.

Di sản văn hóa, văn nghệ đặc sắc, quý giá của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay, mai sau

Cập nhật: 14:30, 20/12/2024 (GMT+7)

Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại, nổi trội ở sự thông tuệ, đa tài, xuất sắc, đặc sắc ở nhiều lĩnh vực cả sáng tạo văn hóa và lãnh đạo văn hóa.

a
Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại.

Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20 tháng 12 năm 1924 ở Luang Prabang (Lào), nguyên quán là làng Vũ Thạch, nay là phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm lên sáu tuổi, ông cùng gia đình về quê hương. Ông say mê văn chương, âm nhạc, mĩ thuật từ nhỏ; học và tìm hiểu triết học khi còn là học sinh trường Bưởi, sau là Ban Triết, Trường Đại học Đông Dương. Trong ông vừa có sự đằm sâu văn hóa Việt, vừa tiếp nhận hài hòa văn hóa Pháp. Hà Nội với ông là “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu… Đây Ô Chợ Dừa kia Ô Cầu Dền làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm… quanh co chen ngang rộn ràng Đồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ, Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Hàng Bạc, Hàng Gai” (Người Hà Nội, 1947).

Văn hóa, triết học, mĩ học trong ông là sự kết nối, hòa đồng Đông-Tây, kim-cổ, là Phật Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử, Lão Trang, Chúa Jesus, Đức Mohamed; là Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp cổ đại; là thần thi ca Apollon, nữ thần Athena, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... Ông yêu thích văn hóa, văn học Pháp với những tác gia lớn như Hugo, Balzac, Stendhal, Musset, Vigny, Baudelaire vì trong tác phẩm của họ thấm đẫm triết lý nhân sinh. Ông đề cao triết học Đức với I. Kant, Hegel vì họ tư duy khúc chiết, đề cao con người, đề cao thi ca, mĩ học. Năm 18 tuổi, ông bắt tay viết các tác phẩm Triết học nhập môn, Triết học Kant, Triết học Nietzsche, Triết học Einstein, Triết học Descartes, Siêu hình học. Một tư duy, một tầm vóc, một sức viết phi thường. Những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa cứu quốc, sau đó là Hội Văn hóa cứu quốc. Năm 1945 ông tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tiếp tục viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận, phê bình. Sau năm 1954 ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến năm 1989 làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam.

a
Hội thảo khoa học toàn quốc “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn hóa, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20-12-1924 – 20-12-2024).

Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi để lại cho đất nước thật đồ sộ, phong phú, quý giá. Trong văn học, ông là nhà văn có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết. Ông cũng là nhà thơ, nhà biên kịch, người sáng tác âm nhạc có nhiều đổi mới trong tư duy và cách tân nghệ thuật. Các tác phẩm văn xuôi, như Xung kích, Thu Đông năm nay, Bên bờ sông Lô, Vào lửa, Mặt trận trên cao… thực sự là những dẫn chứng tiêu biểu cho quan niệm sáng tác và ý thức công dân của người nghệ sĩ. Ông cho rằng: “Sống được cuộc sống kháng chiến của dân tộc, hiểu được hướng đi tới của xã hội ta hiện thời, cảm xúc được những cảm xúc mới của kháng chiến; tất cả vấn đề sáng tác quyết định ở điều ấy”. Đặc biệt, bộ tiểu thuyết hai tập Vỡ bờ đã đưa Nguyễn Đình Thi lên vị thế tiên phong của dòng tiểu thuyết sử thi hào hùng và lãng mạn của nền văn học nước ta giai đoạn 1946-1985.

