Tạo sức hút mới cho các khu di tích
Với mục tiêu làm sống lại những giá trị lịch sử, văn hóa thông qua góc nhìn trẻ trung và sáng tạo, mô hình “Đội hình tuyên truyền viên trẻ tại các khu di tích lịch sử” đang trở thành điểm sáng trong công tác giáo dục truyền thống tại Tiền Giang.
LÀM MỚI CÁCH TIẾP CẬN
Nhằm gìn giữ, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch thành lập mô hình “Đội hình tuyên truyền viên trẻ tại các khu di tích lịch sử” năm 2024. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai Kế hoạch 261 về việc thành lập mô hình.
Đội hình tuyên truyền viên trẻ tại các khu di tích lịch sử của TP. Gò Công. |
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, 100% Đoàn cơ sở thành lập mô hình, đội hình và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm của địa phương, đơn vị.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các video, clip, phóng sự tuyên truyền, đăng tải trên không gian mạng; số hóa các khu di tích lịch sử, thông qua qua các trang mạng cộng đồng do cấp Đoàn - Hội - Đội quản lý, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của địa phương, tìm hiểu sự hình thành và phát triển của các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương, đơn vị.
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Quang Minh cho biết, kết quả có 11 huyện, thành, thị Đoàn thành lập, ra mắt 11 đội hình, với 179 thành viên và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm của địa phương.
Theo đó, đội hình tuyên truyền viên trẻ tại các khu di tích lịch sử có nhiệm vụ tuyên truyền các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của địa phương, công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền về sự hình thành và phát triển của các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; hướng dẫn, tiếp đón khách du lịch; tham gia giữ vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan khu di tích lịch sử. Công tác triển khai thực hiện mô hình thực hiện hiệu quả, chất lượng, linh hoạt, đồng bộ, tạo sự lan tỏa cao trong cộng đồng.
Theo đồng chí Nguyễn Quang Minh, thành phần tham gia đội hình được các cấp bộ Đoàn phối hợp các ngành cùng cấp tổ chức, lựa chọn bồi dưỡng đoàn viên có đủ kiến thức, kỹ năng thông qua các hội nghị tập huấn kỹ năng, hội thi, cuộc thi về tuyên truyền giới thiệu các di tích lịch sử. Qua đó, phát hiện được những thí sinh có năng khiếu để có kế hoạch kết nạp, bồi dưỡng vào Đội hình tuyên truyền viên trẻ tại các khu di tích lịch sử phục vụ công tác thuyết minh du khách tham quan.
LÀM SỐNG LẠI GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA
Theo Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP. Mỹ Tho Lê Hồng Gấm, tại Lễ hội Sắc màu Mỹ Tho, Thành đoàn đã tổ chức lễ ra mắt Đội tình nguyện tuyên truyền, giới thiệu các di tích, điểm du lịch của quốc gia, địa phương.
Theo đó, đội hình với 35 thành viên là các đoàn viên, thanh niên đến từ 17 đơn vị phường, xã trên địa bàn TP. Mỹ Tho là những cán bộ, đoàn viên, thanh niên có đam mê, năng khiếu, sở trường, hiểu biết về các giá trị văn hóa, di tích lịch sử...
Nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, các cấp bộ Đoàn đã thực hiện nhiều công trình thanh niên số hóa các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở địa phương. Điểm mới là sử dụng công nghệ AI, camera 360 độ để mô tả chân thực từng góc nhìn, bao quát các góc di tích, giúp du khách lần đầu tới các khu du lịch có thể định hình, cơ sở dữ liệu du lịch số cho du khách muốn tìm hiểu về quê hương Tiền Giang, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng của địa phương; tìm hiểu sự hình thành và phát triển của các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương, đơn vị. Kết quả, tính đến thời điểm hiện tại, các cấp bộ Đoàn đã thực hiện 95 công trình, trong đó, bao gồm 2 công trình cấp tỉnh, 11 công trình cấp huyện và 82 công trình cấp cơ sở. |
Đây là hoạt động thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ TP. Mỹ Tho trong việc tham gia giữ gìn, phát huy và quảng bá các giá trị lịch sử - văn hóa tới nhân dân và khách du lịch; giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, con người Mỹ Tho; góp phần thực hiện Chủ đề năm 2024 của thành phố về “Đẩy mạnh toàn diện việc chuyển đổi số, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch”.
Tại TP. Gò Công, Đội hình tuyên truyền viên trẻ tại các khu di tích lịch sử hoạt động hiệu quả. Thành đoàn tổ chức nhiều hội thi để cho các bạn làm video, clip tuyên truyền thông điệp thế hệ số, gắn với tuyên truyền di tích lịch sử.
Em Nguyễn Nhất Hồng Nhung, một đoàn viên tham gia đội hình của TP. Gò Công cho biết: “Tham gia đội hình này là một trải nghiệm ý nghĩa đối với bản thân, không chỉ học hỏi thêm nhiều kiến thức lịch sử của quê hương, em còn được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và làm việc nhóm. Điều tuyệt vời nhất là cảm giác tự hào khi được góp phần nhỏ bé lan tỏa giá trị lịch sử đến với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ”.
Em Lê Thị Minh Trang, sinh viên Trường Đại học Tiền Giang hào hứng bày tỏ: Đội hình tuyên truyền viên trẻ thực sự là một ý tưởng rất sáng tạo và hữu ích. Là một người trẻ, đôi khi em thấy học lịch sử khá khô khan, nhưng khi đến các khu di tích và được nghe các bạn tuyên truyền viên chia sẻ bằng phong cách gần gũi, sinh động, em cảm nhận rõ hơn về những câu chuyện và giá trị lịch sử. Các hoạt động trải nghiệm như trò chơi hay câu đố lịch sử cũng rất thú vị, giúp chúng em nhớ lâu và hiểu sâu hơn”.
LÝ OANH