Hai nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt
Trong văn hóa truyền thống của người Việt, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp để đoàn tụ gia đình mà còn là thời điểm để thực hiện nhiều phong tục mang đậm ý nghĩa tâm linh và giá trị văn hóa. Trong số đó, tảo mộ ngày tết và cúng ông Công, ông Táo là hai phong tục quan trọng được thực hiện vào những ngày cuối năm của tháng Chạp, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn và sự gắn kết của con người với cội nguồn.
NGÀY XUÂN TẢO MỘ ÔNG BÀ
Khi tiết trời bắt đầu trở lạnh, hoa mai vàng chuẩn bị khoe sắc cũng là lúc nhà nhà chuẩn bị đón tết. Tết không chỉ là dịp mọi người vui vẻ, sum vầy bên nhau mà còn để tri ân ông bà qua phong tục đi tảo mộ, sau đó “rước” ông bà về ăn tết cùng với gia đình.
Để chuẩn bị cho lễ cúng ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp, tại các chợ đã bắt đầu nhộn nhịp, đắt hàng nhất là các mặt hàng như: Cá chép, các loại hoa tươi, xôi chè, đồ cúng… |
Vào những ngày giáp Tết, người dân quê tôi nhà nhà đi tảo mộ (hay còn gọi là quét mộ”, viếng mộ của ông bà để tỏ lòng thành kính với người đã khuất. Đây là nét văn hóa được người dân quê tôi duy trì từ đời này sang đời khác trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo quan niệm của người Việt, khi năm mới đến, tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân. Tục ngữ Việt Nam có câu “cao nấm, ấm mồ” (có nghĩa là: Nấm mả cao dày thì phần mộ bền vững, người chết được yên nghỉ), vì vậy việc sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất. Ngày tảo mộ, các con cháu dù làm ăn ở xa cũng cố gắng về tảo mộ ông bà, với lòng biết ơn tổ tiên và cầu mong năm mới làm ăn khấm khá.
Ở mỗi địa phương đều có tục tảo mộ khác nhau, nhưng ở quê tôi thường diễn từ ngày 15 đến 25 tháng Chạp. Vào những ngày này, ở quê tôi, các gia đình dậy từ rất sớm, đàn ông thì chuẩn bị các thứ như: Dao, cuốc, xẻng, nhang đèn, bánh cúng để đi tảo mộ.
Theo phong tục, tại những khu mộ, trước khi tiến hành làm cỏ, sơn phết lại mộ phần, người cao tuổi nhất, có uy tín trong gia đình, dòng họ sẽ đại diện thắp nhang, đốt đèn, mời rượu, cúng bánh, đốt vàng mã và khấn vái trước khi động mộ.
Tôi nhớ, khi ông bà tôi còn sống, việc quét mộ được ông bà chuẩn bị từ 2 đến 3 ngày trước, ông thì lo chuẩn bị các thứ như: Đèn, nhang, vàng mã, cuốc xẻng… để đi quét mộ; còn bà thì đi chợ chuẩn bị mâm cơm cúng tươm tất.
Theo tục xưa, vào những ngày đầu tháng Chạp, người ta lo móc đất sét nhồi với trấu nắn những bộ “ông đầu rau” mới. Đến ngày đưa ông Táo thì bưng những bộ “ông đầu rau” cũ đem bỏ cạnh cái “thủ chủ” (thờ thổ chủ - thổ thần) rồi đem nồi ơ nấu nướng bên hè tạm thời. Mãi đến chiều ngày cuối năm mới khai trương bộ “ông đầu rau” mới và đến lúc giao thừa thì cúng rước Táo quân hồi gia. Đây là phong tục đã bỏ vì không ai muốn hoang phí trong khi mấy “ông đầu rau” cũ vẫn còn lành lặn. Theo quan niệm người miền Bắc, Táo quân về trời bằng cá chép nên có tục thả cá chép. Còn người dân Nam bộ nói chung và vùng Tiền Giang nói riêng cho rằng, vợ chồng Táo về trời hễ đường bộ thì đi ngựa, đường hàng không thì cỡi hạc nên ngoài số giấy vàng bạc làm lộ phí thì có thêm tranh vẽ ngựa và hạc, gọi nôm na là giấy “cò bay ngựa chạy”. |
Vào ngày 24 tháng Chạp, việc đi quét mộ của gia đình tôi diễn ra rất sớm, các ông tôi từ các nơi khác cũng về có mặt, tuy không còn sống ở quê tôi nhưng mồ mã của ông bà các ông vẫn còn ở đây nên mỗi lần quét mộ các ông đều về đầy đủ.