Ở thể loại thơ, những tác phẩm bất hủ của ông như Đất nước, Nhớ, Bài thơ Hắc Hải, Lá đỏ... là minh chứng sinh động cho tình yêu thương, gắn bó tha thiết với đất nước, con người Việt Nam “vất vả, đau thương tươi thắm vô ngần”, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”... Đó là cá tính sáng tạo mạnh mẽ, bản lĩnh tiên phong, trăn trở tìm tòi hướng đi mới trong thơ Việt Nam hiện đại, nhất là thể thơ tự do, phóng khoáng. Chính những đổi mới, những tìm tòi thể nghiệm táo bạo này đã khiến thơ ông trở thành đề tài gây sự chú ý, nhất là những cuộc tranh luận có nhiều lúc nảy lửa suốt một thời gian dài. Và ông đã tạo ra những khác biệt, những giọng điệu, phong cách riêng của thơ tự do, phóng khoáng, hào sảng, đằm thắm, suy tưởng, ám ảnh. Từ năm 1949, khi 25 tuổi, ông viết bài thơ Em bảo anh tặng văn sĩ Pháp Madeleine Riffaud: “Em bảo anh: Nếu chỉ có đôi ta/ Thì có yêu nhau cũng không sống được/ Em bảo anh: Khi chúng ta nằm bên nhau/ Thì bao đồng chí đang nằm hầm sâu/ Em bảo anh: Mỗi vết bùn chúng ta mang trên mặt/ Trong mắt người yêu biến thành nước mắt/ Và mỗi tia lửa vút bay lên cao/ Trong mắt người yêu biến thành trời sao”… Cho đến nay, thế hệ các nhà thơ trẻ Việt Nam đã, đang kế thừa và phát huy những thành tựu và hướng tìm tòi mấy chục năm trước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

Về sân khấu, sự xuất hiện bất ngờ của các kịch bản Con nai đen (1961), Hoa và Ngần (1974), Giấc mơ (1977), Rừng trúc (1978), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979), Người đàn bà hóa đá (1980), Tiếng sóng (1980), Cái bóng trên tường (1982), Trương Chi (1983), Hòn cuội (1986)... trong đó, số phận khá long đong của Con nai đen, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Cái bóng trên tường, Hòn cuội... đều xuất phát từ tư duy, bản lĩnh, tài năng và sự sáng tạo nghệ thuật, luôn tìm lối mới, cách đi riêng, nói giọng riêng của Nguyễn Đình Thi. Chính những cách tân táo bạo trong hình tượng kịch, sự đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, triết lý nhân sinh sâu sắc và sự đan cài, hòa quyện nhuần nhuyễn văn hóa Đông-Tây, kim-cổ; truyền thống và hiện đại; kế thừa và tiếp nhận, tiếp biến... được hun đúc từ trái tim của một nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, chan chứa yêu thương với con người, với cuộc đời, với đất nước, với dân tộc; luôn trăn trở về số phận, niềm vui, nỗi đau và khát vọng tự do, khát vọng sáng tạo nghệ thuật, chấp nhận cả sự ngờ vực, “vượt qua sóng gió” để tồn tại với thời gian của kịch Nguyễn Đình Thi.

a
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn hóa, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20-12-1924 – 20-12-2024).

Trong lĩnh vực âm nhạc, dù “dừng chân” không lâu và chỉ có 6 ca khúc trong sự nghiệp sáng tác: Căm hờn, Diệt phát xít, Du kích quân (1945), Người Hà Nội (1947), Con voi (1948), Đất nước yêu thương (1977)) nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn để lại dấu ấn đậm nét về sáng tạo nghệ thuật, về tâm hồn đẹp đẽ, nhân văn của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò tạo sự kết nối giữa nghệ thuật với cách mạng trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình, cách mạng đang sục sôi. Sinh thời, Nguyễn Đình Thi từng thổ lộ: “Tôi không dám nhận mình là nhạc sĩ”, tuy nhiên, hai bài hát ông sáng tác ở lứa tuổi đôi mươi ¬¬- Diệt phát xít và Người Hà Nội - cũng đủ để tất cả chúng ta tôn vinh ông là một nhạc sĩ lớn, cùng Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Xuân Oanh, Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Thương… mở đường, dẫn lối cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Một trong những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi trong lĩnh vực âm nhạc là việc khai phá và phát triển hai thể loại quan trọng - hành khúc và trường ca. Các ca khúc của Nguyễn Đình Thi đã trở thành một phần ký ức lịch sử dân tộc, khơi dậy niềm tự hào đối với quê hương Hà Nội thân thương và đất nước Việt Nam yêu dấu.

