Nỗi niềm người chị & kết thúc có hậu cho Daniel
Trên những số báo trước, chúng tôi có phản ánh trường hợp khó khăn, cơ nhỡ của một người Pháp khi về thăm quê mẹ Việt Nam. Cùng với những hiểu lầm trong gia đình, ông Tây Daniel còn vướng tranh chấp về tiền bạc đến nổi không còn tiền chi tiêu… để phải nương nhờ những tấm lòng người Việt không thân thích. Sau khi đọc các bài báo, chị Lê Thị Thu, chị ruột của Daniel đã tìm đến nơi Daniel tá túc và cung cấp thêm nhiều thông tin. Từ câu chuyện của chị Thu, chúng tôi biết thêm nhiều điều mà Daniel chưa kể…
Giọt nước mắt của người chị
Đưa chúng tôi về nơi ở của mình, chị Thu mở cửa căn phòng trọ, ngồi bệt xuống đất thay cho lời thanh minh. Đó là căn phòng nhỏ, chỉ chừng 20m2 nhưng lại là nơi tá túc của 2 vợ chồng; chị làm bảo mẫu lương ba cọc ba đồng, còn anh thì làm thợ tiện mà công việc cũng không ổn định. Không đưa được Daniel về ở chung, chị Thu chỉ còn cách ghé nhà trọ thăm em thường xuyên, mua cho em khi thì hộp cơm, lúc thì giặt giùm cái quần, cái áo.
Daniel được Sở Ngoại vụ bố trí xe đưa đến tận sân bay |
Biết Daniel đang được anh em ông Trương Văn Hùng và Trương Huệ Minh đùm bọc, chị Thu đã tìm đến gửi tiền cơm nước (nhưng ông Hùng từ chối), chị cũng đã chuộc lại tài sản của em trai và mua cho em đôi dép mới. Kể về Daniel và mối quan hệ anh em, chị Thu nói rành rẽ về những lần Daniel về quê mẹ, những “sự cố” của ông Tây và tình thương của gia đình…
Theo lời chị Thu thì Daniel có trên dưới 3 lần về Việt Nam. Lần đầu vào khoảng năm 2009. Lần đó, ông Tây có dẫn về một người bạn gái quê ở Trà Vinh và cùng sống chung nhà với anh chị em ở đường Đống Đa, P.4, TP. Mỹ Tho. Sau đó, Daniel rước người bạn gái này qua Pháp và một thời gian sau thì họ không còn gắn bó với nhau nữa.
Lần thứ hai trở lại quê mẹ vào năm 2010, Daniel bị ho nhiều, ép tim và còn mắc cả bệnh động kinh. Gia đình phải đưa anh lên TP. Hồ Chí Minh để điều trị mấy tháng trời. Về sau, Daniel còn có biểu hiện bệnh tâm thần nên có thời gian điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang.
Suốt quá trình đó, Daniel được người thân chăm lo chu đáo. Người chị dâu từ Pháp đáp chuyến bay về Việt Nam và mua vé máy bay đưa Daniel trở lại Pháp. Khi nhà đưa Daniel ra sân bay thì ông Tây tìm cách trốn ở lại Việt Nam và mất liên lạc với gia đình.
Chị Thu kể với giọng chua xót: “Không biết bằng cách nào mà Daniel trốn ở lại Việt Nam và sống gần cả năm trời ở TP. Hồ Chí Minh trong khi tiền bạc chẳng có là bao. Em tôi bị thu gom và đưa vào ở tại một trung tâm bệnh tâm thần ở Thủ Đức”.
Nhờ những người thiện nguyện mà Daniel mới liên hệ được với gia đình. Gặp được em, chị Thu mừng mừng tủi tủi khi thấy em mình ốm o, ghẻ lở và mất hết giấy tờ tùy thân. Lần đó, để Daniel về được quê cha, gia đình phải nhờ Lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh giúp đỡ.
Về Pháp, Daniel tiếp tục được điều trị nhưng chỉ một thời gian sau, lại xin trở về Việt Nam lần thứ ba. Và lần về nước này, những chuyện không hay đã xảy ra.
Những hiểu lầm về tiền bạc…
Chuyện Daniel trình báo mất tài sản tại nhà người em trai ở đường Đống Đa, P.4, TP. Mỹ Tho chưa thật xác tín nên cơ quan Công an không đủ các dữ kiện, chứng cứ để điều tra. Về phía chị Thu thì chị không cho rằng người trong nhà lại đi lấy tài sản của nhau; bởi theo chị, 2 người em trai đối xử với Daniel trước nay không đến nổi tệ bạc.
