Văn học nghệ thuật khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển
Ngày 25-4, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp nhiều cơ quan Trung ương tổ chức, quy tụ đông đảo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban ngành, hội nghề nghiệp cùng đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước tham gia.
Chuyển mình và hội nhập
Từ thời khắc đất nước thống nhất năm 1975 đến thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng hiện nay, VHNT Việt Nam đã đi một chặng đường dài với nhiều dấu ấn đáng ghi nhận. Không chỉ phản ánh hiện thực đời sống, VHNT còn đóng vai trò như ngọn đuốc tinh thần, truyền cảm hứng, khơi dậy sức mạnh nội lực cho dân tộc trong mọi hoàn cảnh.
Sự hòa quyện giữa các dòng chảy văn hóa, sự trỗi dậy của sáng tạo cá nhân và khát vọng hội nhập quốc tế đã tạo nên một diện mạo VHNT Việt Nam giàu bản sắc, đầy sức sống.
![]() |
Các đại biểu tham quan triển lãm thành tựu 50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam |
GS-TS Đinh Xuân Dũng nhấn mạnh bước chuyển tư duy quan trọng trong quan điểm của Đảng về VHNT: từ việc xem đó là công cụ tuyên truyền đơn thuần đến nhìn nhận như một lực lượng tinh thần tự chủ, sáng tạo, góp phần trực tiếp vào sự phát triển xã hội.
Ông khẳng định, trong giai đoạn phát triển mới, VHNT cần được đặt ngang tầm với các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, vì nó chứa đựng tiềm năng to lớn trong việc bồi đắp con người và nền tảng văn hóa quốc gia. Tiếp nối dòng cảm hứng về sự thống nhất, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã nhìn lại thời điểm lịch sử sau năm 1975 như một bước ngoặt của VHNT.
Ông cho rằng, sự hòa hợp giữa các lực lượng văn nghệ sĩ từ ba miền và Việt kiều đã tạo nên một dòng chảy thống nhất, mạnh mẽ, phản ánh chân thực và đa chiều về xã hội, lịch sử và con người Việt Nam.
Cùng với văn học, điện ảnh - một ngành VHNT giàu tiềm năng cũng được TS Ngô Phương Lan đánh giá cao về tốc độ phát triển. Luật Điện ảnh mới, nguồn nhân lực trẻ và văn hóa phong phú là những lợi thế rõ rệt. Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn chỉ ra các rào cản như: chính sách ưu đãi chưa rõ ràng, hệ thống phát hành bất cập, thị phần phim Việt còn hạn chế.
Để tháo gỡ, bà đề xuất xây dựng hệ sinh thái điện ảnh đồng bộ, hỗ trợ các dòng phim nghệ thuật có chiều sâu, tăng cường hợp tác quốc tế và chiến lược quảng bá bài bản nhằm nâng cao vị thế điện ảnh Việt trên bản đồ thế giới.
Phần lớn các ý kiến cùng chỉ rõ, VHNT Việt Nam sau nửa thế kỷ đã chứng minh sức sống mạnh mẽ, bản lĩnh sáng tạo và vai trò không thể thay thế trong tiến trình phát triển đất nước. Trong kỷ nguyên mới, cần tiếp tục trao cho VHNT một môi trường phát triển lành mạnh, tự do và được dẫn dắt bởi những giá trị chân - thiện - mỹ bền vững.
Sứ mệnh mới trong kỷ nguyên vươn mình
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận TPHCM Nguyễn Mạnh Cường cũng đã khái quát 50 năm phát triển mạnh mẽ của VHNT TPHCM. Ngay sau ngày tiếp quản Sài Gòn, đội ngũ văn nghệ sĩ từ chiến khu, từ miền Bắc và lực lượng yêu nước tại Sài Gòn đã hội tụ, tạo nên một lực lượng văn nghệ sĩ hùng hậu, tài năng và đầy nhiệt huyết.
Những tên tuổi như Phùng Há, Út Trà Ôn, Chế Lan Viên, Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Sơn, Xuân Hồng… đã để lại dấu ấn sâu đậm. TPHCM hiện có gần 97.000 người làm việc trong lĩnh vực VHNT và gần 17.670 doanh nghiệp văn hóa, chiếm 7,74% tổng số doanh nghiệp toàn thành phố. Các doanh nghiệp này đóng góp khoảng 5,7% GRDP hàng năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 14%, một con số cho thấy sức mạnh ngày càng lớn của VHNT trong đóng góp phát triển bền vững.
Khẳng định vai trò quan trọng của VHNT trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “VHNT Việt Nam trong suốt 50 năm qua là tiếng nói tri ân, ca ngợi truyền thống yêu nước, cách mạng của quân và dân ta; đồng thời là tiếng nói của sự hòa hợp dân tộc, góp phần hàn gắn, xoa dịu những đau thương, mất mát trong chiến tranh; tạo khí thế mới, sức vươn mới của dân tộc. Điều đó tưởng rằng đơn giản, nhưng chính là một trong những bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của đất nước và nền VHNT nước nhà”.
Bày tỏ kỳ vọng đối với thế hệ sáng tạo trẻ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, dù công nghệ có phát triển như thế nào, hiện thực đời sống vẫn là nền tảng nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo. Mỗi tác phẩm VHNT chân chính sẽ góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, mở cánh cửa tương lai tươi sáng cho dân tộc.
Theo sggp.org.vn