Thứ Tư, 31/12/2014, 16:40 (GMT+7)
.

Mặt trời của tôi

Mất mẹ, bảy anh chị em chúng tôi như đàn gà con táo tác. Anh tôi đi làm vườn cà phê cho một người bà con xa ở Long Khánh để trốn quân dịch. Chị tôi mới 16 tuổi đã đi ở cho người ta ở Mỹ Tho, rồi Sài Gòn, gửi tiền về nhà. Còn ba tôi thì đập lúa, chế rạ, cuốc đất mướn. Có mùa, ba tôi với cậu Tư còn xuống tận Bình Đại, Ba Tri hoặc lên Củ Chi để đập lúa mướn. Lần nào ba tôi về cũng đen thui, ốm.

Bỏ ruộng vườn, tản cư về sống trên quê ngoại, gia đình tôi chỉ có cái nền nhà. Tôi mới 10 tuổi đã biết nấu cơm, săn sóc, tắm giặt cho đàn em; 12 tuổi đã phụ lo cho cái ăn hàng ngày của gia đình. Đi học một buổi, một buổi tôi đi hái rau, bắt cua, bắt ốc hoặc đi kiếm củi. Đám cải trời dưới bóng bụi tre, gần bến đò của dì Năm Lùn bị tôi hái riết rồi chỉ còn màu vàng chanh - màu của đọt non.

Đám rau mồng tơi tía trước nhà cậu Tư cũng cùn mằn, còn lưa thưa mấy chiếc lá nhỏ như đồng xu và đám dây tím chằng chịt. Những hàng rào, bờ mương, những lùm cây, bóng râm… chỗ nào có rau gì tôi thuộc như lòng bàn tay. Lâm lớn, lâm nhỏ, cây trâm bầu, cây bời lời… cây nào có củi khô tôi đều biết.

Tôi leo nhẵn bóng mấy cái cháng ba. Với cái cù móc trên tay, tôi vắt vẻo trên ngọn cây, chuyền từ nhánh này sang nhánh khác. Trời trưa đứng bóng, trong lâm đầy mồ mả, tôi vẫn leo trên ngọn cây, đầu không khăn không nón.

Hồi đó, vùng quê ngoại tôi không có trường công, chỉ có vài thầy giáo mở lớp dạy học tại nhà. Sau 3 lần học rồi nghỉ, nghỉ rồi lại học, 13 tuổi tôi mới được lên chợ học trường công. Hôm ấy là những ngày nghỉ hè của năm 1971, như mọi khi, ăn cơm sáng xong tôi dắt thằng Lạc - em trai tôi đi bắt cua. Thằng Lạc mới 8 tuổi, vừa ốm vừa nhỏ, nhưng đã quen việc đi bắt cua với tôi. Công việc của nó là xách cái thùng thiếc đi trên bờ, còn tôi lội dưới ruộng tìm hang cua.

Cánh đồng quê ngoại tôi có hai con kinh ngang, kinh ngoài gọi là kinh Mới, kinh trong là kinh Cũ. Từ kinh Mới trở ra lộ 28 là vùng lính kiểm soát, gọi là vùng “an ninh”; còn từ kinh Mới trở vô là vùng giải phóng, vùng tự do bắn phá của lính cộng hòa, nên rất vắng vẻ, nhất là khu vực kinh Cũ đồng ruộng hoang vắng, hiểm họa rình rập, bom pháo có thể chụp xuống bất cứ lúc nào.

Có lẽ do ít ai săn bắt nên khu vực kinh Cũ có rất nhiều cua ốc. Khi nào bắt cua đồng ngoài không có, tôi đánh liều đi sâu vô đồng trong, có khi đi tới kinh Cũ. Ở kinh Cũ toàn là cua kềnh càng, hang nào cũng có, chỉ cần đi vài bờ đã ngoéo đầy thùng. Hôm nay có thằng Lạc nên tôi không dám vô kinh Cũ, sợ có chuyện gì nó chạy không kịp. Nhìn xa xa thấy có đôi trâu trục, chị em tôi đi về phía đó.

