Bể hụi bạc tỷ - lao đao xóm nghèo
Nhiều người dân vẫn chưa thức tỉnh sau “cơn mê” lãi suất mà các “dây hụi” đem lại, dù đã có nhiều “cơn bão” bể hụi gây khốn đốn cho nhiều gia đình nhưng không ít người vẫn tích cóp để gửi tiền vào các dây hụi mà ở đó sự đảm bảo duy nhất chỉ là “uy tín” của chủ hụi. Khi các dây hụi “bể”, họ không biết nhờ cậy ai để thu hồi vốn.
Mới đây, phòng CSĐT TP về TTXH Công an tỉnh đã ra lệnh bắt khẩn cấp chủ hụi Lê Thị Cẩm Hồng, SN 1957, ngụ ấp Tân Thành 2 (Tân Thạnh, Tân Phú Đông) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vụ bể hụi này làm điêu đứng 121 hụi viên không chỉ ở xứ cù lao Lợi Quan mà còn lan đến các xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), Tam Hiệp ( Bình Đại, Bến Tre) khi Hồng tuyên bố mất khả năng chi trả gần 1,8 tỷ đồng vào ngày 4-2-2010.
Năm 1997, lúc đầu Hồng làm hụi rất nguyên tắc, rõ ràng nên tạo được uy tín cho các hụi viên. Đến năm 2006, do bị nhiều hụi viên hốt trước mà không đóng và mượn tiền không trả, Hồng phải đóng choàng. Thời gian kéo dài bị nhiều hụi viên “giựt hụi” (hốt hụi nhưng không đóng hụi chết), Hồng mượn hụi của hụi viên hốt (mượn không cho hụi viên biết) để tiêu xài và đóng các hụi đã hốt.
Khi hết khả năng chi trả, Hồng đã tạo ra nhiều dây “hụi ma” (chỉ một vài người chơi nhưng mạo danh thêm nhiều người khác để tăng số lượng phần chơi). Có dây chỉ có 20 người nhưng Hồng đã tham gia 10 phần. Có ngày, Hồng mở 10 dây hụi và hốt hết trên 60 triệu đồng.
“Trước đây, tôi thuê đất dì Hồng để ở và mở tiệm sửa xe. Mỗi ngày vợ chồng tôi dành dụm được mấy chục ngàn đồng. Thấy dì Hồng đeo vàng đỏ cổ, ăn mặc sang trọng, tiền bạc rủng rỉnh và có rất nhiều người tham gia chơi hụi vì dì rất uy tín nên tôi tin mà tham gia. Tôi nuôi hụi định hốt chót để lấy tiền làm vốn, nào ngờ bị giựt hơn 10 triệu đồng” - Chị Bùi Thị Phượng, ngụ ấp Tân Thành 2 xót xa tâm sự.
Chủ hụi Lê Thị Cẩm Hồng đang nghe đọc lệnh bắt. |
Vào đầu tháng 1-2011, chủ hụi Dương Thị Mộng Tuyền, SN 1972, ngụ ấp Tân Xuân (Phước Trung, Gò Công Đông) đã “cao chạy, xa bay” với số nợ gần 1,5 tỷ đồng của 55 hụi viên. Với số tiền này đối với người dân ở ấp Tân Xuân là rất lớn vì đa số hụi viên chủ yếu sống bằng nghề nông và cào nghêu nên khi hay số tiền tích cóp được đã bị giựt, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh khốn đốn.
Chị Nguyễn Thị Đẹp cay đắng vì đã lầm, tin vào “chữ tín” của bà chủ hụi Tuyền: “Hàng ngày, tôi làm hồ hoặc đi bắt nghêu được 70 ngàn đồng. Tôi mua rau, cá 30 ngàn đồng để nuôi 4 đứa con, còn 40 ngàn đồng tham gia chơi 3 dây hụi và cho Tuyền mượn 40 triệu đồng nên giờ đây mới mất trắng hơn 60 triệu đồng. Tôi đâu có ngờ, mỗi lần mượn 10 triệu hay 20 triệu đồng, tự tay Tuyền viết giấy mượn nợ. Tuyền nói hễ cần là trả lại và Tuyền rất uy tín nên tôi mới tin mà cho mượn nhiều”.
Tương tự, chị Trương Thị Lan với số tiền lời ít ỏi từ việc mua bán tạp hóa tại nhà đã dành dụm tham gia 5 dây hụi và cho Tuyền mượn 40 triệu đồng để rồi phải mất trắng hơn 60 triệu đồng.
“Tui thấy chị em ở gần nên tin tưởng cho mượn tiền và chơi nhiều phần hụi nên cuối cùng bị giựt. Tôi không ngờ Tuyền lại có thủ đoạn quá tinh vi. Chẳng hạn, mượn tôi 50 triệu đồng, hàng tháng trả tôi 1 triệu đồng tiền lời, tôi chơi 5 dây tôi phải đóng thêm 300 - 400 ngàn đồng nữa. Như vậy, tiền mượn và tiền hụi tôi cũng không biết tính sao nữa? Nếu tính hết tiền tôi bị giựt phải hơn 100 triệu đồng mới đúng. Ở đây, ai cũng “vướng” vào Tuyền, tình cảnh giống hệt như tôi vậy. Nói là bể nợ 1,5 tỷ đồng nhưng thực ra là số tiền còn lớn hơn nhiều” - Chị Lan bức xúc kể lại.
