Thứ Bảy, 01/03/2014, 16:23 (GMT+7)
.

Chùm truyện cực ngắn: Ba điều ước, Vì đâu nên nỗi?

  Ba điều ước

Xưa có ông quan thanh liêm nổi tiếng. Về hưu ông sống bên người vợ già trong căn nhà lá tuềnh toàng ở một vùng quê nghèo hẻo lánh. Gia cảnh bần hàn khiến ông tủi thân bật khóc. Bỗng dưng ông Bụt hiện ra hỏi: Vì sao con khóc? Dạ, nhà cửa xập xệ, vợ đau, con yếu, đồng lương hưu không đủ sống ạ.

Bụt phóng khoáng nói: Ta cho ngươi 3 điều ước. Mừng rỡ, vị quan già về hưu liền ước có một ngôi nhà thật to thật sang trọng. Thì ngay lập tức xuất hiện một ngôi nhà to đùng sang trọng, mà lương bổng cả đời làm quan của ông cũng không sao có được.

Ông định nói đến điều ước thứ hai thì chợt nghĩ tự dưng có ngôi nhà to đùng như vậy sẽ ảnh hưởng đến thanh danh cả đời gìn giữ nếu không giải trình được nguồn gốc, vì vậy điều ước thứ hai của ông là có được tờ giấy tặng nhà của ông Bụt. Lập tức tờ giấy tặng nhà xuất hiện trước mặt.

Chưa kịp mừng vui vị quan già về hưu lại chợt nghĩ ông Bụt là nhân vật hoang đường thì lúc cần thiết lấy gì làm đối chứng nên buộc lòng nói luôn điều ước thứ ba là nhờ ông Bụt làm biến mất ngôi nhà to đùng sang trọng này đi.

Ba điều ước đi tong chỉ trong phút chốc nhưng ông thở phào nhẹ nhõm trước khi giật mình thức giấc.

                                                                      Vì đâu nên nỗi?

Nó là trạm xử lý nước thải. Từ khi nhà máy đầu tiên của cụm công nghiệp đi vào hoạt động thì đã có nó rồi. Nhưng phận nó thật hẩm hiu lận đận. Nhiều khi nó tự hỏi người ta sinh nó ra để làm gì. Bởi vì gần 10 năm nay nó đã không xử lý được một giọt nước thải nào!!!

Kể ra nói nó làm biếng thì cũng oan bởi nó không tự sinh ra và không tự quyết định vận mệnh của đời mình. Nó được sinh ra trong bối cảnh người ta yêu cầu có nhà máy hoạt động thì phải có hệ thống xử lý nước thải nhưng mà chi phí ra đời và duy trì sự sống của nó là gánh nặng đáng kể cho những người làm cụm công nghiệp và nhà đầu tư.

Giai đoạn 1 của cuộc đời,  người ta sinh ra nó nhưng không xây hệ thống ống dẫn nước thải từ các nhà máy đến nó thành ra nó không có gì để làm. Giai đoạn 2 khi hệ thống ống dẫn đã hoàn thành thì những người sinh ra nó chợt nhớ nó chỉ có thể xử lý 1 phần 10 lượng nước thải ra mỗi ngày, thành ra nó tiếp tục ở không. Giai đoạn 3, người ta dự định nâng cấp năng lực xử lý nước thải của nó nhưng không biết chừng nào mới xong.

Không phải những người sinh ra nó kém thông minh, ăn không ngồi rồi như nó mà còn biết tại sao họ làm vậy. Nhưng mà nó vẫn tiếp tục phải sống để làm bức bình phong trấn an dư luận.

                                                                                                                                M.T

.
.
.