Thứ Hai, 16/04/2012, 12:32 (GMT+7)
.

Thu hút lao động nữ làm các nghề thủ công

Những năm gần đây ở huyện Cai Lậy, các nghề thủ công như làm hoa vải, may túi xách, xe nhang, đan lát… thu hút khá đông lao động nữ. Đa số mô hình do chị em đứng ra tổ chức, tạo thu nhập và việc làm sau mùa vụ sản xuất.

Tận dụng thời gian rỗi sau khi thu hoạch, chăm sóc vườn tược, chị em phụ nữ xã Long Trung có điều kiện tăng thu nhập gia đình bằng công việc may túi xách. Với tay nghề sẵn có, các chị nhận gia công những sản phẩm túi xách thân thiện với môi trường, tiền công ăn theo sản phẩm.

Điểm may túi xách của vợ chồng chị Nguyễn Thanh Trang (ấp 14) hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 lao động nữ với mức thu nhập từ 80.000 – 100.000 đồng/ngày, nếu lành nghề còn có thu nhập cao hơn.

Ngoài số chị em trực tiếp may tại cơ sở, chị Trang còn cho nhận hàng về nhà với điều kiện có tay nghề và trang bị sẵn máy may công nghiệp. Chị Huỳnh Thị Bích Phượng, hội viên phụ nữ ấp 15 (xã Long Trung) cho biết: “Hai tháng nay, tôi nhận hàng về may, bình quân mỗi ngày kiếm khoảng 50.000 đồng. Công việc khá phù hợp, có thể vừa coi sóc gia đình, vừa tận dụng thời gian rảnh”.

Mô hình xe nhang của phụ nữ xã Mỹ Thành Bắc.
Mô hình xe nhang của phụ nữ xã Mỹ Thành Bắc.

Năm năm qua, tại xã Mỹ Thành Bắc, mô hình xe nhang do phụ nữ trong xã tổ chức đã giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động nông nhàn.

Điểm xe nhang của chị Nguyễn Thị Út (ấp 1) có 40 chị em tham gia với thu nhập từ 40.000 đồng/ngày. Những chị siêng năng, cần mẫn, mỗi ngày có thể kiếm trên 100.000 đồng.

Chị Út cho biết, cách đây hai năm, thấy nhu cầu việc làm của phụ nữ trong xã sau mùa vụ, nhất là những chị không ruộng đất nên chị liên hệ tìm đầu ra và nguồn nguyên liệu ở một cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh về cho chị em xe nhang.

Sau khi chị em tự trang bị máy, chị trực tiếp hướng dẫn trộn nguyên liệu, sử dụng máy và kiểm tra sản phẩm. Chị nói: “Nghề này chỉ cần siêng năng, học vài ngày là các chị có thể tự làm ra sản phẩm”.

Để hỗ trợ nhau, Chi hội phụ nữ ấp 1 còn tổ chức góp vốn xoay vòng để chị em trang bị máy xe nhang và làm vốn mua nguyên liệu. Trung bình 10 ngày, chị Út nhận từ 4 tấn – 5 tấn nguyên liệu để sản xuất nên bảo đảm có việc làm thường xuyên cho nhiều chị em.

Ngoài hai mô hình này, huyện Cai Lậy còn có các mô hình thủ công khác như: đan lát, đan thảm, kết cườm, lột vỏ hạt điều, làm bánh rế… thu hút đông đảo phụ nữ tham gia. Với sự tỉ mỉ, khéo léo vốn có, các chị có thể nhận về làm tại nhà, vừa làm vừa coi sóc việc gia đình. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ nhiều lứa tuổi nên các thành viên khác trong gia đình cũng có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để tạo thêm thu nhập.

Gắn với sự phát triển của các điểm nghề thủ công, Hội LHPN các xã trong huyện đã vận động chị em thành lập Tổ nghề nghiệp với mục đích truyền nghề, cùng tận dụng thời gian nhàn rỗi để lao động, tăng thu nhập cho gia đình.

Hiệu quả của các tổ nghề nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của phụ nữ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội hàng năm; chị em đoàn kết, gắn bó với nhau hơn để cùng vượt khó, thoát nghèo.

QUẾ NGÂN

.
.
.