Tiếp sức cho 2 người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo có con học giỏi
Hai căn nhà lá lụp xụp, rách nát, mỗi căn chưa đầy 20m2 là nơi tá túc của 2 gia đình nghèo với 2 người phụ nữ bệnh tật và 2 đứa con học giỏi, giàu nghị lực vươn lên.
NGƯỜI MẸ MẮC BỆNH HIỂM NGHÈO & ĐỨA CON HỌC GIỎI
Vợ chồng chị Nhung và 2 đứa con sống trong căn nhà lá lụp xụp chưa đầy 20m2 trên liếp dừa của nhà chồng cho ở ấp Thạnh Thới, xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây). Do không đất sản xuất, anh chị phải đi làm thuê đủ nghề để nuôi 2 con đi học.
Căn nhà lá lụp xụp của vợ chồng anh Hớn - Chị Nhung |
Cách nay hơn 1 năm, chị Nhung thấy trên ngực mình nổi khối u, ngày càng lớn, gây ngứa và đau nhức. Chồng chị cố gắng chạy lo tiền đưa vợ đi khám ở Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh.
Bác sĩ cho biết, chị Nhung bị ung thư vú thời kỳ thứ 3, mỗi lần hóa trị tốn khoảng 3,5 triệu đồng. Nghèo túng, anh đành gạt nước mắt đưa vợ về chăm sóc và từ đó chuyện mưu sinh càng khó hơn.
Lo cho mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, nụ cười càng thiếu vắng trên gương mặt hồn nhiên của em Võ Hồng Sơn. Chuyện học hành của cậu học trò lớp 9 này không biết sẽ ra sao!
Trước tình cảnh khó khăn, thầy cô, bạn bè đến gia đình động viên, quyên góp giúp Sơn vượt qua nghịch cảnh, giữ vững danh hiệu học sinh giỏi của trường THCS Vĩnh Bình nhiều năm liền.
Năm học 2011 - 2012, Sơn càng nỗ lực học tập, tham gia nhiều hoạt động phong trào và đạt nhiều thành tích: Giải III trong kỳ thi giải toán trên máy tính cấp tỉnh; giải II môn nhảy cao tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện.
TRỚ TRÊU BỊ CẮT SỔ HỘ NGHÈO
Đó là trường hợp của vợ chồng anh Đoái Văn Sơn và chị Nguyễn Thị Hùng ở ấp Bình Hòa Đông, xã Bình Nhì (Gò Công Tây).
18 năm trước, anh Sơn hành nghề lái xe và phải lòng cô thôn nữ ở xã Tân Hương (Châu Thành). Gia đình hai bên đều nghèo, nên họ phải ở thuê nhiều nơi. Nhiều năm lái xe nên hiện giờ đôi tai anh đã lãng, lại thêm căn bệnh phổi hành hạ nên anh Sơn được chủ xe thương tình cất một căn nhà nhỏ cho ở nhờ.
Trong nhà không có tài sản nào giá trị ngoài chiếc giường duy nhất là nơi học tập và nghỉ ngơi của đứa con trai. Vậy mà 11 năm liền, Đoái Ngọc Thành luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trong 2 năm học lớp 10 và 11, Thành luôn ở tốp đầu của lớp.
Không những là trò giỏi, Thành còn là một đứa con ngoan. Mỗi lần nhận học bổng, ngoài việc sắm sửa một ít dụng cụ học tập, phần còn lại Thành đều cố mua cho mẹ những vật dụng trong nhà. Ngoài giờ học, Thành còn phụ mẹ đan nón bàng để kiếm thêm tiền.
Ngoài giờ học, Thành còn phụ mẹ đan nón. |
Cách nay hơn 6 tháng, chị Hùng khó thở nên đi khám. Kết quả từ Bệnh viện Tim Tâm Đức cho biết, chị bị hở van tim. Không tiền chạy chữa, chị quay về hốt thuốc Nam uống cầm cự. Hiện nay, những lúc trong người bớt mệt, chị vẫn cố đan nón để kiếm thêm 5-10 ngàn đồng.
Hoàn cảnh cơ cực như vậy nhưng gia đình chị còn gặp chuyện trớ trêu. Năm 2011, hộ chị Hùng được cấp sổ hộ nghèo. Học phí của Thành theo đó cũng được miễn giảm, giúp anh chị vơi đi gánh nặng. Thế nhưng sang năm 2012, chị được thông báo là đã bị rút sổ hộ nghèo. Chị đi cầu cứu khắp nơi nhưng không có kết quả.
Bức xúc trước tình cảnh của chị, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Nhì, Trưởng ấp Bình Hòa Đông, xã Bình Nhì, được ông cho biết: Năm 2012, sau khi xét hộ nghèo, ông Nhì nghe công an ấp báo là anh Sơn chưa chuyển hộ khẩu đến xã Bình Nhì, chỉ tạm trú nên không tiếp tục được xét cấp lại sổ hộ nghèo. Hồ sơ đã gửi đi nên không thể giải quyết được.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hộ khẩu của anh Sơn đã được chuyển đến xã Bình Nhì từ ngày 21-3-2011. Việc làm chưa thấu đáo này đã được ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Bình phản ánh đến Phòng LĐ-TB&XH. Bởi nếu không có sổ hộ nghèo thì không có cơ sở để xét miễn hoặc giảm học phí cho em Thành. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ dang dở việc học của một học sinh giỏi của trường THPT Vĩnh Bình.
KIỀU TƯỚC NGUYÊN