Thứ Sáu, 28/03/2014, 12:18 (GMT+7)
.
TẢN VĂN:

Đâu rồi tiếng rao trong con hẻm nhỏ

Tôi quay lại con hẻm nhỏ. Buổi sáng, khí trời lành lạnh, đủ cho mọi người có dịp khoe khăn choàng, áo khoác. Tôi đứng trên ban công nhìn xuống con hẻm ngoằn ngoèo, thấy người đi bộ co ro trong áo ấm và những chiếc xe máy tranh thủ thoát ra con hẻm với những công việc riêng. Âm thanh hỗn tạp chui vào tai. Tôi chờ đợi và hy vọng…

***

Năm kia, tôi ở nhờ nhà này để tập huấn khóa học ngắn ngày cũng vào mùa lạnh. Mỗi sáng, đúng vào giờ tôi đẩy cửa rào chuẩn bị ra khỏi nhà thì ở đầu hẻm vang lên tiếng rao của một cụ bà. Tiếng rao như được tập trung hết nội lực: “Mua… chổi…. rơm… hôn!...”. Tiếp theo tiếng rao, xuất hiện cái dáng lòm khòm, trên vai vác khúc trúc bóng, có gần chục cây chổi rơm đánh đu trên đó. Bà đi chậm, không biết vì sức khỏe hay chờ đợi một tiếng gọi mua chổi. Bà đi ngang qua mặt tôi và bật tiếp tiếng rao. Tôi thấy cả đường gân nổi lên trên chiếc cổ đã “nhàu nhũn” vì thời gian. Mái tóc bạc túm sau gáy rơi lưa thưa trong vành nón lá cũng dúm dó, bung vành. Lòng mắt, lông mày bà cũng phai nhạt theo mùa. Bà cố luyến láy cái âm “hôn” cho dài và cao một chút, nhưng nó khò khè và hụt hơi đến xót lòng. Đùm chổi rơm vẫn đánh đu trên vai bà, đè lên tấm áo len màu nâu đã thật cũ. Tôi đứng lặng nhìn theo. Khi tiếng rao vang lên và nhanh chóng tan ra giữa không gian ồn ào, se lạnh thì bà lấy hơi và bật ra tiếng rao tiếp theo. Tiếng rao loãng ra và xa dần. Tiếng rao ấy theo tôi và cứ quẩn quanh tôi suốt buổi học.

Minh họa: Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

Hôm sau cũng vậy, bà đi ngang qua tôi, lập cập trong cái lạnh và tiếng rao nằng nặng. Một thằng bé thò đầu ra gọi “chổi rơm” rồi tinh nghịch biến vào nhà. Bà quay lại, tìm tiếng gọi. Gặp ánh mắt tôi đang nhìn bà, bà hỏi:

- Mua chổi rơm hả cô!

Tôi gật đầu và nói:

- Dạ! Bao nhiêu một cây?

- Cô cho mười ngàn.

- Lấy cho con hai cây đi bà!

Đôi tay khẳng khiu của bà đỡ chùm chổi cho tôi lựa. Tôi đỡ phụ bà và lấy hai cây. Tôi đưa bà năm mươi ngàn. Bà run run mở ra cái túi ni lông từ trong chiếc áo bà ba cũ. Tôi hiểu và xua tay:

- Không, con tặng số tiền thừa cho bà ăn cơm trưa!

Bà lắc đầu:

- Mua bao nhiêu tính bấy nhiêu, không thì cô lấy giùm già ba cây nữa đi!

- Con tặng bà thật lòng. Con chỉ cần hai cây chổi thôi!

Bà trù trừ một chút rồi nhìn tôi bằng ánh mắt rưng rưng:

- Cảm ơn cô nhiều lắm!

Bà lại vác khúc trúc lên vai, mấy cây chổi rơm lủng lẳng bám lấy vai bà và tiếng rao nặng nhọc lại phủ lên con hẻm.

Tôi mang hai cây chổi vào nhà. Bạn tôi trề môi:

- Chổi xấu quắt, bó không chặt, lá lúa xồm xàm… Mua chổi bông cỏ đẹp hơn.

Thật sự nhà bạn tôi xài chổi này không xứng. Cuối khóa học, tôi mang hai cây chổi rơm về nhà. Con gái chạy ra đón mừng:

- Chổi rơm! Giống chổi ngoại bó hồi xưa quá vậy mẹ!

- Ừ, con dùng một cây quét bàn thờ cho sạch để ăn tết, một cây quét bếp.
Con săm soi cây chổi rồi nói:

- Chắc bà yếu lắm nên tướt rơm không sạch và xiết dây không cứng!

Con bé vậy mà tinh tường. Tôi nhớ, ngày xưa má tước từng sợi rơm, bỏ lá, rồi lấy chân kềm dây và xiết chặt nên cán chổi có từng nận tròn trặn đẹp mắt. Chổi quét tới cùn không sút cán.

Hai năm rồi, hai cây chổi không còn. Tôi trở lại thăm bạn với chút quà quê. Bạn cầm ở lại chơi. Tôi hỏi thăm bà bán chổi. Bạn nói vẻ  thờ ơ:

- Lâu rồi không thấy.

Sáng nay, bạn giành đi chợ một mình. Tôi lên ban công đứng chờ, hy vọng sẽ nghe tiếng rao và trông thấy bóng bà ở đầu hẻm. Tôi sẽ mua chổi của bà như mua một kỷ niệm về cho con gái. Sương mờ lãng đãng, rồi nắng phủ lên những mái nhà xua tan cái lạnh mà tiếng rao của bà vẫn xa tít tắp nơi nào. Nhìn bóng mây xa xăm, tôi tự nói với mình: “Chắc hẻm này không ai mua, bà đã đi con hẻm khác rồi!”. Nghĩ vậy, nhưng tôi nghe có cái gì nghèn nghẹn...

NGỌC LỆ

.
.
.