyền thông đã kết nối với các Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc tại địa phương để hình thành mạng lưới xử lý tin giả quốc gia (20 tỉnh, thành phố đã có Trung tâm theo hướng dẫn của Bộ). Nhờ vậy, hiện các địa phương đã chủ động xác minh và xử lý ngay được vi phạm tại địa bàn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương đối với vụ việc có liên quan đến nhiều địa phương.

Đồng thời, tình trạng "báo hóa" trang tin và mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận diệp, tập trung chấn chỉnh kịp thời với việc triển khai hàng loạt các giải pháp: thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí xem xét đình chỉ hoạt động. Nhờ đó, tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể. Hoạt động quản lý quảng cáo xuyên biên giới đã đi vào nề nếp, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn đều ý thức, nhận thức phải tuân thủ quy định về quảng cáo. Việc bổ sung quy định vào dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi bổ sung sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc triển khai hiệu quả việc quản lý quảng cáo trên mạng nói chung và quảng cáo xuyên biên giới nói riêng...

Nghị định số 147/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 9/11/2024, thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Nghị định có những chính sách mới sẽ ảnh hưởng và thay đổi một số thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam như quy định về bắt buộc các mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân; không cho trẻ em dưới 16 tuổi lập tài khoản mạng xã hội; xử lý vấn đề "báo hóa" trang trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực hiện các thủ hành chính về cấp phép game từ Bộ xuống các đơn vị thực thi, từ Trung ương xuống địa phương; bổ sung quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý thông tin trên mạng...

Đại diện các đơn vị: Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Viễn thông; Trung tâm internet Việt Nam đã chia sẻ các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý được quy định trong Nghị định. Theo đó, Nghị định 147/2024/NĐ được xây dựng hướng tới mục tiêu khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập công nghệ số, nội dung số và các dịch vụ Internet; kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Nghị định có những chính sách mới nhằm điều chỉnh hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng, bao gồm: Dịch vụ internet, tài nguyên internet; thông tin trên mạng; cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; giám sát thông tin, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng...

Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dịch vụ; đồng thời phổ biến những quy định mới của Nghị định 147/2024/NĐ-CP để việc thực thi được hiệu quả, sớm đi vào thực tiễn cuộc sống.

Theo TTXVN

 

.
.
.