Trong ngày tảo mộ, khi các ông, các chú, các bác, các anh được phân công đi quét mộ thì ở nhà các bà, các cô, dì, các chị lo nấu thức ăn để cúng ông bà. Các món ăn thường được nấu cúng là: Gà, vịt nấu cháo, thịt kho tàu, khổ qua hầm, hủ tiếu xào và các món ăn kèm với cơm; tùy theo gia đình thì có những mâm cơm đủ đầy hay đơn giản.
Như một quy luật, sau khi cánh đàn ông đi tảo mộ về đến nhà thì cánh phụ nữ đã chuẩn bị xong mâm cơm cúng ông bà, người chủ gia đình sẽ lên đốt nhang “mời cơm” ông bà. Trong khi chờ ông bà tổ tiên “dùng cơm” thì mọi người cùng nhau uống trà, nói chuyện với nhau. Những câu chuyện giữa quá khứ và hiện tại cứ đan xen nhau, người trẻ chúng tôi nghe hoài không chán.
Có thể nói phong tục tảo mộ cuối năm là nét đẹp trong văn hóa của người Việt và còn là niềm tin ông bà sẽ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, công việc thuận lợi vào năm mới. Mỗi phong tục đẹp là một thông điệp của quá khứ gửi đến hiện tại và tương lai, của tổ tiên gửi đến con cháu những giá trị đạo nghĩa làm người, đồng thời, việc giữ gìn những phong tục tốt đẹp như tảo mộ ngày xuân sẽ góp phần giáo dục thế hệ trẻ nhớ về nguồn cội, biết ơn ông bà.
HĂM BA ÔNG TÁO VỀ TRỜI
Lễ cúng ông Công, ông Táo từ lâu đã trở thành một phong tục, một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Tiễn ông Táo về chầu trời, người dân gửi gắm nhiều điều ước vọng để đón một năm mới bình an, hạnh phúc.
Hằng năm, phong tục cúng tiễn ông Táo về trời vẫn còn giữ trong gia đình hiện đại. Ảnh: MINH ANH |
Không ai biết chính xác nét đẹp văn hóa này có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, đi vào tiềm thức của người dân qua nhiều thế hệ. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày cúng ông Công ông Táo chính là ngày vua bếp lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm đó.
Thời gian cúng thường vào ngày 23 tháng Chạp, thường là vào buổi sáng hoặc trưa. Lễ cúng ông Công ông Táo thường ở miền Tây gồm: Kẹo thèo lèo, bánh in, trái cây, cá chép - biểu tượng để Táo quân cưỡi về trời và các lễ vật như giấy tiền, vàng mã.
Đặc biệt, cá chép thường được phóng sinh sau khi cúng, đây là hành động thể hiện lòng nhân ái và sự hài hòa với thiên nhiên, với niềm tin rằng cá chép sẽ “hóa rồng” và đưa Táo quân về trời một cách trọn vẹn.
Theo quan niệm của người xưa, lễ cúng ông Công, ông Táo không chỉ là dịp bày tỏ lòng biết ơn mà còn là cơ hội để mỗi gia đình nhìn lại một năm đã qua và chuẩn bị tâm thế cho những khởi đầu của năm mới. Đây cũng là lúc mọi người cùng nhau chia sẻ những câu chuyện trong gia đình, dọn dẹp và trang trí nhà cửa, chuẩn bị đón tết.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, nhà ở xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nhiều năm qua vẫn duy trì lễ cúng ông Công ông Táo chia sẻ: “Tôi cảm thấy lễ cúng ông Công ông Táo là một nét đẹp cần được gìn giữ. Mỗi năm, gia đình tôi đều cố gắng làm mâm cúng đầy đủ để tiễn các vị Táo về trời một cách trọn vẹn. Đây không chỉ là việc cúng bái mà còn là cách để dạy con cái về truyền thống của dân tộc”.
Có thể thấy, phong tục tảo mộ ngày tết và cúng ông Công, ông Táo đều phản ánh sâu sắc tinh thần hiếu thảo, sự gắn kết gia đình và niềm tin vào sự giao hòa giữa con người với thế giới tâm linh. Những nghi lễ này không chỉ góp phần duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm với gia đình, tổ tiên và cộng đồng.
Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, dù có nhiều thay đổi, thế nhưng trong tâm thức của mỗi người Việt vẫn luôn giữ gìn và phát huy những phong tục truyền thống này. Đây không chỉ là hành động mang ý nghĩa tâm linh, mà còn là cầu nối gắn kết các thế hệ, gìn giữ giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.
PHƯƠNG LÊ