Mồ côi vẫn chăm học và nuôi mơ ước
Nhiều năm qua, người dân khu vực chợ Thạnh Lộc (Cai Lậy) đã quen với hình ảnh 2 anh em ruột vóc người nhỏ nhắn, quảy giỏ đi giao bánh mì và đi bán vé số dạo, rồi vội vã đạp xe đến trường.
Tuổi thơ không có sự bảo bọc của cha, thiếu vòng tay yêu thương của mẹ nên anh em cậu bé Trần Văn Thái Bình (hiện là học sinh lớp 11A10 trường THPT Mỹ Phước Tây) và Cẩm Tú (lớp 6 trường THCS Thạnh Lộc) phải vất vả mưu sinh...
Ki-ốt tại chợ Thạnh Lộc (Cai Lậy) là nơi học tập của anh em Bình. |
Đến bây giờ, ám ảnh lớn nhất đối với anh em Bình là ngày mẹ qua đời sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Khi ấy, Bình chuẩn bị thi học kỳ I lớp 9, còn em gái Cẩm Tú đang học lớp 4.
Cha mất sớm, không đất canh tác nên mẹ đưa anh em Bình về quê ngoại và tảo tần sớm hôm để nuôi con ăn học.
Ki-ốt nhỏ ở chợ vừa là nơi mưu sinh, vừa là chỗ ở của mấy mẹ con. Bán vài loại trái cây, mắm muối nên dù thức khuya, dậy sớm nhưng thu nhập hàng ngày của mẹ Bình không được bao nhiêu.
Thương mẹ cực khổ, dù mới mười tuổi Bình đã biết đỡ đần gánh nặng cho mẹ bằng việc giao bánh mì cho những người bán lẻ ở chợ mỗi sáng. Còn Cẩm Tú, từ năm 9 tuổi, sau mỗi buổi học, đôi chân gầy nhỏ của em lại rong ruổi khắp các ngả đường để bán từng tờ vé số.
Nghỉ hè, trong khi bạn bè thỏa sức chơi đùa thì anh em Bình càng phải gắng sức nhiều hơn để dành dụm tiền cho năm học mới. Cuộc sống dù khó khăn nhưng êm đềm trôi cho đến ngày mẹ mất (cuối năm 2009) khiến anh em Bình trở thành trẻ mồ côi.
Những ngày đầu mẹ mất, khó khăn lắm Bình và Cẩm Tú mới tập trung vào việc học. Những đêm gió lạnh lùa vào ki-ốt trống trải, anh em Bình càng thấm thía câu “Mồ côi tội lắm ai ơi…!”. Trong nỗi đau cùng cực, cả hai vẫn nhớ tâm nguyện của mẹ là mong các con được ăn học, trở thành người tốt, có nghề nghiệp ổn định. Vì thế anh em Bình càng quyết tâm theo đuổi việc học.
Sau ngày mẹ mất ít lâu, Cẩm Tú được người dì ở ấp 2, xã Thạnh Lộc nhận về chăm sóc. Hoàn cảnh của dì cũng quá khó khăn nên đi học một buổi, buổi còn lại Cẩm Tú đi bán vé số để dành dụm tiền mua sách vở.
Còn Bình, để bớt đi gánh nặng cho người thân, em nhận làm công cho lò bánh mì trong chợ nhằm trang trải chi phí sinh hoạt, học tập. Người chủ lò bánh mì tốt bụng đã nhận lo cơm nước và trả công cho em 300.000 đồng mỗi tháng. Mỗi sáng, Bình thức dậy từ lúc 4 giờ, giao bánh mì rồi đạp xe đến trường. Sau giờ học, em phụ thêm một số việc lặt vặt và chuẩn bị bài vở.
Các thầy cô ở trường THPT Mỹ Phước Tây nhận xét, tuy phải vất vả mưu sinh, không có điều kiện tham gia lớp học thêm nào nhưng Bình rất nỗ lực trong học tập. Điểm trung bình cuối học kỳ I của em đạt 7,3 và có hạnh kiểm tốt. Đáng quý ở Bình là cuộc sống khó khăn không làm em mặc cảm, trái lại giúp em có thêm ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Được miễn, giảm học phí nhưng chi phí học tập hiện nay vẫn là gánh nặng đối với anh em Bình. Đáng lo hơn nữa khi điều kiện sinh hoạt của cả hai gặp nhiều trở ngại về chỗ ở. Cách đây vài năm, chính quyền có hỗ trợ gia đình Bình căn nhà tình thương, nhưng nay nhà đã xuống cấp, nền sụp lún nhiều chỗ, buộc Cẩm Tú phải đến sống nhờ nhà dì; còn Bình thì sinh hoạt, học tập ở ki-ốt cũ tại chợ của mẹ.
Bình ao ước: “Em mong hai anh em có chỗ ở ổn định và có thể học hành đến nơi đến chốn như mong ước của mẹ trước khi mất. Sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ thi vào đại học ngành Quân đội”. Con đường phía trước của anh em Bình còn rất nhiều trở ngại, rất cần những vòng tay nhân ái chia sẻ.
TRƯỜNG GIANG