Nhiều sách của nhà văn Hồ Biểu Chánh tái bản
Loạt tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh như "Lòng dạ đàn bà", Tiền bạc bạc tiền", "Từ hôn" được tái bản, phát hành cuối năm nay.
Theo đại diện Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM, các tác phẩm tái bản và in mới nhằm phục vụ nhu cầu đọc sách của nhà văn Hồ Biểu Chánh của nhiều thế hệ độc giả. Gần 30 cuốn sách nổi tiếng của ông phát hành trong đợt này gồm Tiền bạc bạc tiền (in lần đầu 1925), Từ hôn (in lần đầu 1937), Cư Kỉnh (in lần đầu 1941), Con nhà giàu, Con nhà nghèo, Cười gượng, Ăn theo thuở, ở theo thời, Nhân tình ấm lạnh, Ý và tình.
Các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh trong đợt tái bản cuối năm nay. Ảnh: NXB Tổng hợp TP HCM |
Các tiểu thuyết của ông bao quát những mảng hiện thực, nét văn hóa đặc trưng Nam Bộ vào những thập niên đầu thế kỷ 20, qua đó hé lộ mặt tối lẫn số phận đáng thương của nhiều nhân vật, truyền tải thông điệp nhân văn về lối sống, đạo đức. Từ ngữ và lối miêu tả gãy gọn, tự nhiên, chất chứa nhiều tâm tư tình cảm, như nói lên tiếng lòng của người dân trước biến thiên của thời cuộc.
Mỗi tác phẩm đều thành công trong việc phản ánh thời đại ông sống. Nhà văn sử dụng từ ngữ bình dân một cách tự nhiên, phản ảnh trung thực tâm tình và tâm lý của con người trong xã hội Nam kỳ. Nhờ đó, tác phẩm tạo cảm tình, gây xúc động cho người đọc. Tiến sĩ văn học Võ Văn Nhơn ví nhà văn Hồ Biểu Chánh là "Balzac của Nam Bộ" - không chỉ là tiểu thuyết gia, mà còn góp phần khai sáng nền văn học hiện đại và cách tân thể loại tiểu thuyết.
Một trong những cuốn sách tiêu biểu của ông là Con nhà nghèo, xuất bản năm 1930, được xây dựng với hai tuyến nhân vật là giới điền chủ quyền thế và giới tá điền bị trị, trong một xã hội thuở giao thời giữa phong kiến và Tây hóa. Cô Tư Lựu con nhà tá điền, bố mẹ mất sớm, có hai người anh là cai tuần Bưởi và Ba Cam. Cai tuần Bưởi là tá điền của bà Cai Hiếu và vợ chồng cậu Hai Nghĩa, còn Ba Cam làm tài xế xe hơi cho một ông thầy kiện ở Sài Gòn.
Cha mẹ mất đi, Tư Lựu ở chung với cai tuần Bưởi. Năm 17 tuổi, cô trổ mã, đẹp gái và rất có duyên. Nhân lúc cai tuần Bưởi đi làm ăn xa, ông Hai Nghĩa con bà cai Hiếu hám sắc đã hãm hiếp cô. Vì đã có vợ con nên khi biết Tư Lựu có thai, Hai Nghĩa đã bỏ rơi cô. Tư Lựu sinh con, đặt tên là thằng Hai. Cả Hai Nghĩa và bà cai Hiếu đều không nhận máu mủ. Sợ mang tiếng xấu trong vùng nên họ tước hết ruộng mà cai tuần Bưởi đang thuê, trục xuất cả gia đình anh ra khỏi vùng đất của bà cai Hiếu. Tư Lựu sau đó được anh Cu, một nông dân chất phác thương số phận hẩm hiu nên cưới làm vợ và nhận làm cha đứa trẻ.
Chất liệu văn hóa trong loạt sách của tác giả cũng là nguồn cảm hứng chuyển thể phim, kịch, cải lương. Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Hồ Ngọc Xum từng thực hiện nhiều phim truyền hình lấy cảm hứng tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh như Ngọn cỏ gió đùa, Nợ đời, Hai khối tình, Lòng dạ đàn bà, Cay đắng mùi đời. Theo đạo diễn Hồ Ngọc Xum, điểm đặc sắc ở tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là lời văn giản dị, cảnh trí văn hóa sinh động, phản ánh đời sống, cách nói chuyện, ứng xử của con người miền Nam xưa.
Gia đình nhà văn Hồ Biểu Chánh từng nói ông yêu viết lách như hơi thở, xem đó là nhu cầu, phương thuốc trị bệnh. Ông rất sợ không có việc gì làm khi ở nhà. Những năm cuối đời, tác giả đau tim nặng, yếu dần. Bác sĩ cấm viết, nhà văn vẫn không chịu nghỉ. Con cháu một mặt khẩn cầu ông dừng sáng tác, mặt khác năn nỉ các nhà xuất bản lẫn nhà báo đừng đến mua tác phẩm. Sợ người thân buồn, ông chiều ý, nhưng lúc cả nhà đi vắng hoặc ngủ hết, tác giả lại lén cầm bút viết xuyên đêm.
Tác giả Hồ Biểu Chánh (1885-1958). Ảnh tư liệu |
Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1885-1958) tại Gò Công, tên thật Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Xuất thân trong gia đình nghèo có 12 người con ở làng Bình Thành, tỉnh Gò Công (nay là Tiền Giang), thời thơ ấu ông chịu nhiều thiếu thốn. Ông làm việc cho chính phủ Pháp, thăng dần tới Đốc phủ sứ. Nhiều công trình nghiên cứu khẳng định tuy làm việc cho Pháp, ông nổi tiếng thanh liêm, chính trực, thương người nghèo. Tháng 6/1937, ông xin về hưu nhưng vì không có người thay thế, ông tiếp tục kinh qua nhiều chức vụ trong chính quyền Pháp, đến cuối 1946 mới rời chính trường. Những năm tháng hưu nhàn, tác giả dành trọn tâm huyết cho văn chương, an dưỡng tuổi già.
Giáo sư Nguyễn Khuê chia đời văn nghệ gần nửa thế kỷ của nhà văn Hồ Biểu Chánh thành năm giai đoạn: Tập sự viết văn, làm thơ (1907-1917), viết báo (1918-1925), chuyên sáng tác tiểu thuyết (1925-1941), lại làm báo, biên khảo (1942-1952), tiếp tục viết tiểu thuyết (1953-1958). Ông viết trên 70 tiểu thuyết và đoản thiên, tuồng hát, hồi ký, biên khảo, thơ, dịch thuật, phê bình, tùy bút. Ngày 4-11-1958, ông qua đời tại tư gia ở Phú Nhuận.
Theo vnexpress.net