.

Nâng tầm giá trị và thương hiệu "Hủ tiếu Mỹ Tho"

Cập nhật: 09:45, 27/12/2024 (GMT+7)

Hủ tiếu Mỹ Tho từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Mỹ Tho nói riêng và người dân Tiền Giang nói chung. Phát huy giá trị truyền thống bản địa đặc sắc, UBND TP. Mỹ Tho với chủ trương khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế văn hóa ẩm thực; nâng tầm giá trị thương hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho”, để trở thành một món ăn không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân.

* CHỊ PHẠM THỊ NGỌC VÂN, CHỦ TỊCH HỘI LHPN TP. MỸ THO:

Đây là lần đầu tiên UBND TP. Mỹ Tho tổ chức Lễ hội “Hủ tiếu Mỹ Tho” với chủ đề “Tinh hoa từng sợ gạo”. Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn, hứa hẹn là nơi trải nghiệm thú vị cho các thực khách. Tham gia lễ hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Mỹ Tho thực hiện các hoạt động: Tổ chức thực hiện gian hàng nấu hủ tiếu, gian hàng ẩm thực các loại bánh từ gạo, trải nghiệm làm sợi hủ tiếu…

Để tạo sự hấp dẫn, Hội LHPN thành phố sẽ tổ chức Hội thi làm sợi hủ tiếu với 14 đội tham gia, mỗi đội có 4 thành viên là cán bộ, hội viên phụ nữ ở các xã, phường. Các đội sẽ thi 3 lượt trong 3 ngày (27, 29 và 30-12) và phải thực hiện tất cả các khâu làm ra sợi hủ tiếu.

Tận mắt thấy được các công đoạn làm ra sợ hủ tiếu, du khách sẽ có một trải nghiệm hấp dẫn và thú vị. Tổng hợp kết quả 3 ngày, Ban Tổ chức sẽ trao giải cho các đội đạt yêu cầu. Trong tương lai, Hội LHPN TP. Mỹ Tho sẽ nghiên cứu tổ chức các cuộc thi, nấu ăn có liên quan đến hủ tiếu nhằm để quảng bá thương hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho”.

* ÔNG TRƯƠNG VĂN THUẬN, TỔ TRƯỞNG TỔ HỢP TÁC SẢN XUẤT HỦ TIẾU MỸ THO:

Tôi không biết hủ tiếu Mỹ Tho có từ khi nào. Tôi bắt đầu đến với nghề làm bánh hủ tiếu từ năm 1983, qua tìm hiểu và học hỏi từ bạn bè, tôi mở cơ sở sản xuất bánh, bún, hủ tiếu tại nhà (ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho). Trải qua rất nhiều thăng trầm, khó khăn nhưng tôi vẫn quyết không bỏ nghề và cho đến bây giờ, gia đình tôi vẫn sống với nghề làm bánh hủ tiếu.

Năm 2007, Làng nghề bánh, bún, hủ tiếu Mỹ Tho và Tổ hợp tác sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho được hình thành. Trong lộ trình khẳng định làng nghề truyền thống, vào tháng 12-2008, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho thương hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho”.

Tỉnh Tiền Giang cũng công nhận Làng nghề bánh, bún, hủ tiếu Mỹ Tho là một trong 13 làng nghề đầu tiên của tỉnh cần được đầu tư phát triển một cách toàn diện.

Riêng Tổ hợp tác sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho hiện có 6 cơ sở sản xuất, với sản lượng gần 10 tấn/ngày. Hủ tiếu Mỹ Tho được làm từ gạo Gò Cát, có đặc điểm nhỏ, dai, giòn và trong. Bản thân luôn trăn trở làm sao để giữ gìn nghề truyền thống này, vì do không có chất bảo quản nên sợi hủ tiếu không để được lâu.

Để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm hủ tiếu cần phải được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành về khâu bảo quản, đóng gói, giới thiệu thị trường…, nếu không bảo quản đúng cách, sẽ làm giảm chất lượng và hương vị của sợi hủ tiếu.

Tôi rất tâm huyết với nghề làm bánh hủ tiếu và không muốn nghề truyền thống này bị mai một, tôi luôn cùng mọi người giữ nghề và góp phần quảng bá thương hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho” trên thị trường.