Nguyễn Đình Thi đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với những tác phẩm có giá trị nhiều mặt, sống mãi với thời gian. Thành công trong các sáng tác của ông nổi rõ ở tính tư tưởng, tính nhân văn, nghệ thuật đặc sắc, bút pháp phóng khoáng mà nhuần nhị; ở đó, hòa quyện lòng yêu nước với lý tưởng tưởng cách mạng, tính dân tộc và tính hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, nhất là văn hóa Pháp, Nga, châu Âu, khát vọng tự do và bản chất nhân hậu, đằm thắm rất Việt Nam.

Ở trong nước, các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, văn nghệ của nhân dân ta. Một số tác phẩm thơ, văn, kịch, nhạc của ông được giảng dạy trong các trường học, từ phổ thông đến đại học, trong các sinh hoạt văn hóa ở làng quê hay phố thị, được nhiều người yêu thích.

Hành trình tiếp nhận và lan tỏa di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi còn vượt ra ngoài biên giới, để lại dấu ấn trong lòng người yêu mến văn nghệ ở nước ngoài, nhất là người Việt xa quê. Một số vở kịch của ông như Nguyễn Trãi ở Đông Quan hay Rừng trúc không chỉ được trình diễn trong nước mà còn được giới thiệu tại các liên hoan sân khấu quốc tế.

Cùng với sự nghiệp sáng tác văn nghệ, sáng tạo văn hóa, Nguyễn Đình Thi còn là một nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ tài ba, xuất sắc. Ông tham gia cùng các cơ quan, đơn vị giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách phát triển văn hóa, văn nghệ kháng chiến, kiến quốc. Nhất là trên các cương vị Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, ông đã thể hiện tầm tư duy, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và khả năng nắm bắt hơi thở đời sống đất nước. Những vị trí công tác mà ông từng trải qua, mọi người không chỉ khâm phục tài năng, uy tín về chuyên môn của ông mà còn quý trọng những ý tưởng, góc nhìn từ ông về xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ đến thời kỳ hòa bình, đổi mới.

a
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học toàn quốc “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn hóa, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20-12-1924 – 20-12-2024).

Nguyễn Đình Thi là người có tư duy sâu sắc và tầm nhìn xa trong lĩnh vực quản lý văn hóa, văn nghệ. Trong vai trò lãnh đạo, quản lý, ông luôn coi trọng sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa sáng tạo và bảo tồn, giữa chuyên nghiệp, tinh hoa và bình dân, đại chúng. Ông quan niệm: để nền văn hóa Việt Nam phát triển bền vững, cần phải dựa trên những giá trị cốt lõi của dân tộc, đồng thời mở rộng giao lưu, học hỏi, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Đặt quan điểm ấy trong bối cảnh đất nước còn đang trong giai đoạn chiến tranh, bị cô lập rất nhiều năm mới thấy rõ tầm chiến lược và tính đột phá trong tư duy của người lãnh đạo văn nghệ xuất sắc Nguyễn Đình Thi. Các tiểu luận lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của ông không chỉ là những phân tích học thuật mà còn kết tinh trong đó tầm nhìn chiến lược, lý luận gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sinh động. Ông không áp đặt quan điểm của mình lên tác giả, tác phẩm mà luôn cố gắng tìm hiểu và tôn trọng cá tính sáng tạo của nghệ sĩ; coi phê bình là người bạn đồng hành, tri âm, tri kỷ của sáng tác.

