Bản sắc điện ảnh từ khai thác tín ngưỡng dân gian
Những năm gần đây, lĩnh vực điện ảnh đã có sự nhập cuộc của các biên kịch, đạo diễn trẻ trong câu chuyện khai thác giá trị bản sắc thông qua phong tục, tín ngưỡng văn hóa dân gian.
![]() |
Cảnh trong phim “Ðèn âm hồn”. |
Bộ phim “Ðèn âm hồn” được đạo diễn Hoàng Nam lấy cảm hứng từ tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” trong tập “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ đang tạo nên hiện tượng phòng vé. Dù vẫn có một số điểm cần cải thiện, nỗ lực của đoàn phim mở ra một hướng đi mới.
Kết hợp yếu tố văn học, tín ngưỡng dân gian để cho ra đời những bộ phim kinh dị vốn không phải cách làm mới mẻ, song, luôn có sức hấp dẫn với khán giả. Ðạo diễn Hoàng Nam vốn là người dẫn chương trình, một YouTuber được nhiều người biết đến cho nên khi rẽ sang điện ảnh, anh đã phát huy được thế mạnh của việc xây dựng yếu tố mang tính sức hút. “Ðèn âm hồn” có mức doanh thu trong ngày ở vị trí Top 1 phòng vé theo số liệu từ Box Office Việt Nam - đơn vị thống kê phòng vé độc lập.
Với “Ðèn âm hồn”, đạo diễn khéo léo lồng ghép yếu tố kỳ ảo, gây tò mò, ám ảnh và gợi mở với người xem. Mỗi nghi thức tín ngưỡng, câu chuyện dân gian… đều được khai thác sống động, chân thực. Thông qua phong tục, tín ngưỡng, khán giả có thể cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp văn hóa cổ xưa.
Phim sử dụng không gian bối cảnh tại Cao Bằng với núi non trùng điệp, sông suối mờ sương, cánh đồng hoang vắng và phim trường được dựng lên với hình ảnh xóm nhỏ, chợ phiên khá tỉ mỉ. Lợi thế bối cảnh cùng hiệu ứng kỹ thuật tạo sự hòa quyện nhịp nhàng. Phim thuộc thể loại kinh dị nhưng không theo kiểu “dọa” khán giả mà kết nối bằng nội dung xuyên suốt về nhân vật, tình cảm, mang đến cho khán giả hình dung về thế giới vô hình luôn hiện diện.
Mỗi nhân vật được xây dựng trong phim đều có chân dung và chiều sâu tâm lý riêng. Diễm Trang (vai Thương) và Phú Thịnh (vai Ðinh) thể hiện được những cảm xúc cơ bản của nhân vật, song vẫn chưa thật sự bộc lộ hết sự phức tạp của nội tâm.
Một số phân cảnh đòi hỏi sự thay đổi cảm xúc linh hoạt vẫn chưa đạt độ thuyết phục cao. Hoàng Kim Ngọc (vai cô đồng) gây ấn tượng khá tốt với lối diễn tự nhiên, sống động. Bé An Bình (vai Lĩnh) đã thể hiện một vai diễn đầy cảm xúc, khiến khán giả không thể rời mắt khỏi nhân vật.
Theo các chuyên gia, đây là những chủ đề giàu tính nhân văn và mang tính ẩn dụ cao cho nên nếu không được tiếp cận đúng cách, chúng có thể gây biến tướng, làm mất đi bản sắc, sự thiêng liêng nếu thêm thắt hay làm sai lệch những giá trị cơ bản. Khi khai thác đề tài này, cần phải nghiên cứu kỹ về bối cảnh lịch sử, xã hội và nền văn hóa mà tác phẩm sinh ra. Bên cạnh đó, sự tôn kính cần được duy trì, đưa các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng vào phim phải làm sao để người xem cảm nhận được sự thiêng liêng, sâu sắc. |
Bên cạnh ưu điểm, “Ðèn âm hồn” nhận về những ý kiến đa chiều bởi khi khai thác văn học cổ và tín ngưỡng dân gian đòi hỏi sự uyển chuyển, tinh tế và sâu sắc hơn.
Các chuyên gia cũng lưu ý, nhân vật trong văn học cổ và tín ngưỡng dân gian thường mang những nét đặc trưng về tính cách, vai trò trong cộng đồng xã hội, khi khai thác nhân vật mang tính biểu tượng (như Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” hay các vị thần, anh hùng dân gian) cần hiểu rõ vai trò, phẩm giá của họ trong bối cảnh văn hóa. Khi khai thác văn học cổ và tín ngưỡng dân gian, đừng ngần ngại tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ, cách thức kể chuyện sáng tạo để làm mới các tác phẩm kinh điển.
Cách đây chưa lâu, tiểu thuyết kinh dị “Tết ở làng địa ngục” của nữ nhà văn trẻ thế hệ 9x Thảo Trang đã được mua bản quyền chuyển thể thành phim chiếu rạp. Tác phẩm lấy bối cảnh về một ngôi làng gắn với câu chuyện kỳ bí về “truông nhà Hồ” thời chúa Nguyễn ở Ðàng Trong.
Dù khai thác đề tài kinh dị song “Tết ở làng địa ngục” lại gây ấn tượng khi mang đậm dấu ấn văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam, từ phong tục tập quán đến nét sinh hoạt đời thường của người Việt cổ. Trong đó có cả những tập tục của người miền bắc khi đón Tết như: Cúng ông Công ông Táo, tục xin chữ treo ngày Tết, tảo mộ, gói bánh chưng... hay cả những thói quen, nếp nghĩ đã hằn sâu trong tâm thức về cách chữa bệnh gia truyền, linh vật báo mộng, đom đóm câu hồn, con đò chở “vong”… với cách giải thích hiện tượng đậm tính liêu trai mà cũng đầy ắp tính nhân văn.
Phim chuyển thể cùng tên do đạo diễn chuyên làm về dòng phim kinh dị Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân thực hiện (tác giả quen thuộc của loạt phim kinh dị chiếu rạp, như “Chuyện ma gần nhà”, “Bắc Kim Thang”, “Rừng thế mạng”) ngay từ những tập đầu đã thu hút sự chú ý của truyền thông và công chúng.
Việc khai thác đề tài văn học cổ và tín ngưỡng dân gian trong điện ảnh là hướng đi đầy tiềm năng, vừa mang lại cơ hội sáng tạo mới mẻ, vừa góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, tính khả quan còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ sự nghiên cứu sâu sắc đến cách thức truyền tải câu chuyện sao cho phù hợp đối tượng khán giả hiện đại, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có sức ảnh hưởng lâu dài. Theo nhìn nhận từ giới chuyên môn, tuy đã tạo được dấu ấn khả quan, song cho đến thời điểm này, gần như chưa có bộ phim kinh dị nào thật sự tạo nên bước ngoặt và chinh phục được các giải thưởng quan trọng.
(Theo nhandan.vn)
.