* BÀ TRƯƠNG THỊ THỜI, CHỦ QUÁN HỦ TIẾU DÌ TƯ, TP. MỸ THO:

Khi nói đến hủ tiếu thì mọi người có thể nghĩ ngay đến rất nhiều quán ngon với nhiều món được chế biến từ sợi hủ tiếu như: Hủ tiếu sa tế, hủ tiếu hải sản, hủ tiếu mực... và người dân TP. Mỹ Tho không xa lạ gì với quán hủ tiếu Dì Tư. Đây là quán “ruột” của những tín đồ mê hủ tiếu.

Quán hủ tiếu có từ những năm 1975, với gánh hủ tiếu bán ở đầu hẻm, bà Trương Thị Thời (gọi thân mật là Dì Tư) đã nuôi 5 người con khôn lớn. Hiện nay dù đã 77 tuổi, nhưng Dì Tư vẫn là đầu bếp chính của quán, là người trực tiếp nêm nồi nước lèo, cũng như hướng dẫn chọn hủ tiếu và rau củ sao cho tươi ngon nhất.

Dì Tư chia sẻ: “Bí quyết để có một tô hủ tiếu thơm ngon đó là bánh hủ tiếu và nước lèo. Bánh hủ tiếu phải là sợi bánh hủ tiếu Mỹ Tho, nước lèo phải hầm từ xương cùng với các loại rau củ để tạo hương vị thơm ngon. Đặc biệt, nước lèo được nấu bằng đường phèn và nước dừa. Tận dụng khoảng sân rộng trước nhà để bán, không phải thuê mặt bằng, nên giá hợp với túi tiền của nhiều người”.

Chính vì thế mà quán hủ tiếu Dì Tư luôn đông khách, chỉ trong buổi sáng quán có thể bán hàng trăm tô hủ tiếu. Quán bán buổi sáng đến khoảng 10 giờ, sau đó nhân viên sẽ vệ sinh quán cho thật sạch sẽ, đến 14 giờ sẽ bắt đầu hầm xương và chuẩn bị nguyên liệu cho hôm sau. Dì Tư cho biết, dì cũng đã truyền nghề này lại cho con và có thể sẽ mở thêm chi nhánh, góp phần đưa hương vị hủ tiếu Mỹ Tho vang xa…

* CHỊ NGUYỄN TRẦN NGỌC THƯƠNG, NGƯỜI DÂN XÃ MỸ PHONG, TP. MỸ THO:

Là một người dân của làng nghề truyền thống bún, bánh hủ tiếu Mỹ Tho, tôi cảm thấy vô cùng háo hức khi những ngày này đi khắp nơi, đâu đâu cũng nghe quảng cáo về hủ tiếu Mỹ Tho và nhất là Lễ hội “Hủ tiếu Mỹ Tho” sẽ chính thức khai mạc vào tối nay.

Nếu ai có dịp được tham quan và trải nghiệm tận mắt quy trình làm ra sợi hủ tiếu thì sẽ thấy nó rất kỳ công và đó còn là từng giọt mồ hôi của người lao động khi vừa gút gạo, vừa xay gạo, tráng và phơi để sau đó cắt thành phẩm những sợi hủ tiếu đưa đi tiêu thụ.

Bản thân cũng là một thực khách vô cùng yêu thích món ăn hủ tiếu Mỹ Tho, buổi sáng chỉ cần thưởng thức 1 tô hủ tiếu với sợi bánh dai dai, mùi nước lèo thơm phức với miếng sườn ngọt lịm… sẽ cảm thấy tinh thần thật sảng khoái, đầy năng lượng cho một ngày làm việc hiệu quả. Một điểm đặc biệt của hủ tiếu Mỹ Tho là sự đa dạng trong cách chế biến, thực khách có thể chọn từ hủ tiếu xào, hủ tiếu nước, cho đến các phiên bản khác nhau tùy theo sở thích cá nhân.

***


Hủ tiếu Mỹ Tho không chỉ là món ăn, mà còn là kỷ niệm của nhiều người, đặc biệt là với những ai lớn lên ở vùng đất này. Đó còn là món ăn gợi nhớ đến quê hương, gia đình và những bữa cơm sum vầy bên người thân. Có thể thấy rằng, hủ tiếu Mỹ Tho không chỉ là một món ăn đơn thuần, mà còn là một phần của văn hóa và trải nghiệm sống của người dân nơi đây.

PHƯƠNG MAI

(lược ghi)

.
.
.