.

Làm rõ chân dung nhà báo Xuân Thủy

Cập nhật: 20:42, 14/06/2023 (GMT+7)

Sáng 14-6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến dự.

Tham dự sự kiện có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các nhà báo lão thành, lãnh đạo một số ban, đơn vị thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo một số cơ quan báo chí, lãnh đạo một số bảo tàng, đơn vị bạn, các đồng nghiệp báo chí...

a
 Nhà báo Lê Quốc Minh phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu khai mạc sự kiện, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh: "Suốt cuộc đời mình, nhà báo Xuân Thủy đã giữ nhiều trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và luôn có những cống hiến xuất sắc trên các mặt công tác ngoại giao, báo chí, trên phong trào bảo vệ hòa bình đoàn kết hữu nghị quốc tế, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có thể nói, báo chí là lĩnh vực được nhà báo Xuân Thủy giành trọn sự say mê và gắn bó nhất cho đến giây phút cuối cùng”.

a
 Các đại biểu tham dự sự kiện.

Sự kiện mở đầu bằng chiếu bộ phim tài liệu “Xuân Thủy - Nhà báo cách mạng ưu tú” người tham gia sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam. Phim do Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện với thời lượng 32 phút. Ban tổ chức chiếu tại sự kiện bản rút ngắn thời lượng 15 phút. Nội dung tri ân những đóng góp của nhà báo Xuân Thủy với công cuộc đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.
 

a
GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày tham luận.

.Phần tọa đàm khoa học, các đại biểu là nhà báo lão thành gắn bó với nhà báo Xuân Thủy đã phát biểu những ý kiến đa chiều, sâu sắc nhằm góp phần làm rõ những đóng góp to lớn của nhà báo Xuân Thủy với những di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, trong hoạt động đào tạo báo chí và hoạt động Hội, với nhiều tham luận được chuẩn bị công phu, nội dung phong phú, nhiều phát hiện sâu sắc và thú vị về nhà báo Xuân Thủy ở nhiều góc nhìn, nhiều giai đoạn và qua chính các tác phẩm báo chí và văn chương của ông do nhiều nhà báo lão thành, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp, nhiều chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực báo chí trực tiếp chấp bút.
 

a
 Ống nhòm, cà vạt, cặp da được nhà báo Xuân Thủy sử dụng tại Hội nghị Paris.

Trong khuôn khổ sự kiện, còn tổ chức trưng bày với hơn 20 tài liệu, hiện vật gốc kể về con đường nhà báo Xuân Thủy đến với báo chí cách mạng Việt Nam; Xuân Thủy với Báo Cứu quốc, với Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng; Xuân Thủy với Hội những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam); Xuân Thủy và Hội nghị Paris...

Đáng chú ý là các tư liệu, hiện vật như: Trang phục, đồ dùng trong quá trình công tác; bản thảo viết tay, đánh máy và một số bài viết trên Báo Cứu quốc; Giấy chứng nhận ký ngày 8-3-1960 do Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) trao tặng nhà báo Xuân Thủy vì những đóng góp cho sự phát triển hợp tác và đoàn kết của tổ chức này.

Theo sggp.org.vn

.
.
.