Thứ Năm, 16/01/2025, 08:28 (GMT+7)
.

Về thăm đình Vĩnh Bình, tham gia Lễ hội Kỳ yên

Đình Vĩnh Bình, tọa lạc thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã có từ hơn 2 thế kỷ trước, từ thuở những nhóm cư dân người Việt đầu tiên khẩn hoang vùng đất Gò Công. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngôi đình làng này vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc và nghệ thuật kiến trúc truyền thống độc đáo của vùng đất Nam bộ. Trong đó, Lễ hội Kỳ yên là một trong những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu của cộng đồng dân cư nơi đây.

DẤU XƯA Ở NGÔI ĐÌNH HƠN 200 NĂM TUỔI

Đình Vĩnh Bình được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ XIX, là một minh chứng cho quá trình khẩn hoang lập ấp của cư dân vùng Gò Công. Theo lời của cụ Trần Văn Cẩm Xuân (84 tuổi, ngụ thị trấn Vĩnh Bình) - một trong những bậc cao niên thuộc Ban Phụng tự đình Vĩnh Bình thì tại vùng đất này từ rất sớm đã xuất hiện nhóm cư dân người Việt đến khai hoang vùng đất Gò Công. Trong đó, vào khoảng nửa sau thế kỷ XVIII có ông Trần Văn Huê cùng hơn 40 người đến đây khai hoang, lập nghiệp.

Tưng bừng Lễ hội Kỳ yên đình Vĩnh Bình năm 2025.
Tưng bừng Lễ hội Kỳ yên đình Vĩnh Bình năm 2025.

Năm Mậu Thìn 1808, làng Vĩnh Lợi được thành lập (lúc đó thuộc Tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, trấn Ðịnh Tường). Sau khi nhân dân quần tụ, làm ăn ổn định, thì xin lập đình. Trong giai đoạn này, ông Huê đứng chân trong chính quyền làng, sửa sang ngôi miếu có từ trước thành đình làng Vĩnh Lợi, với mục đích thờ Thành Hoàng, cầu mưa thuận, gió hòa, người dân có cuộc sống an vui, sung túc.

Tiếng lành đồn xa, sau đó người Việt khắp nơi lần lượt di cư đến ngày một nhiều. Trong quá trình cộng cư sinh sống với nhau đã diễn ra quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa.

“Đình Vĩnh Bình trước đây được cất theo kiến trúc truyền thống của đình làng Nam bộ xưa gồm 3 căn, 2 chái. Phía trước đình có võ ca, phía trước võ ca có sân khấu. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, qua nhiều biến đổi, đến năm 1995, cùng với sự quyên góp của nhân dân, chính quyền địa phương cho xây dựng một ngôi đình mới, tọa lạc tại thị trấn Vĩnh Bình” -  cụ Xuân kể.

Dẫn chúng tôi đi tham quan đình Vĩnh Bình, cụ Xuân say sưa kể: “Qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử nhưng đình Vĩnh Bình vẫn tồn tại và để lại nhiều dấu ấn về kiến trúc xây dựng đình Nam bộ. Ngôi đình mới gồm khu vực chánh điện, nơi thờ Tả ban, Hữu ban; nơi thờ Tiền hiền, Hậu hiền; bàn Hội đồng và khu vực thờ các vị Anh hùng dân tộc.

Qua nhiều lần trùng tu, hiện đình Vĩnh Bình có lối kiến trúc theo lối nhà dọc, cửa đình quay về hướng Bắc. Nét đặc sắc của ngôi đình này là nghệ thuật chạm khắc, trang trí hoa văn, tranh đắp nổi trên tường và tượng gốm trang trí cả trong và bên ngoài đình. Trong đó, phải kể đến nhiều chi tiết của đình được gìn giữ vẹn nguyên qua hơn 2 thế kỷ, với 8 cây cột chạm hình rồng, bao lam chạm hình phụng...”.