Bắt cua mà gặp trâu trục là ngon lành rồi, vì trâu kéo ống trục lùa nước đi theo, phía sau nó mặt ruộng bị vét cạn trong vài giây, những con cua chưa kịp hoàn hồn, nằm bẹp dí cho mình bắt. Người đứng trục hôm ấy là anh Hai Rô, một thanh niên trốn lính ở xóm tôi. Thấy người quen, tôi yên tâm dắt tay em lội xuống, sảy bước bám theo ống trục.

Em tôi vóc dáng nhỏ bé nhưng lội ruộng đã quen, nó theo sát tôi không rời một bước. Nước bùn văng tung tóe lên quần áo, mặt mũi, nhưng chị em tôi vẫn bước theo đôi trâu, dán mắt xuống mặt ruộng, không bỏ sót một con cua, con ốc nào. Mấy lần hai chị em sụp lổ chân trâu chúi nhủi, rồi lại đứng lên đi tiếp. Thùng cua đã nằng nặng, tôi mừng vì chiều nay nhà tôi sẽ có bữa ăn ngon. Chút nữa trên đường về tôi sẽ ghé bờ kinh Mới bứt mớ rau kềm, vậy là có nồi canh.

Nắng lên cao, đôi trâu thở phì phò. Tiếng ống trục lăn lập bập, ào ào, lẩn trong tiếng thá ví của anh Hai Rô. Bỗng có tiếng máy bay. Tôi nhìn lên, hai chiếc cán gáo đen xì xuất hiện, tiếng động cơ ầm ầm làm tôi sợ điếng hồn. Anh Hai Rô không nói gì, cứ bình thản đánh trâu.

Nghe người ta nói “thấy máy bay mà chạy sẽ bị nó bắn chết” nên tôi cố giữ bình tĩnh đi theo sau đôi trâu. Sợ em tôi chạy, tôi đưa tay nắm chặt tay nó. Máy bay sà xuống, xẹt qua chỗ chúng tôi, rồi cất lên, đánh vòng lại. Anh Hai Rô bỗng đổi hướng, cho đôi trâu quẹo vô chỗ đám chuối. Không thèm nói với chị em tôi tiếng nào, anh phóng lên bờ chuối chạy biến. Súng từ trên máy bay nhắm bắn anh. Tiếng súng chát chúa bên tai tôi.

Tôi nắm tay thằng Lạc định chạy ra hướng lộ 28, nhưng máy bay đã đổ quân phía trong kinh Mới. Du kích từ kinh Cũ bắn ra, bộ đội của Tiểu đoàn 2009 đang săn tàu từ ngoài sông Cửu Long bắn vào, chị em tôi ở giữa biết chạy đâu bây giờ? Thấy dân làm đồng từ trên kia chạy xuống, tôi kéo tay em băng đồng chạy theo hướng của họ.

Đạn nổ lốp bốp bên tai, bay cheo chéo trên đầu, ràn rạt dưới chân… Chị em tôi cứ chạy. Chạy được một lúc thì tới bờ kinh. Đây là con kinh dọc dẫn nước từ sông lớn vào, nó thông ra tới lộ. Tôi kéo em nhảy xuống kinh. Con kinh này rất sâu, may là lúc đó nước mới lớn, chỉ ngập tới bụng em tôi.

Một tay xách thùng cua, một tay tôi kéo em bường đi trong dòng nước ngược. Nước xoáy, đất hai bên bờ kinh lở xuống từng mảng làm cho lòng kinh chỗ cao chỗ thấp, vì vậy dòng nước cứ tung lên rồi đổ xuống trắng xóa, ào ào.

Hình như tiếng súng ngày càng nhiều hơn, đạn bay chiu chíu trên đầu chị em tôi. Lớn lên trong chiến tranh nên tôi sớm biết cách tránh đạn pháo. Con kinh này sâu, tôi đứng dưới lòng kinh giơ tay lên còn chưa tới bờ thì không sợ đạn nhọn, chỉ sợ pháo, lựu đạn, M79… Tôi vừa nghĩ thì liền có một tiếng nổ “ầm” thiệt lớn, con kinh như chao nghiêng. Tôi ép sát em mình vô bờ, đất văng rào rào, lủm chủm.

