Thứ Tư, 24/09/2014, 13:47 (GMT+7)
.

Phần thưởng xứng đáng

Sau Chiến thắng Ấp Bắc vang dội ở Mỹ Tho, phong trào du kích chiến tranh từ các tỉnh Bến Tre, Gò Công, Long An, Kiến Tường, Kiến Phong… cũng mở màn với khẩu hiệu “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”. Mỗi nơi có mỗi cách tấn công mới vào kẻ địch. Người viết xin kể một chuyện vui nhỏ nay còn nhớ.

Bắt đầu vô đợt một. Với kiểu nhốt địch mà diệt, căng địch ra mà đánh, canh chừng giặc mà tỉa,… đã nhiều ngày đêm liên tiếp bao vây bót chánh trong xã, du kích xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đã gây cho đám lính dân vệ mất ăn mất ngủ, không dám ngang tàng ra khỏi bót cướp phá kiếm ăn, nhân dân trong vùng tạm yên, nhứt là mấy cái sạp bán bánh Trung thu mở ra chào hàng rất sợ vì đã từng bị chúng “miệng hỏi mua, tay bóc lủm, không thèm trả một cắt…”. Giờ thì ai cũng khen du kích xã mình làm cho giặc “thun” đầu.

Minh họa: LD
Minh họa: LD

Sau tấn công địch đợt một, Xã đội trưởng du kích Bảy Quân nảy ra suy nghĩ mới để tạo “sinh khí” trong đội. Anh nói: Từ hôm mình vô đợt tấn công tới nay, tụi lính nó không ra khỏi bót vo gạo nấu cơm được, không dám ra mương đìa tắm giặt… Đêm nào nó cũng phát loa xin “các ông Giải phóng làm ơn làm phước tha cho nó được ra ngoài một chút, chớ chịu hết nổi ba cái mùi nghẹt thở trong nầy quá rồi…”. Tất cả anh em trong đội reo vui nói: Thế nào nay mai nó cũng đầu hàng thôi anh Bảy ơi!

Bảy Quân nói: Tôi có ý định này, hổng hiết anh em trong đội du kích mình có chịu hôn nghen.
Anh em ráp nhau nói: Thì anh Bảy cứ nói đi mà.

Anh hỏi: Ai biết trong tháng 8 và tháng 9 có lễ lộc gì hôn, nói nghe coi nè?

Một hồi im lặng. Tiếp đó có mấy giọng rù rì: Quanh năm cứ luẩn quẩn ba cái vụ gài chông, gài lựu đạn, chống càn, bố bót… không hè, có ai để ý đâu mà nhớ, anh Bảy.

Chừng nào có lễ hay kỷ niệm gì đó, ở trên có công văn, giao liên đem vìa mình mới biết, chứ đầu óc chỉ nghĩ chuyện quánh ba thằng mắc dịch ngoài bót kia không hè anh Bảy ơi!

Bỗng Út Thúy, cô y tá Xã đội có ý kiến: Em biết nè, trong tháng 8 mình có ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công nè, kế đó là Ngày Quốc khánh 2-9 và còn có  Tết Trung thu cho thiếu nhi nữa, phải hôn anh Bảy!?

Bảy Quân vừa nói phải, vừa cười vui với cô y tá đã từng gan dạ trong đội du kích của mình.
 Anh em cũng vừa cười vừa ghẹo Út Thúy: Con nhỏ đó nó nhớ ngày lễ, mà nó cũng nhớ bánh Trung thu nữa đó!

Thúy cười nói: Đúng rồi! Mấy anh biết hôn, hồi em còn học ở trường làng, năm học nào tới mùa Trung thu em cũng đều được thưởng bánh.

Anh em khen Út Thúy lần nữa, rồi quay sang hỏi Bảy Quân: Anh Bảy hỏi vậy chắc có ý gì đây phải hôn?
Bảy Quân với vẻ tự nhiên: Đúng rồi. Hôm nay tôi tính toàn đội du kích mình phải cùng nhau thi đua.
Thi đua gì anh Bảy? Anh em trong đội lại hỏi.

Bảy Quân bắt đầu nói sôi nổi: Hiện nay ta đang mở ra phong trào toàn quân, toàn dân “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, không phân biệt tỉnh nào, địa phương nào, suy nghĩ mọi sáng tạo, giết được giặc là trên hết. Xã mình cũng nằm trong phong trào thi đua chung. Nhưng riêng trong đội, tôi nghĩ nên có hình thức thi đua riêng cho có khí thế. Anh em thấy sao?

- Ý anh Bảy hay quá, nhưng thi đua cách nào, anh Bảy nói tiếp đi.

