Thứ Tư, 28/05/2025, 09:55 (GMT+7)
.

Khí chất Nam bộ qua truyện Sơn Nam

Theo Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tác phẩm "Khí chất Nam bộ qua truyện Sơn Nam" của tác giả Đinh Thị Thanh Thủy mở ra hướng tiếp cận độc đáo về con người và văn hóa miền Nam qua tác phẩm văn học của Sơn Nam

a
 Cuốn sách sẽ được ra mắt tại Đường sách TP Hồ Chí Minh vào ngày 31/5.

Nhà văn Sơn Nam là trường hợp hiếm hoi trong văn học Việt Nam hiện đại, cả đời chỉ theo đuổi một chủ đề, đó là con người, phong tục, văn hóa và lịch sử miền Nam. Ngay từ thuở đầu cầm bút, ông đã xác định “sứ mệnh” viết về đất lề quê thói, những phong tục tập quán ăn sâu vào đời sống người dân Nam Bộ.

Truyện của ông không chỉ chân phương, mộc mạc mà còn đầy sức sống nhờ khả năng quan sát, ghi chép tỉ mỉ và kiến văn sâu rộng. Càng đọc Sơn Nam, độc giả càng thấy rõ ông như một người bản xứ thực thụ, tỏ tường từng con lạch, gốc cây, dấu chân người khai hoang trên vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ sự yêu mến, cảm phục ấy, tác giả Đinh Thị Thanh Thủy đã quyết định “khoanh vùng” nghiên cứu các truyện của Sơn Nam để khảo sát và lý giải khí chất Nam Bộ, một hướng đi không dễ dàng nhưng đầy tâm huyết. Theo tác giả, việc chọn truyện làm chất liệu phân tích là cách tiếp cận tập trung, cho phép đào sâu hơn vào tính cách và cốt cách người miền Nam trong văn chương Sơn Nam, nơi hư cấu trở thành bệ đỡ cho tinh thần văn hóa được truyền tải rõ nét.

Chuyên luận Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam là kết quả sau hơn 20 năm tác giả miệt mài nghiên cứu, xuất phát từ luận văn cao học mang đề tài Văn hóa và con người Nam Bộ trong tác phẩm của Sơn Nam. Tác phẩm được hoàn thiện với sự động viên của nhiều bạn văn, đặc biệt là nhà thơ Lê Minh Quốc, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, người đồng hành với tác giả trong quá trình hình thành ý tưởng đến khi sách ra đời.

GS.TS Huỳnh Như Phương, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn - Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tác giả Đinh Thị Thanh Thủy đã chủ động mở rộng kiến thức, không chỉ ở lĩnh vực lý luận văn học và văn học sử mà còn ở văn hóa học đại cương, đặc biệt là văn hóa vùng Nam Bộ. Bà đã tiếp cận được lượng tư liệu lớn, gặp gỡ nhiều nhân chứng, những người từng tiếp xúc với nhà văn Sơn Nam để làm giàu thêm phần khảo cứu".

Cuốn sách được chia làm ba phần: Phần đầu tập trung trình bày sự nghiệp văn học và chủ đề trọng tâm trong các truyện của Sơn Nam; phần hai phân tích các yếu tố văn hóa Nam Bộ thể hiện trong truyện; phần cuối đi sâu vào chân dung con người Nam Bộ với những đặc tính tiêu biểu như chất phác, nhân ái, nghĩa khí và sáng tạo, tất cả đều được nhà văn khắc họa bằng văn phong đậm chất miệt vườn, vừa trữ tình vừa sắc sảo.

a
 Tác giả Đinh Thị Thanh Thủy ra mắt sách để tri ân nhà văn Sơn Nam.
 

Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, một trong những luận điểm nổi bật của tác phẩm là cách lý giải vì sao Sơn Nam mạnh dạn ghép hai khái niệm “văn minh” và “miệt vườn”, một cách nhìn đầy tự hào về bản sắc văn hóa phương Nam. Mặt khác, khi đọc tác phẩm, người đọc hiểu rõ hơn hành trình định cư của người Việt tại vùng đất còn nhiều sình lầy, rừng rậm phương Nam. Ở đó, nếu không mang theo truyền thống văn hóa vững chắc, người Việt không thể vượt qua những trở ngại khắc nghiệt để lập làng, sinh cơ lập nghiệp và tạo dựng nên nền văn minh miệt vườn ngày nay.

"Những câu chuyện của nhà văn Sơn Nam không kể chuyện theo kiểu đơn tuyến mà mở rộng không gian văn hóa, để người đọc thấy được chiều sâu bản sắc vùng miền. Tác phẩm của ông như những lát cắt chân thực về hành trình khẩn hoang, về những phận người nhỏ bé mà mạnh mẽ, về tinh thần lạc quan, ứng biến linh hoạt của người miền Nam xưa", nhà thơ Lê Minh Quốc nói.

Tác phẩm "Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam" vì thế không chỉ đơn thuần là một công trình văn học mà còn mang giá trị văn hóa học. Với tác giả Đinh Thị Thanh Thủy, đây là hành động tri ân một nhà văn lớn của miền Nam, người đã dành cả đời để lưu giữ khí chất của mảnh đất và con người nơi đây bằng ngôn từ.

“Có thể xem đây là một sự tri âm đặc biệt. Tri âm không phải từ hai phía trò chuyện trực tiếp, mà là mối đồng cảm sâu sắc, bền bỉ thông qua tác phẩm. Như vậy, nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm”, nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.

Buổi giao lưu và ra mắt quyển sách "Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam" sẽ được tổ chức vào ngày 31/5 tại Đường sách TP Hồ Chí Minh, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Sự kiện do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh thực hiện nhằm đưa bạn đọc đến gần hơn với những đặc trưng văn hóa và khí chất con người Nam Bộ, thông qua lăng kính văn chương của nhà văn Sơn Nam, người được xem là “ông già Nam Bộ” thân thương trong lòng nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.

Theo  TTXVN

 

.
.
.