Thơ Nguyễn Thanh Hải - sự phát sáng đa chiều trong ngôn ngữ cảm thức
Từ tập thơ đầu tay “Cúi chiều nhặt sóng”, đến 3 thi tập tiếp theo: “Mùa dang tay tha thứ những quay về”, “Nước mắt không làm sáng hơn bầu trời chạng vạng” và mới nhất vào năm 2023 với thi tập: “Muôn hồi nắng cũ” vừa trình làng giới yêu văn học. Cùng với những giải thưởng cao quý ở khu vực và các cuộc thi lớn của sân chơi văn chương cả nước đã khẳng định tên tuổi anh.
![]() |
Thanh Hải, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, hiện đang công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Bè, một nhà thơ rất lạ, mà cũng rất đỗi quen thuộc của vùng đất Nam bộ, phong cách thơ anh đã khẳng định một lối đi mới, đầy bản lĩnh và sáng tạo…
“Đội thúng nắng thúng gió mùa giáp hạt ra đồng
cầu vồng quảy nắng đòn gánh cong hai đầu chiều ráng đỏ!”.
Ngôn ngữ thơ mở rộng đến vô cùng. Những hình tượng thơ luôn đầy ắp thông điệp về cuộc sống, về tình yêu và đầy lòng trắc ẩn: Để thấy “Cuộc sống là cánh đồng màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi” - (Puskin).
Đọc thơ anh, tôi bắt gặp hình ảnh thân thương đến lạ, nặng mang thâm tình, yêu mến xứ sở, quê hương:
“Không còn nụ hồn nhiên ngang mùa rựng gió trở về đã chiều bông cơm nguội
cơm nguội tàn mà nỗi nhớ bỗng dưng tôi
biết người dỗ hoài giấc ngủ hiếm hoi
thương bụi phù sa rã ròng năm tháng
trở về bao năm lãng khách
ruộng cỏ lạ lùng dỗi tội bàn chân
bếp quê ơi! Xin hãy khói một lần
còn chiều còn nguyên nỗi niềm sau rặng gió
con sáo phong sương quỳ bên vệ cỏ
mùa dang tay tha thứ những quay về…”.
(Mùa dang tay tha thứ những quay về”
Đôi khi thấy, một tình yêu rất khác trong thơ anh. Tình yêu đó mơ mộng và thiêng liêng đến lạ:
“Mình mượn những miền mưa giao cảm mình
còn quay về giữa lưng chừng mùa cau không
nhặt giùm mấy tàu gió rụng
biết đâu từng cọng cau thương sẽ kết lành bó nhớ
biết đâu ngày vĩ thanh đang về
cùng đăng quang điểm hẹn
hứa gì với nhau đi
ơi sông những mùa thương đằm thắm
và gió nữa
có lệ thủy cùng tôi đến cuối đường”.
“Gió có cùng tôi đến cuối đường”
Hay “những bông mưa đã rụng xuống mình”, trong thi tập “Nước mắt không làm sáng hơn bầu trời chạng vạng”. Tôi nghe:
“T nói đó là những bông mưa trổ từ trời xuống
Mỗi cây mưa trổ ra nghìn trùng bông trắng…”
Với những hình ảnh rất khác, mưa đã trở thành thi ảnh với mùa bông trắng muốt, đầy những khắc khoải và những hình dung.
Tôi tìm thấy trong thơ anh: Sự trở về chính tâm thức và hướng đạo của đời người. Hãy lặng yên nghe:
“Không gì vui bằng khi nghe con đọc vài câu Phật
mẹ nói đọc kinh để biết trả nỗi buồn cho đất
mùa thu đã hóa duyên qua ngõ nhà mình
trái sanh chín như hạt tràng rụng xuống”.
(Chuyến mẹ lên thăm con mẹ về)
“Mùa không còn rơi / mưa đã thiền chốn núi” - tôi thật sự ấn tượng với hình ảnh này… Hay như: “Gió có cùng tôi đến cuối con đường” lại một chiều mùa thu trên miền sông nước, hình ảnh những chia xa, gắn liền với ký ức những dòng sông thơ dại:
“Khi cơn mưa buồn những giọt cuối cùng
là em đã lưu ly mấy chiều thu sông nước
sông cạn nỗi niềm sông sự thật hải hồ nào hiểu được
chỉ trận áp thấp sau chiều là nguồn ngọn những sầu đâu…”.
Tuổi thơ quay quắt nhớ thương với những thi ảnh lạ lùng, tôi thấy: “Vuốt mặt cánh đồng” trong “Cúi chiều nhặt sóng”:
“Ta quảy gió hú tuổi thơ về vuốt mặt cánh đồng
hoàng hôn bình yên nhắm mắt…”.
