Chủ Nhật, 22/04/2012, 05:43 (GMT+7)
.

Vợ chồng già và nỗi bất hạnh khôn nguôi

Với hoàn cảnh của gia đình ông Nguyễn Văn Mười (SN 1940) và bà Mai Thị Tám (SN 1943) ngụ ấp Bình Hòa A (Tam Bình, Cai Lậy) thì hạnh phúc với họ chỉ đơn giản là có sức khỏe để lo cho các con.

Hai vợ chồng già có tất cả 8 người con, trong đó 1 người con đã mất, 3 người đã có gia đình riêng. Bị bệnh lao phổi kéo dài đã 35 năm nay, sức khỏe của bà Tám ngày một yếu dần. Tuy có điều trị nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, cộng thêm chế độ ăn uống không hợp lý khiến bệnh cứ tái đi tái lại.

Bà Mai Thị Tám nay chỉ còn 22kg.
Bà Mai Thị Tám nay chỉ còn 22kg.

Trong ngần ấy thời gian, chồng bà cùng 4 người con trai (tên gọi theo thứ: Bảy, Tám, Chín và Mười Một) phải chật vật làm đủ thứ nghề kiếm sống. Cách đây 7 năm, anh Tám mắc bệnh tâm thần, rồi đến phiên anh Mười Một “ngẩn ngẩn ngơ ngơ”. Chưa hết, không lâu sau thì anh Chín lại mắc bệnh lao.

Căn nhà nhỏ vốn đã thiếu tiếng cười lại càng trống trải khi ông bà quyết định sống riêng. Ông cùng 2 người con thứ 8, thứ 9 cất một căn chòi sống chung, còn bà thì sống cùng người con thứ 7 và con út để tiện săn sóc nhau.

Những năm qua, tài sản quý giá nhất của gia đình không gì khác ngoài căn nhà được chính quyền hỗ trợ xây dựng cho hộ nghèo cách đây đã 3 năm.

Kể về những đứa con, bà Tám nói đứt quãng: “Có lần thằng út phát bệnh, bỏ nhà đi lúc nửa đêm. Tìm khắp xóm mà không gặp, đến sáng đi xa gần 3 cây số mới tìm được nó. Từ đó tới nay, mỗi tối trước khi đi ngủ phải dùng dây xích chân con lại…”. Tuy “lúc tỉnh, lúc ngây” nhưng người con út này rất nghe lời, sai gì làm nấy, biết nấu cơm, giặt quần áo, làm đồ ăn…

Nhưng cái ngây thơ ấy không ít lần làm bà Tám chột dạ: Nhiều lần nấu cơm, nếu sơ ý không trông chừng thì nó cởi quần áo đang mặc quăng vào bếp. Hỏi đến thì nó trả lời tỉnh queo: Đốt rồi! Những lúc như thế, hàng xóm, bà con phải cho quần áo cũ, bà cắt ra chắp vá lại cho con.

Mặc dù nhà có đất canh tác nhưng do thiếu vốn nên phó mặt cho trời. Ông Mười vốn có nghề thợ mộc nhưng cũng vì không tiền mua vật liệu nên ông đã bỏ nghề 3 năm nay. Hàng ngày, dù đã lớn tuổi nhưng ai mướn gì ông cũng làm từ đốn dừa đến đẩy cây. Khi thì làm trong xã, lúc thì lên Long Khánh, ra Cai Lậy hoặc ngược xuống Mỹ Tho. Thế nhưng thu nhập chỉ vài chục ngàn đồng mỗi ngày, đi xa lắm mới được 100.000 đồng. Hiện tại, gia đình phải lo cái ăn, cái mặc đã khó thì nghĩ đâu đến việc trả nợ ngân hàng 8 triệu đồng.

Đoạn đường phía trước của gia đình này chưa thấy gì sáng sủa. Hai vợ chồng già liệu có đủ sức để bước tiếp hay không... và bất hạnh của những người con không may mắc bệnh tật. Bất hạnh và niềm đau mà họ đang chịu đựng từng ngày đang rất cần sự thấu hiểu và chia sẻ từ cộng đồng…

N.T.T
 

.
.
.