Tri ân, khẳng định đóng góp to lớn của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với âm nhạc Việt Nam
Ngày 8/11, tọa đàm về “Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu” đã diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham dự của các nhiều chuyên gia trong nước
Quang cảnh buổi Tọa đàm. |
Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (11/11/1924 – 11/11/2024) do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức nhằm tri ân, ghi nhận đóng góp to lớn của nhạc sĩ với nền âm nhạc Việt Nam.
Chương trình diễn ra từ ngày 8 - 18/11 với tọa đàm; Triển lãm ảnh, tư liệu về “Phan Huỳnh Điểu – Cánh chim bay về”, đặc biệt là chương trình nghệ thuật “ Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – Cùng tình yêu ở lại” vào đêm 9/11.
Tại buổi tọa đàm, Nhà Lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đi rất nhiều nơi và có nhiều sáng tác nổi tiếng về khắp các miền đất nước, trong đó có nhiều bài hát về Đà Nẵng - nơi ông sinh ra. Các bài hát đã thể hiện tính cách âm nhạc của ông là chất thơ, chất hát, chất trữ tình mà không ủy mị. Nhạc sĩ có năng khiếu bẩm sinh về thơ ca, chất thơ ca đã ngấm vào ông để tạo nên những tác phẩm đi vào lòng người.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Thế Bảo chia sẻ tại Tọa đàm. |
Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Thế Bảo đến từ Hội âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Phan Huỳnh Điểu là nhạc sĩ bậc thầy phổ thơ thành ca khúc hay. Có được như vậy là do ông đã chọn những bài thơ có tính ca từ, dễ hiểu, gợi cảm. Ông luôn mô phỏng và nhắc lại trong phổ thơ, ông “bắt thơ phải theo nhạc” khi thơ không nhắc lại thì ông sẽ tự nhắc lại. Ví dụ như ca khúc “Sợi nhớ sợi thương”, câu “Mà anh nghiêng hết ấy mấy về bên em” được nhắc lại 2 lần; còn trong bài “Thơ tình cuối mùa thu” thì câu “Chỉ còn em và anh cùng tình yêu ở lại” được nhắc lại 3 lần…
Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thông tin, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là cây đại thụ của nền âm nhạc cách mạng, một hồn thơ âm nhạc đã in dấu sâu đậm vào tâm khảm người Việt. Các tác phẩm của ông như những bức tranh âm thanh đa màu sắc, vẽ nên một bức chân dung sinh động về đất nước, con người Việt Nam qua những thăng trầm lịch sử. Mỗi giai điệu, ca từ đều chứa đựng một phần tâm hồn của ông, một tình yêu sâu sắc dành cho quê hương, đất nước và con người.
Nhà Lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm. |
Có thể kể đến một số tác phẩm nổi tiếng tiêu của ông như "Ở hai đầu nỗi nhớ"; "Những ánh sao đêm"; "Cuộc đời vẫn đẹp sao"… Với tài năng thiên bẩm và sức sáng tạo không ngừng nghỉ, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã nâng tầm những làn điệu dân ca, câu hò, điệu hát ru quen thuộc thành tuyệt phẩm âm nhạc bất hủ. Qua âm nhạc, ông đã gửi gắm những triết lí sâu sắc về cuộc sống, con người và đất nước.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.
Chiều 8/11 cũng diễn ra khai mạc triển lãm nghệ thuật “Phan Huỳnh Điểu - Cánh chim bay về”. Triển lãm giới thiệu 15 tác phẩm hội họa, 8 ký họa, 1 tác phẩm điêu khắc và 53 tác phẩm ảnh, tái hiện những khoảnh khắc đời thường trong lao động, sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Triển lãm là lời tri ân sâu sắc tới người nghệ sĩ tài hoa và là dịp để công chúng tôn vinh những cống hiến trọn đời của ông đối với nền âm nhạc nước nhà.
Theo TTXVN