Những hồn nhiên thơ ngây của một đời người, làm sao có thể quên được… Những ký ức xanh trong đó, mãi thắp lên ánh sáng bất tận về nguồn cội, về xứ sở quê hương là vậy:
“Rồi mai mình sẽ thành lữ thứ
trong cuộc trùng phùng hàm chứa những xa xôi
đàn Nam Giao còn nắng mưa sương khói
còn nhớ những bông mưa buồn T gọi những ngày thương...”.
Đến với thơ anh, chúng ta như đắm vào giấc mơ nguồn cội. Những thi ảnh rất lạ mà cũng rất đỗi thân quen. Trải dọc suốt chiều dài thơ anh, tôi lặng nghe bằng nỗi ám ảnh rất khác. Sự đa chiều của ngôn ngữ thơ và những hình tượng độc đáo, mới lạ đã làm nên sự cuốn hút kỳ diệu…
Thơ là sự đa chiều trong ngôn ngữ của cảm thức, của khát vọng của những trầm tích lắng sâu. Đôi khi sự phát sáng bất chợt trong vô thức đã hình thành nên những câu thơ đẹp.
Đôi lần trò chuyện với anh, anh bảo: “Anh viết trong vô thức”. Anh viết rất nhanh, chính sự ngoạn mục đó đã làm cho những tác phẩm anh viết thêm ấn tượng và khác biệt.
Thơ anh phát sáng - đa chiều trong ngôn ngữ cảm thức là vậy.
QUỲNH NGA
Thổn thức hồn quê
Đội thúng nắng thúng gió mùa giáp hạt ra đồng
cầu vồng quảy nắng đòn gánh cong hai đầu chiều ráng đỏ
bầy dê con chụm đầu lao xao gặm cỏ
rớt chùm hoàng hôn mắc cỡ xếp lá ngậm ngùi
Tre trúc buông mình thả lá sông trôi
lục bình trổ nhánh nhớ đong đưa bờ sông tím
gió tung sóng ôm ngày mặc niệm
nắm bụi hòa tan hơi đất nỗi niềm
Thăm thẳm gió buồn chim cú gọi tên đêm
nhịp đập cánh đồng gió cào rách ngực
nhặt heo may tay cầm
hớp giọt sương quê
Trăng tươi cười. Khúc côn trùng nhen nhóm bờ đê
Gò mã già nua ngọn đèn xanh đom đóm
cỏ nằm ru cốt nhục
cuống bàn tay
quờ quạng không trung
Vạc sành rát lời dỗ giấc dế giun
bờ ruộng bình yên mơ đêm dài mái ấm
đất trời ngủ bấc choàng vai ngọt đậm
ngửa mặt nhìn thổn thức hồn quê.
Tháng Chạp tôi qua sông rồi
T!…
Tháng Chạp về rồi em
còn cách nhau khoảng tàu ngược gió
làm gì mà em sợ
chỉ là những cánh chim lẻ loi trên bầu trời…
Tháng Chạp em lục lại giùm đã hứa gì với nhau rồi
đừng để con cúm núm tạt ngang chiều buồn khởi
làm sao không ngẫm ngợi
khi một cánh đồng một ngôi cỏ ai vừa mới qua đây
Đâu phải con đường nào cũng phân kỳ
Đâu phải dòng sông nào cũng mộng ước
khi ta khóc thương một mình gió ngược
là nông cạn tận tường nước mắt mùa đông
Cơn mưa muộn mùa buổi chiều soi bóng
nỗi buồn nào đã thâm trầm phả khói biếc ngoài hiên
làm gì còn kịp kể nhau nghe chuyện về nước mắt
tháng Chạp tôi qua sông rồi mà em nói thương gì trời…
Chuyến mẹ lên thăm con mẹ về
Cho đến khi mùa thu chở mẹ về rồi
con mới ngơ ngác hỏi tháng mười gửi gì chưa gió bấc
nhiều khi nghĩ vô tình thành cái tật
mẹ thì áo màu gì và cũng chẳng biết ai may
Không gì vui bằng khi nghe con đọc vài câu Phật
Mẹ nói đọc kinh để biết trả nỗi buồn cho đất
nhưng không phải dễ dàng như bứng cây ngâu từ ngoài vườn lên chậu
con còn đời nên chưa thuộc nổi một câu kinh
mùa thu đã hóa duyên qua ngõ nhà mình
trái sanh chín như hạt tràng rụng xuống
mẹ như quê hương như cây muồng cây muỗm
không thể ở chơi lâu mẹ nhớ cỏ mẹ về…
chuyến mẹ về xe chở đầy mưa gió
bữa cơm chiều bưng tiếng mẹ còn nguyên
cái đồng hồ kia cũng nhớ người nên gõ nhịp đều phục nguyện
cỏ có đắng không khi câu kinh chưa xem còn dối mẹ trên bàn…
NGUYỄN THANH HẢI