Tiếng nổ làm cho không gian lắng lại, tiếng súng im đi trong vài giây. Tôi nắm tay em kéo chạy. Thật ra từ hồi súng nổ tới giờ tôi chưa hề buông tay em mình. Dòng nước chảy siết như vầy, nó thì yếu ớt, nhỏ nhoi, nếu tôi buông tay nó ra thì nó sẽ bị rớt lại phía sau ngay. Bắt đầu từ lúc má mất, tôi đã có ý thức che chở, bảo vệ đàn em.

Đi tản cư đến nhà người ta, ban đêm phải trải đệm dưới đất mà ngủ, tôi và đứa em gái kế luôn nhường những chỗ bằng phẳng cho mấy đứa em nhỏ. Không biết vì quá sợ hãi hay vì mệt mà mặt thằng Lạc trắng bệch, môi tái mét. Từ lúc máy bay xuất hiện cho đến giờ nó không nói câu nào, chỉ làm theo những gì tôi biểu. Tôi cũng đuối lắm, nhưng sợ nhiều hơn.

Tay xách thùng cua bè dưới nước, tay kéo em, tôi rướn người, lấy hết sức rút chân bước về phía trước. Đã mấy lần tôi muốn đổ thùng cua cho nhẹ, nhưng lại tiếc. Lòng thầm nghĩ, đổ rồi chiều nay nhà mình ăn cơm với gì, thôi ráng chút nữa là tới lộ rồi.

Một người, hai người, rồi bốn, năm người từ phía sau ào qua mặt chị em tôi. Giữa sự sống và cái chết mạnh ai nấy chạy thoát thân. Tiếng súng như đuổi theo mình không rời. Ầm ầm. Đùng đùng, phằng. Chát, chát, chíu...

Nhìn lại phía sau không thấy ai, tôi càng sợ, càng nắm tay em mình chặt hơn. Đuối quá, tôi đành đổ thùng cua cho nhẹ. Tay trái vẫn kéo lôi thằng em, tay phải cầm cái thùng đặt lên cỏ làm điểm tựa, tôi rướn người về phía trước.

Bằng tất cả sức lực của con bé 13 tuổi, tôi bườn đi, tay nắm chặt tay thằng em. Tội nghiệp em tôi, phải biết vầy hồi sáng tôi không biểu nó theo. Tôi bị lá cỏ bắc, gai mắc cỡ cứa vào da thịt đau điếng và chắc thằng Lạc cũng không khỏi. Vậy mà nó vẫn lặng thinh. Chị em tôi gần như không còn sức để rút chân lên khỏi bùn đất thì cống ông Hai Tân hiện ra.

“Tới rồi!” - tôi reo lên bằng cái giọng run run. Thằng Lạc vẫn lặng thinh. Cống ông Hai Tân là cái cống ngầm dẫn dòng nước kinh chui qua lộ 28. Từ cống chạy về nhà tôi chỉ mất chừng 6 - 7 phút. Chị em tôi ì ạch leo lên lộ, chạy như bay về hướng nhà mình.

Chạy ngang vườn cậu Tư, tôi thấy nhiều công sự mới đào được ngụy trang bằng lá dừa. Có cây súng gì lớn lắm, nòng nó dài chỉa lên trời, được quấn kín mít bằng dây bồng bông. Nhiều bóng áo xanh thấp thoáng. Tôi không sợ, còn thấy vui vui, vì biết đó là các chú bộ đội của Tiểu đoàn 2009. Các chú về xóm tôi cả tuần nay, nhưng rất tiếc chỉ ở nhà cậu Tư, mợ Hai, bà Năm… chứ không ở nhà tôi. Sáng nào các chú cũng vác B40, B41 đi ra sông đến chiều mới về. Ba tôi nói các chú đi “săn tàu”.

Chị em tôi về đến nhà, nhà cửa vắng tanh. Tôi kéo tay thằng Lạc chạy vô bến xuồng sau nhà ngoại. Cả xóm đã tản cư hết rồi, xuồng nhà tôi còn ở đó. Ba tôi đứng trên bờ trông ngóng, thấy chị em tôi về, ba nói: “Tưởng tụi bây chết rồi…!”.