Kể từ ngày chủ hụi Tuyền bỏ trốn không chỉ gây khó khăn về kinh tế cho nhiều hụi viên, mà trong số đó đã xảy ra nhiều chuyện đau lòng. Trong số các nạn nhân trong vụ bể hụi trên, “đau” nhất là trường hợp bà Võ Thị Năm (80 tuổi, ngụ ấp Nghĩa Chí) và gia đình chị Nguyễn Thị Yến, ngụ ấp Thanh Nhung 2.
Nghe những lời ngon ngọt của chủ hụi Tuyền, trong 2 năm, bằng nghề bán bánh mì và số tiền tích cóp cả đời của vợ chồng già (không con cái), bà Năm tin tưởng đã cho Tuyền mượn 63 triệu đồng để kiếm ít tiền lời. Nào ngờ Tuyền bỏ trốn, bà Năm mất ăn, mất ngủ nhiều tháng liền nên ngã bệnh.
“Tôi an ủi bà nhà tôi, bị mất rồi thôi ráng lo làm kiếm lại và đợi ngày con Tuyền về trả, đừng buồn nữa. Ngã bệnh, tôi đâu còn đồng nào đưa bà nhà tôi đi bệnh viện nên cứ để ở nhà uống thuốc cầm chừng và chưa đầy 1 tháng là bả bỏ tôi đi rồi…” - Giọng ông Nguyễn Văn Long đắng nghẹn trong tiếc nuối. Giờ đây, ông Long phải sống cô đơn trong căn nhà mục nát, cơm nước hằng ngày đều nhờ vào tình thương của bà con hàng xóm.
Ông Nguyễn Văn Hoa – CA viên đặc trách ấp Tân Xuân kể lại: “Cô Sáu Bèo (tức chị Nguyễn Thị Yến) lén chồng chơi hụi. Đến khi chồng mua vật liệu cất nhà thì mới hay bị giựt hụi. Rồi chồng cô hễ nhậu say về là đánh đập vợ. Biết mẹ nó đòi tự tử, thằng con nói để khuyên cha, nào ngờ nó lại chết thay mẹ nó…”.
Cuối năm 2011, trong khi các tiểu thương ở chợ Mỹ Hạnh Trung (Cai Lậy) tập trung hàng hóa mua bán Tết thì hơn 80 tiểu thương lại bàng hoàng khi nhiều ngày qua cửa nhà của chủ hụi là bà Huỳnh Xuân Châu đã khóa chặt. Buộc lòng, họ phải kéo đến Công an xã Mỹ Hạnh Trung tố cáo vì đã bị giựt gần 1,2 tỷ đồng. Họ cầm trên tay những tờ giấy mượn nợ và danh sách hụi viên tham gia từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng do bà Châu xác nhận. Số tiền trên là cả một tài sản lớn với những người dân lao động nghèo nơi đây.
Bà Lý Thị Cầu, ngụ ấp 3 (Tân Bình) buôn bán sả bào ở Chợ Mỹ Hạnh Trung chua chát nói: “Thấy thiếm Châu ở đây rất uy tín, số tiền lời hàng ngày tôi tích cóp đều chơi hụi, định cuối năm nay hốt được gần 20 triệu đồng sửa lại cái nhà đã dột nát. Nào ngờ tới ngày giao mà thiếm Châu đã bỏ trốn”.
“Tôi nay đã gần 80 tuổi rồi, bị ung thư đại tràng nên đem ruột ra ngoài. Số tiền để dành vô ruột thấy để không cũng vậy nên chơi hụi. Thấy lời nhiều, tôi cũng “ham” nên chơi nhiều dây hơn 40 triệu đồng. Đến ngày vô ruột, tôi hốt thì cô bỏ trốn, tôi đành “ôm hận” cũng không biết tính sao đây nữa…” - Bà Nguyễn Thị L. than thở.
Với một gánh hàng rong, chủ quán cơm nhỏ ở chợ xã hay bác tài xế xe ôm thì số tiền thu nhập rất bấp bênh nhưng vì tin tưởng nên họ đã đầu tư vào các dây hụi, trao tiền cho kẻ bội tín và cũng không biết làm gì khi chủ hụi đã đi về nơi xa...
Từ những vụ việc đáng tiếc xảy ra trên đây, Đại tá Đặng Quang Minh, Trưởng Phòng CSĐT TP về TTXH, CATG khuyên: “Việc chơi hụi chỉ dựa vào niềm tin cá nhân của các hụi viên mà không có tài sản bảo đảm cho việc giao dịch này (không có tài sản cầm cố, thế chấp).
Mọi người chỉ chơi hụi trong trường hợp các hụi viên phải biết thật chính xác về chủ hụi, có độ tin cậy nhau nhất định, tuyệt nhiên không nên coi hụi là phương cách để hưởng lãi suất cao. Đối với các chủ hụi giựt hụi thì tùy theo hành vi, thủ đoạn, tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm”.
Thiết nghĩ, có rất nhiều cách để dành tiền tiết kiệm, chơi hụi không phải là cách duy nhất. Chính vì vậy, mọi người nên lựa chọn cách tiết kiệm phù hợp, tránh những trường hợp đáng tiếc bị mất tiền do bị chủ hụi giựt.
ĐẶNG THANH