Bức xúc về một trường hợp phục hồi trợ cấp thương binh
Quyết định số 39 ngày 28-3-2012 của Sở LĐ-TB&XH về việc trợ cấp thương binh cho ông Huỳnh Văn E, ngụ ấp Vĩnh Bình (Vĩnh Kim, Châu Thành) đã gây bức xúc trong dư luận. Bởi theo thông tin từ một số cơ quan chức năng thì đây là một trường hợp khai man…
Theo báo cáo kết quả xác minh của CA huyện Châu Thành phối hợp cùng PC15 – CA tỉnh thì giấy xác nhận trường hợp bị thương của ông Huỳnh Văn E là giả mạo vì ông Lê Minh Đức (nguyên B trưởng B liên xã) không có xác nhận trường hợp này.
Quyết định số 39 của Sở LĐ-TB&XH. |
Việc điều trị vết thương cho ông Huỳnh Văn E không phải ở Quân y Châu Thành mà điều trị tư ở Cai Lậy. Bà Phùng Thị Ánh ngụ ấp Long Thành A (Bàn Long, Châu Thành) nhớ rõ: Bà cùng mẹ ruột bơi xuồng chở Huỳnh Văn E vào Nhị Quí giao cho gia đình đưa về Cai Lậy trị vết thương (thời điểm đó gia đình E đang tản cư vào Nhị Quí).
Khi trị bệnh xong, E không trở lại B liên xã mà ở lại Nhị Quí, tham gia nhân dân tự vệ tại đồn Nhị Quí. Sau đó, E bị địch bắt giam tại khám đường Mỹ Tho do liên can trong một vụ án. Sau khi được trả tự do (từ năm 1972 đến 1973), ông Huỳnh Văn E trở về Bàn Long làm ruộng, giữ vịt đến ngày 30-4-1975.
Về kết quả làm việc với Nguyễn Văn Thảo (nguyên Trưởng Phòng Chính sách – Sở LĐ-TB&XH, đã nhận án tù vì tội lập hồ sơ giả về chính sách người có công), Thảo khai nhận với CA đã làm hồ sơ thương binh giùm Huỳnh Văn E.
Thảo chỉ nghe lời kể của ông E chứ không xác minh, thẩm định lại. Thảo đã tự ý ghi khống vào nội dung xác nhận trường hợp bị thương, làm giả giấy xác nhận bị thương trong trường hợp này.
Khai báo với cơ quan CA, ông E thừa nhận việc làm hồ sơ thương binh do ông Thảo trực tiếp hướng dẫn và làm giùm, ông E chỉ đi xác nhận đóng dấu theo yêu cầu của ông Thảo. Ông Huỳnh Văn E biết làm như vậy là sai, nhưng do muốn con cái sau này có điều kiện học hành nên mới làm như vậy.
Với kết quả xác minh, CA huyện Châu Thành kết luận: Huỳnh Văn E có tham gia lực lượng B liên xã nhưng không chính thức, chỉ tạm thời (không có tên trong danh sách lực lượng B) và thời gian tham gia tạm thời tại B liên xã từ cuối năm 1969, đầu năm 1970 đến khi bị thương.
Trường hợp bị thương là bất ngờ do thấy lính Sư đoàn 7 đến, sợ địch phát hiện, ông E bỏ chạy vướng lựu đạn nổ bị thương. Trường hợp này không phải do đơn vị giao nhiệm vụ chiến đấu hay chống trả địch càn quét dẫn đến bị thương. Hồ sơ thương binh của ông Huỳnh Văn E là giả mạo nên việc ông E được công nhận là thương binh và xin hưởng chế độ theo Quyết định 290 là không đủ tiêu chuẩn.
Từ cơ sở đó, CA huyện đề nghị Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành có văn bản đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh rút sổ thương binh đối với ông Huỳnh Văn E. CA huyện cũng đề nghị Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện chỉ đạo Hội CCB xã Bàn Long và Vĩnh Kim thông báo về trường hợp này và xóa tên Huỳnh Văn E trong danh sách hội viên CCB.
Cùng với kết luận của CA huyện, Hội CCB huyện Châu Thành cũng có kết quả xác minh tương tự và thống nhất đưa ông E ra khỏi Hội do không đủ tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, ngày 28-3-2012, Sở LĐ-TB&XH ban hành Quyết định số 39 về việc trợ cấp thương binh cho ông Huỳnh Văn E. Quyết định nêu: Căn cứ bản án và quyết định của TAND TP. Mỹ Tho, nhận thấy ông Huỳnh Văn E hoàn toàn không có liên quan đến vụ án của Nguyễn Văn Thảo và Lê Công Trình. Vì vậy, ông E không đồng phạm với vụ lập hồ sơ giả về chính sách người có công.
Với nội dung này, dư luận đặt câu hỏi: Liệu Sở LĐ-TB&XH có nhầm lẫn giữa khái niệm đồng phạm trong vụ án lập hồ sơ giả và bản thân đối tượng sử dụng hồ sơ giả hay không? Đây là vấn đề cần làm rõ về trường hợp phục hồi trợ cấp thương binh cho ông Huỳnh Văn E.
S. PHẠM - B. MINH