Hằng năm, vào khoảng giữa tháng Chạp (âm lịch), đình Vĩnh Bình, thị trấn Vĩnh Bình tổ chức Lễ hội Kỳ yên, thu hút hàng ngàn lượt người đến cúng viếng, cầu mong mưa thuận, gió hòa, người dân có cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Với tuổi đời hơn 200 năm, ngôi đình cổ xưa ở đất Gò Công ghi dấu bao nhiêu thăng trầm, biến cố lịch sử của vùng đất này.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình còn là nơi che giấu, hội họp, phát tán truyền đơn của lực lượng cách mạng. Năm 2016, đình Vĩnh Bình vinh dự đón nhận Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

TƯNG BỪNG LỄ HỘI KỲ YÊN

Theo các bậc cao niên trong Ban Quản lý di tích đình Vĩnh Bình, các hoạt động thờ cúng, tín ngưỡng của đình vẫn được duy trì trong suốt 2 thế kỷ qua. Tiếp nối truyền thống ông cha, thời gian qua, Ban Quản lý đình Vĩnh Bình mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì việc gìn giữ, bảo vệ di tích và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng.

Ban Phụng tự đình giới thiệu kiến trúc độc đáo đình Vĩnh Bình.
Ban Phụng tự đình giới thiệu kiến trúc độc đáo đình Vĩnh Bình.

Trong đó, việc thờ cúng diễn ra quanh năm, lễ vật đơn giản là sản vật địa phương, mùa nào thức ấy nhưng ấm áp lòng thành, chất phác người dân Nam bộ. Lễ hội quan trọng nhất là Lễ  Kỳ yên vào tháng Giêng âm lịch hằng năm, với mục đích cầu mong mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an.

Hằng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Chạp, nhân dân trong vùng rất hân hoan với lễ hội này. Năm 2025, Lễ hội Kỳ yên diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Chạp (nhằm ngày 13 đến ngày 15-1).

Theo ông Nguyễn Văn Kiếm, Trưởng Ban Phụng tự đình Vĩnh Bình, trong 3 ngày diễn ra lễ hội với các nghi thức như: Lễ Cung nghinh Sắc Thần đến Thiên Y Thánh Miếu, Lễ tế Bà, di Sắc Thần về đình an vị, bà con nhân dân đến cúng tế Thần, Lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền; Đội Lân rồng múa biểu diễn quanh khu phố chợ Vĩnh Bình và các tuyến đường nội ô thị trấn Vĩnh Bình để chúc mừng sự phát triển thịnh vượng của quê hương.

Trong những ngày diễn ra Lễ hội Kỳ yên, đường phố thị trấn Vĩnh Bình nhộn nhịp hẳn lên, nhà cửa được trang hoàng tươm tất, nhiều nhà chưng mâm ngũ quả trước cửa để đón rước “Sắc Thần”, cầu một năm quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa.

Từ trưa ngày 14 tháng Chạp, Đội lân rồng của đình cung thỉnh linh từ “Bàn các ấp” của các khu phố trên địa bàn thị trấn Vĩnh Bình về đình, để cung thỉnh những vị đang được thờ tại các miếu và thỉnh vong linh các bậc tiền bối có công với địa phương. Đến 17 giờ chiều cùng ngày, đoàn rước “linh vị thần” đi một vòng chợ Vĩnh Bình, rồi đưa đến miếu Bà, cúng tế rất long trọng; sau đó đưa “linh vị thần” trở về đình Vĩnh Bình an vị.

Dân làng dâng lễ vật như: Xôi, thịt, trà, rượu, bánh trái, thậm chí cả heo quay… đến cúng đình. Vào nửa đêm, lễ “Tống gió” được tiến hành, những con tàu bằng giấy kiếng được trang trí cầu kỳ, thắp những cây đèn cầy thả trôi sông cùng các nghi lễ “Tống gió” độc, những điều xui xẻo ra biển, kết thúc 3 ngày đêm sống trong những cảm xúc, tâm linh của nhiều nghi lễ, náo nhiệt của Lễ hội Kỳ yên.

“Lễ hội Kỳ yên đình Vĩnh Bình là một trong những nét đẹp văn hóa dân gian của huyện Gò Công Tây. Lễ hội được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, không mê tín dị đoan, mang đậm những giá trị đặc sắc của văn hóa truyền thống, thắt chặt tình nghĩa xóm giềng; đồng thời, đây còn là dịp để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên, ông cha ta đã có công khai khẩn mảnh đất này. Là thế hệ đi sau, chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo, phát huy những giá trị của lịch sử, văn hóa của  đình Vĩnh Bình” - ông Kiếm cho biết thêm.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, vào năm 2017, Lễ hội Kỳ yên đình Vĩnh Bình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.

V.PHƯƠNG

.
.
.