Bảy Quân bắt đầu vẽ ra kế hoạch: Thì vầy. Hễ ai bắn trúng đầu thằng lính gác trên chuồng cu thì được khen thưởng.

Nghe tới đây, anh em đều đồng ý cái rụp.

Bảy Quân nói tiếp: Còn hễ ai bắn trúng đầu thằng trưởng đồn trên chuồng cu thì được thưởng nhiều hơn.

Anh em cũng đồng ý luôn, nhưng có nhiều ý kiến… “nói lén”: Kiểu này chắc xạ thủ Bảy Quân chiếm hết quá!

Anh nói tiếp: Ngược lại, ai chỉ bắn trúng banh chành cái đèn măng xông mà không trúng đầu thằng nào thì coi như trớt, khỏi thưởng.

Nghe tới đây, toàn đội ráp nhau cười, rồi ráp nhau hỏi: Lập thành tích giết giặc thì có trên khen thưởng. Còn cái vụ thi đua của mình thì thưởng bằng gì đây anh Bảy?

Bảy Quân vừa mỉm cười vừa suy nghĩ đủ thứ món để liên hoan mừng chiến thắng, nhưng nghĩ ra món nào cũng cũ xì như: Cóc nấu cháo, chuột dừa quay nước dừa xiêm, rắn hổ ri dồn dồi, ếch nướng mọi… đều là thức ăn quê nhà, ra đường là gặp.

Đang lúc tìm món mới chưa ra thì má Ba - Mẹ Chiến sĩ từ nhà sau bước lên nói: Cái gì chớ vụ thưởng thì mấy con khỏi lo. Tới mùa bánh Trung thu rồi, mỗi năm có một lần hè. Hễ mấy con mà bắn trúng mấy thằng lính gác trên chuồng cu là các má ráp thưởng cho một bữa ăn bánh Trung thu no nê vậy hè!
Anh em ráp nhau nói: Tụi con đông cả bầy vầy đây, mấy mẹ đãi sao nổi?

Má Ba vẫn vui theo: Ậy! Mấy con cứ lo chuyện của mấy con đi mà. Còn chuyện bánh trái, thịt thà gì đó là chuyện của hội mẹ, hội chị. Mẹ ở nhà chờ tin chiến thắng của tụi con!

Khen hay thưởng lúc bấy giờ là chuyện nói cho vui của anh em du kích, nơi nào cũng vậy. Chớ bao bót, diệt đồn, chống càn, bắn tỉa… là nhiệm vụ của anh em. Nhưng thông thường, mỗi khi du kích dù chỉ lập được một chiến công trừng trị một tên ác ôn khát máu với nhân dân, thì bao giờ cũng được nhân dân khen thưởng xứng đáng.

Thời chiến tranh, chi khu, đồn bót giặc được chúng dựng lên nhiều lô cốt, chúng gọi là mi-đo hay tháp canh, dân ta gọi là “chuồng cu” (vì hình dáng của nó là bốn cây cột dựng lên cao, trên đó là một túp lều đủ 1 tên lính ngồi gác nhìn được tứ phía, nơi thì bằng cột xi măng, nơi thì bằng cột dừa…), trên đó treo một cái đèn măng xông. Đã xuất hiện nhiều chiến sĩ du kích chỉ với cây súng trường bá đỏ đã  “cạch” mỗi viên một thằng trên chuồng cu rơi phịch xuống đất. Đúng như anh em trong đội đoán trước, riêng tên đồn trưởng ác ôn khét tiếng nhứt, có nhiều nợ máu với nhân dân đã chết hụt mấy phen, cuối cùng hắn vừa ló đầu lên ngay cái bóng đèn măng xông đã lọt vào tầm ngắm cây trường bá đỏ thiện xạ của Xã đội trưởng Bảy Quân.

Học cái nghề xạ thủ của anh Bảy Quân, anh em du kích xã lần lượt tỉa dần từng tên lính. Mỗi lần bà con nghe tiếng súng của anh em du kích, bất luận từ trong vườn, bờ sông hay bắn vô bót chỉ một tiếng thôi, biết chắc thế nào cũng có “rụng” một tên.

Sau khi tên trưởng đồn ác ôn đền tội, bọn ác ôn ở Châu Hưng như “rắn mất đầu”. Toàn dân trong chợ, trong xã reo vui. Hội Mẹ chiến sĩ, Hội Phụ nữ những nạn nhân bị chúng cướp giật ở Mỹ Tho, Gò Công, An Hóa… vui mừng mang quà bánh cùng bà con đãi anh em du kích ăn bánh Trung thu đến phát ngán.

CAO NGUYÊN ANH

.
.
.