Nguyễn Đình Thi đặc biệt coi trọng vai trò của lý luận, phê bình trong việc thẩm định, định hướng, hỗ trợ sáng tạo văn học, nghệ thuật. Các tác phẩm, bài nói của ông lúc còn rất trẻ, được giới chuyên môn đánh giá cao như: tiểu luận Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích; bài diễn thuyết Dòng máu Việt Nam chảy trong ca dao (1944),  đặc biệt là tùy bút Nhận đường nổi tiếng (đăng trên tạp chí Văn nghệ số 1, tháng 3 năm 1948), các bài viết và các tập tiểu luận phê bình: Kịch Bắc Sơn, Tiếng nói của văn nghệ, Mấy ý nghĩ về thơ, Trần Đăng, Nam Cao, Nhà văn viết bằng cái gì, Mấy vấn đề văn học (1956), Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay (1957), Công việc của người viết tiểu thuyết (1964)... Nguyễn Đình Thi luôn trăn trở về sứ mệnh của văn hóa, văn nghệ và vai trò, trách nhiệm của văn nghệ sĩ; gợi mở hướng kết nối văn học với chính trị, với thực tiễn xã hội, đề cao vai trò của văn hóa, văn nghệ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ông viết: "Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng cũng chính kháng chiến cũng đem đến cho văn nghệ nguồn cảm hứng và sức mạnh mới". Ông luôn nhấn mạnh: văn học, nghệ thuật phải song hành cùng chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội và nhiều lĩnh vực khác của đời sống; văn nghệ sĩ cần bám sát những đổi thay của thời đại, đưa “hơi thở” của thời đại vào trong sáng tác của mình. Nguyễn Đình Thi luôn khuyến khích mọi người tạo môi trường tốt nhất cho sáng tạo văn học, nghệ thuật, tôn trọng yêu cầu dân chủ, nhân văn, đổi mới, thể hiện cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ trong tác phẩm. Với những bài viết lý luận, phê bình sâu sắc, đằm thắm cùng phong cách lãnh đạo cởi mở, gần gũi, Nguyễn Đình Thi đã trở thành một người bạn, người thầy, người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ trẻ. Ông luôn khuyến khích các nghệ sĩ trẻ thử nghiệm và đổi mới, không ngại phá vỡ các khuôn mẫu để tìm kiếm những giá trị mới mẻ hơn.

Di sản quý báu mà Nguyễn Đình Thi để lại cho công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động văn hóa, văn nghệ còn là đóng góp của ông trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức văn học, nghệ thuật, các thiết chế văn hóa, văn nghệ, điển hình là Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, nơi ông giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều năm liền.

Nguyễn Đình Thi là người có công lao to lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, giúp giới trí thức, văn nghệ sĩ quốc tế hiểu đúng hơn về đất nước, con người Việt Nam, từ đó, có thái độ đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của Việt Nam. Ngoài mục tiêu trên, trong vai trò của người lãnh đạo văn nghệ, hơn ai hết, ông hiểu sâu sắc rằng việc học hỏi và giao lưu với các nền văn hóa khác sẽ giúp văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển phong phú hơn, mạnh mẽ hơn, từng bước xác lập vị thế của văn hóa, văn nghệ Việt Nam trên trường quốc tế.

a
PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn hóa, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20-12-1924 – 20-12-2024).

Bằng tài năng và cống hiến xuất sắc của Nguyễn Đình Thi cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà trên cả hai lĩnh vực sáng tác và lãnh đạo, quản lý, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) về văn học - nghệ thuật và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trước khi kết thúc bài viết này, chúng tôi mong muốn, các danh nhân văn hóa, các văn nghệ sĩ lớn, các trí thức, nhà khoa học tiêu biểu cần được tôn vinh, ghi ơn, bảo tồn di sản mà họ để lại bằng các nhà bảo tàng, nhà lưu niệm tương xứng. Một số vị đã có những thiết chế đó, điều này thật đáng mừng, nhưng khá nhiều vị chưa có hoặc còn sơ sài thì các cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm, các lực lượng xã hội, các mạnh thường quân văn hóa, văn nghệ nên có kế hoạch xây dựng, tu bổ, bảo tồn, phát huy đúng cách. Trường hợp nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi là một thí dụ. Di sản của Nguyễn Đình Thi đã trở thành tài sản quý giá, thành biểu tượng cụ thể về danh nhân văn hóa Việt Nam. Do đó, rất cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đầu tư đồng bộ và lâu dài, từ công tác bảo tồn, bảo tàng đến tuyên truyền, quảng bá; sử dụng công nghệ số để số hóa các tác phẩm, tư liệu, hiện vật; xây dựng các nền tảng trực tuyến giới thiệu về Nguyễn Đình Thi; tổ chức các sự kiện trực tuyến giúp lan tỏa giá trị di sản Nguyễn Đình Thi ở trong và ngoài nước./.

Theo dangcongsan.vn


 

.
.
.