An toàn lao động: Không thể thờ ơ
Với hơn 3.000 doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, trong số đó có nhiều đơn vị sản xuất - kinh doanh thuộc các lĩnh vực có nhiều nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ) nhất là các cơ sở xây dựng, cơ khí… Tuy nhiên, điều đáng nói là vẫn còn một bộ phận người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) còn thờ ơ với công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) - phòng chống cháy nổ (PCCN). Do vậy, việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác này ở các doanh nghiệp là vấn đề cấp thiết.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2011 cả tỉnh đã xảy ra 128 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó 17 vụ TNLĐ nặng làm chết 4 người. Các vụ tai nạn phần lớn thuộc lĩnh vực cơ khí lắp ráp, xây dựng và sử dụng điện.
Từ thực trạng trên có thể thấy, việc chấp hành pháp luật lao động, đảm bảo ATVSLĐ - PCCN tại các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh đang là một vấn đề đáng báo động.
Thao diễn PCCC - CNCH tại lễ phát động Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN lần thứ 14 năm 2012. |
Theo các ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNLĐ là do vấn đề ATVSLĐ - PCCN trong sản xuất vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành ATVSLĐ - PCCN của một bộ phận NLĐ vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra, do NSDLĐ không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật; không quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ; không thường xuyên tổ chức giám sát NLĐ tuân thủ thực hiện các quy định về bảo hộ lao động. Đặc biệt, việc chấp hành công tác ATVSLĐ - PCCN ở nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, mang tính đối phó, có thực hiện nhưng không đầy đủ.
Nhận rõ những nguyên nhân chủ yếu gây mất ATLĐ, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động với các nội dung như: Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp; kiểm định và đăng ký sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; công tác huấn luyện về ATVSLĐ; các quy định mới về công tác PCCC; nghiệp vụ PCCC và kỹ năng thực hành sơ, cấp cứu người bị nạn.
Kết quả trong năm 2011 ở cấp tỉnh đã tổ chức 12 lớp tập huấn, tuyên truyền cho 139 cán bộ công đoàn các cấp; 182 NSDLĐ và 3.070 NLĐ. Cấp huyện đã tổ chức tập huấn 35 lớp cho 2.930 an toàn, vệ sinh viên và công nhân, viên chức, lao động tham dự. Hàng năm đều phát động Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN có hàng chục đơn vị thuộc các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cùng tham gia…
Ngoài ra, trong năm 2011 và quý I - 2012, các ngành chức năng đã phối hợp thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ - PCCN tại 21 doanh nghiệp ở cấp tỉnh và hơn 200 doanh nghiệp ở cấp huyện. Qua thanh kiểm tra đã nhắc nhở nhiều doanh nghiệp và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 5 đơn vị, trong đó phạt cảnh cáo 2 đơn vị, phạt tiền 3 đơn vị.
Công tác kiểm định và đăng ký các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, hiện trên địa bàn tỉnh có 2.553 đối tượng đã đăng ký kiểm định, trong đó kiểm định lần đầu là 141 đối tượng, kiểm định theo định kỳ 2.412 đối tượng… Qua đó, điều kiện làm việc của NLĐ ở nhiều đơn vị đã dần được cải thiện.
Diễn tập PCCC ở Công ty TNHH Nam Of London. |
Ông Bùi Văn Tư, Phó Ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh, cho rằng để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - PCCN ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức huấn luyện cho NSDLĐ, NLĐ thì việc nâng cao ý thức tự bảo vệ, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về ATVSLĐ - PCCN vẫn là điều kiện cốt lõi để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây mất ATLĐ.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nguy cơ mất ATLĐ cao. Trên tinh thần đó, thực hiện Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ - PCCN năm 2012, Ban Chỉ đạo tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 5 doanh nghiệp có nguy cơ cao về mất ATLĐ.
Ngoài ra, các Ban chỉ đạo cấp huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo sự đồng bộ trong chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, nâng cao ý thức, nhận thức của NSDLĐ và NLĐ trong chấp hành pháp luật lao động, đảm bảo ATLĐ, giảm nguy cơ TNLĐ trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
PHƯƠNG NGHI