“Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam” đã trở thành cụm từ tìm kiếm nổi bật trên các nền tảng truyền thông đại chúng và xuất hiện như một điểm hẹn lý tưởng của người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung ngay trong những ngày đầu tiên mở cửa đón khách tham quan. Âm vang và sức nóng ấy như một tín hiệu thôi thúc những trái tim yêu lịch sử và những đôi chân ưa khám phá tìm đến tham quan, trải nghiệm.
|
Quang cảnh bảo tàng với quy mô vô cùng đồ sộ. |
Những kỷ vật “sống” đã khơi thức ở trong ký ức con người về một thời đại đã qua. Những biểu tượng thiêng liêng khắc họa sống động lịch sử hào hùng của một thời hoa lửa. Có những đôi mắt khóc - những đôi mắt cười, có muôn ngàn hứng khởi - có cả trăm lần trầm tư,... Sự cộng hưởng của đa dạng những xúc cảm và trải nghiệm của một lần khám phá có lẽ chưa là đủ đối với những người trẻ - thế hệ chưa thể thấu hiểu hết thảy mọi ý nghĩa thiêng liêng của những kỷ vật và biểu tượng lịch sử.
Hơn cả những tái hiện về mặt lịch sử của sự kiện, bảo tàng đã tái hiện sống động lịch sử tâm hồn con người. Bên cạnh những phút giây choáng ngợp đầu tiên trước quy mô hoành tráng và hiện đại của Bảo tàng Quân sự “khủng” nhất Việt Nam hiện tại, khách tham quan có dịp trở về với những chân thật của cảm xúc và chú tâm hoàn toàn vào việc quan sát, chiêm nghiệm những hiện vật.
Câu biểu ngữ ở Bảo tàng Đôn Hoàng, Trung Quốc: “Tôi không phải hiện vật đã chết một nghìn năm mà là sinh mệnh đã sống một nghìn năm” dường như cũng thật đúng khi đặt vào việc trải nghiệm tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Những hiện vật không nằm im trong tủ kính đợi chờ một sự quan sát đơn thuần, những hiện vật vốn dĩ có cuộc sống của riêng nó trước khi được đặt trong bất kỳ sự trưng bày nào.
Đi từ tâm thế đó, người trẻ sẽ có dịp để trí tưởng tượng phát huy khi lần lượt chiêm ngắm những biểu tượng, hiện vật của quá khứ. Từ những biểu tượng điển hình như “cánh chim sắt” MiG-21 mang số hiệu 4324, MiG-21 mang số hiệu 5121 hay xe tăng T54B số hiệu 843… đến chiếc khăn thêu tay, chiếc mũ của một em bé sơ sinh… và cho đến cả vết chỉ sờn trên những tấm áo của người lính, vết đạn xuyên qua xác máy bay B52, những nét chữ trên tập san quân đội chứa cả ngọn nguồn hy vọng…Tất thảy đều là những hiện vật “sống”, dường như đang đối thoại với chúng những câu chuyện của quá vãng, với “người xưa”. Thời chiến là thế đấy. Con người của một thời đã gan dạ và anh dũng, đã hy sinh và tạc nên dáng hình Tổ quốc.
Những đứa trẻ ngây thơ cười giòn khi chúng được nhìn thấy tận mắt những chiếc máy bay hay xe tăng trong tưởng tượng. Nhưng những cựu chiến binh khoác trên mình bộ quân phục hòa bình, đôi mắt đôi lần ánh lên niềm tự hào khôn xiết, nhưng cũng thật không hiếm những lần lệ nhòa khi ngắm nhìn những hiện vật và quan sát những bản đồ trận địa trong sa bàn quân sự. Có lẽ ký ức cá nhân đang trở về, ký ức dân tộc đang trỗi dậy trong tâm khảm của những người lính đã một thời xông pha nơi trận mạc. Chúng ta ngỡ như mình đang được chứng kiến những nguyên mẫu nhân vật người lính trong những sáng tác hậu chiến như “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh) hay “Mình và Họ” (Nguyễn Bình Phương).
Thân thể những người lính ấy có thể đã bước ra khỏi cuộc chiến nhưng một phần tâm hồn có lẽ vĩnh viễn ở lại. Những cuộc chiến đã qua đi những hồi ức thì còn mãi. Trong hồi ức ấy có những vang dội chiến công nhưng cũng có cả những gương mặt người đã khuất, những ngưng đọng của thời gian, của nỗi đau...và nhiều khi là những hy vọng mong manh. Để cộng hưởng trong một không gian thiêng liêng của lịch sử và dòng mạch của ký ức, những giọt nước mắt trào lên vì những tổn thương dân tộc, vì những số phận người đã anh dũng ngã xuống - “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”
|
Bảo tàng trưng bày rất nhiều hiện vật quý trong chiến tranh. |
Có lẽ một lần ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chưa đủ để thế hệ trẻ có thể hiểu hết những ý nghĩa biểu trưng của những hiện vật “sống”. Sẽ còn đó những góc nhìn chưa tỏ, những tầng nghĩa sâu kín chưa chạm tới. Có thể gọi đó là một quá trình tiếp nhận các biểu tượng và người tiếp nhận luôn cần giữ nguyên tâm thế của “một đứa trẻ” trong tương lai, giữ nguyên những háo hức về một lần ghé lại để khám phá và ngẫm ngợi những góc nhìn mới mẻ hơn nơi Bảo tàng hiện đại bậc nhất này.
Có được hòa bình, độc lập, thế hệ cha ông chúng ta đã phải đánh đổi bằng mồ hôi và xương máu. Bởi lẽ đó, ít nhiều trong một lần thưởng lãm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, hai chữ “hiếu sinh” - trân trọng sinh mệnh, trân trọng sự sống một lần nữa được khắc ghi trong tâm khảm như một nền tảng cho ý thức trân trọng quá khứ - trân quý hiện tại - hướng tới tương lai.
(Theo dangcongsan.vn)