Ai đó đã lấy tiền của Daniel, liệu ông Tây thật sự có mất tiền không? Chưa thể khẳng định về chuyện này nhưng chắc rằng đã có những hiểu lầm, gúc mắc về tiền bạc giữa Daniel và người thân.
Theo chị Thu, những lần Daniel về nước, đều có cho anh em trong nhà mỗi người chút ít tiền. Daniel có tiền rủng rỉnh và với tâm tính dễ dãi, thương người cộng với tâm thần đôi khi không ổn định nên anh em trong nhà rất lo bị lợi dụng, lừa mất tiền.
Do vậy, chuyện Daniel đi đâu, làm gì, quan hệ với những ai… luôn được người thân chú ý rất kỹ. Bị giám sát chặt nên Daniel cảm thấy mất tự do và đâm bức bối; từ đó trong gia đình nảy sinh những hiểu lầm đáng tiếc.
Trong câu chuyện, Daniel luôn khẳng định mình bị người thân lấy tài sản, anh em trong nhà sống chỉ vì tiền; nhưng những người thân còn lại ở Việt Nam thì cho rằng thương Daniel bệnh tật không hết và họ đã chịu đựng cái tính khí có khi không bình thường của ông Tây.
Hàn gắn cho ngày trở về
Trong quá trình giải quyết thủ tục, chuẩn bị các bước để Daniel hồi hương, lãnh đạo Sở Ngoại vụ đã nhiều lần đề cập đến việc hòa giải, hàn gắn mối quan hệ gia đình, bởi ông Tây vẫn còn người thân chứ không phải neo đơn, cơ nhỡ. Thế nên, Sở Ngoại vụ và gia đình ông Tây thống nhất cùng tạo điều kiện để Daniel về nước.
Hết tiền, mất tài sản, Daniel vẫn còn chút may mắn là số tiền 500 Euro mà anh gửi chị Thu để mua vé máy bay về nước vẫn còn nguyên. Daniel về Pháp chuyến này theo chị Thu là cần thiết để được điều trị bệnh, có điều kiện ăn uống, nghỉ ngơi để bồi bổ sức khỏe. Hơn nữa, ở bên Pháp, ông Tây còn có một người anh là ông Buzit Alain (vốn là dân kinh doanh) nên càng có điều kiện chăm sóc hơn.
Ngày 14-3, Daniel lên chuyến bay của Hãng hàng không Quatar để về Pháp. Sáng sớm, chị Thu đã có mặt để lo thu dọn hành lý cho em. Tại nhà anh Trương Huệ Minh (nơi Daniel tá túc), 3 túi hành lý được thu xếp cẩn thận; chị Thu còn tỉ mẩn lau sạch đôi giày, để sẵn cho Daniel.
Chuyến xe của Sở Ngoại vụ đưa ông Tây lên phi trường Tân Sơn Nhất thật đặc biệt. Daniel ít trò chuyện với chị Thu và không hề hé môi với người em cùng mẹ khác cha Lê Ngọc Thảo. Tại ga tiễn người thân, 2 anh em trai luôn giữ khoảng cách với nhau; thật tội khi chúng tôi thấy anh Thảo sớ rớ không dám đến gần Daniel mà luôn để ý anh trai mình từ xa.
Trong câu chuyện trước ngày lên đường, Daniel gửi lời cảm ơn đến Sở Ngoại vụ đã quan tâm hỗ trợ, đặc biệt là những tấm lòng người Việt không thân thích đã cưu mang, lo lắng cho mình trong suốt gần một tháng qua. Daniel kể rõ những ai từng cho tiền, cho thuốc hút, tặng xoài, cà phê… làm quà biếu lên đường; ông Tây cũng ghi số điện thoại của những người bạn Việt Nam để khi về Pháp còn liên lạc, hỏi thăm sức khỏe.
Với sự quan tâm của Sở Ngoại vụ, sự cưu mang giúp đỡ của những người không cùng huyết thống trên đất mẹ và với tình cảm của chị Thu (ở quê mẹ Việt Nam), ông Buzit Alain (tại quê cha Pháp), hy vọng câu chuyện của đứa con mang dòng máu cha Pháp và mẹ Việt mang tên Daniel kết thúc luôn có hậu.
QUỐC VIỆT