Món quà từ đất
Hàng năm, vào khoảng cuối tháng 4 âl trở đi, khi có mưa nhỏ giữa tiết trời oi bức làm không gian ngái nồng hơi đất, gió Tây về là tín hiệu “mẹ thiên nhiên” đang gửi đến một món quà quê: Nấm mối đang vào mùa.
Minh họa: :Lê Duy |
Nấm mối mọc tự nhiên, trên các gò có tổ của loài mối. Tổ mối thường có trong các vườn cây lâu năm, nhất là vườn dừa, nơi chúng có nhiều thức ăn để nhả ra men tạo thành meo, đợi đúng mùa đúng lúc thì mọc thành nấm. Từ độ Tết Đoan Ngọ trở đi kéo dài cho tới chừng 2 tháng sau đó nấm mối mọc nhiều, rộ nhất là cuối tháng 5 âl.
Nấm mối mọc rất sớm (khoảng 1 - 4, 5 giờ sáng), khi mới mọc tai nấm nhỏ lẩn với màu đất nên khó thấy (nhiều người nói “có duyên mới gặp” là vì vậy), nhưng lớn rất nhanh, buổi sớm búp, trưa nở to và chiều có thể đã tàn. Cây cao chừng độ ngón tay, thân tròn, tai hình nón chóp hoặc mũ nồi; nếu có hình dạng như thế và có mối đất sống ở đó thì khó lẫn lộn với nấm dại khác.
Nấm được thu hái bằng tay hoặc cắt, xắn bằng cật tre, nứa; ban đêm dùng đèn soi thì gốc nấm có phản quang, lúc này nấm mới nhú. Trước đây người ta hay đậy bằng lá dừa để làm dấu, sáng quay lại hái để được nấm búp. Nơi nào có nấm mối thì vào ngày âl đó năm sau (hoặc xê xích ít ngày) sẽ lại có nấm, trừ khi đào hoặc dẫm lên làm sụp gò mối.
Nấm hái rồi cũng còn lớn tiếp nên phải gọt đất, rửa nhanh để nấm không nhạt. Của ít thì gói giấy để vào tủ lạnh ăn dần, nhiều thì phơi khô hoặc sấy.
Trên thị trường, nấm mối miền Đông không được chuộng bằng miền Tây và nấm hái ở vườn cây được cho là không ngon bằng ở vườn dừa.
Nấm mối chế biến đơn giản mà ngon lành: Người ta quấn lá cách nướng, nấu cháo, um dừa, làm nhân bánh xèo, xào muối ớt, xào mướp, xào nước dừa lá cách… Nấm dai dòn, có người nói giống thịt gà, nhưng thật ra nấm có mùi, vị thơm ngon đặc trưng khó lẫn với nguyên liệu khác.
NGỌC HÙNG