Ba bơi lái, tôi bơi mũi. Ba nói phải đi cho lẹ, có thể bom pháo sẽ dập xuống xóm này. Xuồng ra tới sông lớn thì máy bay lên. Ba kêu con Bộ lấy lá cờ vàng 3 sọc đỏ (đã được luồng sẵn vào đầu nhánh tre) đưa cao lên.

Tôi nhìn quanh, những chiếc xuồng đang đi trên sông đều có người cầm cờ 3 sọc đỏ đưa cao lên để máy bay không bắn. Mấy chiếc cán gáo cứ vòng tới vòng lui, rà sát mặt sông. Nước lớn đầy, con sông trở nên quá rộng. Thấy xuồng người ta xé nước ào ào, tôi đứng lên, lấy thế bỏ dầm ra thật xa kéo mạnh, xuồng chồm lên theo từng nhịp dầm của tôi, rẽ nước lao băng băng về phía trước.

Đó là ngày bắt đầu của một đợt tản cư lang thang, ngày ngày chỉ có hai bữa cơm với tép mồng, ruột hến, cá hủng hỉnh kho khô; đêm trải chiếu xuống đất mà ngủ. Sau khi đưa chị em tôi qua sông thì ba quay về, tôi dẫn đầu bốn đứa em theo bà ngoại và gia đình dì Tư (chị họ của má tôi) qua ở nhờ nhà cậu Hai Thiệu bên cồn Lớn.

Rồi từ cồn Lớn tản cư xuống nhà bà Bảy (một người bà con xa của ngoại) ở Chợ Lách. Ở Chợ Lách cả tháng mà cũng chưa thể về nhà được nên bà nội qua đưa chị em tôi xuống ở nhờ nhà cô tôi dưới Mỹ Tho. Những đứa bé mồ côi nghèo khổ dù chưa đủ lớn khôn để cảm nhận sự bạc bẽo của tình đời, nhưng những gì người lớn nói, người lớn làm đều in sâu vào tim óc chúng tôi cho đến bây giờ. Những ngày tản cư ở Mỹ Tho là những ngày buồn nhất.

Lâu lắm lính mới rút, chúng tôi mới được về nhà. Thật đúng nghĩa “nhà chỉ còn cái nóc”, đồ đạc trong nhà đều bị lấy đi hoặc bị phá hết. Vật lớn như bộ đi-văng, cái ghế, cái bàn cũng bị lính khiêng bỏ ngoài đường phơi nắng, phơi mưa nứt nẻ, mốc thếch. Cái nhỏ như xoong nồi, chén dĩa, thau chậu… thì lớp bị quăng dài theo đường đi, lớp bị lấy mất.

Nước mắt tôi trào ra khi thấy chồng tập sách tôi lãnh thưởng hôm nghỉ hè bị xé nát, những quyển tập mới tinh mà tôi quý như vàng chỉ còn lại cái bìa. Những cái bìa hình công chúa Bạch Tuyết, hình 3 cô gái mặc áo dài… bị giẫm đạp lấm lem, nhàu nát dưới nền đất. Cuốn sách lớp Bốn tôi chưa kịp đọc trang nào đã bị bọn lính làm giấy vệ sinh. Con đường đến trường của tôi khép lại từ đó, bởi ngày khai giảng sắp đến, tôi làm gì có tiền mua tập?

Hơn 20 năm sau, hai lần tôi mặc áo thụn lên sân khấu nhận bằng đại học, cả hai lần tôi đều nhớ đến chuyện ngày xưa… và nước mắt lăn dài. Nếu không có cái ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì mấy chị em tôi giờ sống nghèo khổ, dốt nát hay đã chết trong bùn đen, tăm tối và quê hương tôi hoang tàn, còn chìm trong lửa đạn, chứ đâu có đường bê tông rộng thênh thang, điện sáng trưng, nước sạch đến từng nhà, chợ búa tấp nập người, trường, trạm khang trang…

Cho nên bây giờ, “dù ai nói ngả nói nghiêng”, với bản thân tôi, với gia đình tôi, cách mạng vẫn là ân nhân lớn nhất, Đảng vẫn là mặt trời, là cuộc sống của tôi.

NGỌC THỦY

.
.
.