Nhận rõ nguy hại & tiêu diệt ma túy
Để phòng, chống ma túy, việc tìm hiểu về tác hại của ma túy và nhận biết được những biểu hiện của người nghiện là rất cần thiết. PGS.TS.BS Tạ Văn Trầm đã có bài viết để cùng chia sẻ.
Để phòng chống ma túy, việc trang bị hiểu biết về tác hại của ma túy và các biểu hiện của người sử dụng ma túy là rất cần thiết. Bởi lẽ điều này không những giúp cho mọi người không coi thường ma túy, biết sợ ma túy và xa lánh nó, mà còn giúp cho ngành Y tế phát hiện sớm người mới tập tành với ma túy để có hướng chữa trị thích hợp ngay từ đầu.
Nạn ma túy đang hoành hành như một thứ bệnh dịch vô cùng nguy hiểm ở khắp nơi trên thế giới. Theo ước tính, hiện có khoảng 50 triệu người trên thế giới nghiện ma túy các loại. Nó được coi là kẻ thù nguy hiểm của mọi quốc gia, là nguyên nhân lớn nhất của sự hủy hoại về sức khỏe và nhân phẩm, là tác nhân của mọi tội ác, bạo lực và những hành vi phạm pháp.
Nạn ma túy ở nước ta cũng đang ở mức báo động. Ma túy tấn công vào giới trẻ, tràn vào trường học, có nguy cơ phá hoại cả thế hệ. Nỗi nhức nhối này không chỉ của riêng ai!
Ảnh: Huỳnh Hùng |
Ma túy là những chất say (phê) cực mạnh và gây nghiện rất nhanh, làm cho người sử dụng luôn có ham muốn phải sử dụng bất cứ giá nào và có khuynh hướng tăng liều ngày càng cao, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể.
Ma túy bao gồm các nhóm sau: Ma túy thực sự gồm: thuốc phiện, Morphin, Heroin, Cocain; một số thuốc tổng hợp (có tác dụng tương tự Morphin dùng làm thuốc giảm đau nhưng nếu lạm dụng cũng được xem là ma túy, ví dụ như: Meperidin (Dolargan, Dolosal…), cần sa (bồ đà) và các chất gây ảo giác khác như: Mescaline, LSD…; các chất kích thích loại Amphetamin; các thuốc ức chế hệ thần kinh; rượu cồn.
Tất cả các chất nêu trên đều là chất gây nghiện. Tính chất gây nghiện được thể hiện ở 2 đặc điểm: gây nô lệ về mặt tâm thần và thể chất, gây khuynh hướng phải tăng liều. Do nô lệ về mặt tâm thần nên người nghiện không thể nào quên được cảm giác mà ma túy đem lại. Họ dễ dàng tái nghiện khi có tiền, có điều kiện thuận lợi, dù đã cai nghiện nhiều lần.
Nguy hiểm hơn là khuynh hướng tăng liều để tăng khoái cảm đối với số người sử dụng ma túy ngày càng tăng. Họ tìm cách thay đổi chất ma túy, thay đổi phương cách sử dụng: Từ hút, hít, uống, chuyển sang tiêm chích.
Tóm lại, tác hại của ma túy đối với bản thân người sử dụng là vô cùng nghiêm trọng. Ma túy chỉ đem lại một cảm giác đặc biệt nhất thời, sau đó nhanh chóng làm cho người nghiện nô lệ suốt đời, suy sụp về tinh thần, ý chí, cơ thể bị gầy mòn, nhân cách bị tha hóa, mất tình thương, mất tài sản… rồi bước vào vũng bùn nhơ nhuốc của cuộc đời.
Ma túy không chỉ hủy hoại cuộc đời người nghiện mà còn gây ra biết bao hệ lụy: Đối với gia đình, ma túy đã gây ra bao nhiêu khổ đau và tủi nhục cho gia đình người nghiện, nó cướp bao nhiêu người vợ, người chồng, người con, gây tán gia bại sản, phá hoại hạnh phúc gia đình, làm rối loạn thay đổi sinh hoạt gia đình.
Người bỏ việc, kẻ ra đi vì không chịu đựng nổi dư luận của xã hội. Đối với xã hội, ma túy không chỉ tàn phá đơn thuần về kinh tế mà nó còn làm hư hỏng, suy yếu cả một thế hệ giống nòi. Ma túy làm tăng tỷ lệ tội phạm giết người, cướp của và biết bao hành vi xấu xa khác. Ma túy còn làm cho các bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi… lan truyền khắp nơi.
Một thống kê sau đây cho thấy những tổn hại vô cùng do ma túy gây ra. Nước ta với khoảng 185.000 người nghiện ma túy. Nếu 1 người nghiện sử dụng 50.000 đồng/bi heroin mỗi lần thì mỗi ngày Việt Nam tiêu thụ 9,15 tỷ đồng, mỗi năm đốt cháy theo làn khói thuốc độc hại hết 3.300 tỷ đồng.
Nghiện ma túy đang là vấn đề đáng quan tâm đối với toàn xã hội. Thảm kịch lớn nhất là khi phát hiện người nghiện nặng thì việc ngăn ngừa không còn hiệu quả nữa. Vấn đề đặt ra là làm sao nhận biết sớm biểu hiện của người mới tập tành ma túy để bằng tình thương và trách nhiệm sẽ hướng họ trở lại cuộc sống tốt đẹp.
Ma túy tác động rất lớn lên tâm sinh lý con người nên người nghiện không thể giống người bình thường về các hành vi, giờ giấc sinh hoạt và các biểu hiện khác. Những biểu hiện của người mới nghiện trước hết là thay đổi thời gian sinh hoạt bình thường: Thức khuya hơn, dậy trễ hơn, thường xuyên ngủ vào ban ngày, hay ngáp vặt, ăn uống không đúng bữa, thường tụ tập bạn bè ồn ào, quy luật đi lại thất thường.
Cứ đến giờ, đến “cử” bắt buộc họ phải đi tìm chỗ hút, không ai cưỡng lại nổi. Người nghiện thay đổi một số hành vi: Thích ở một mình, tránh né gia đình, ngại tiếp xúc với người khác, kể cả người thân, chỉ giao du với những người “cùng hội, cùng thuyền”.
Với những người mới sử dụng cần sa, họ luôn có cảm giác lo lắng, hốt hoảng, thần kinh bị kích thích, rối loạn suy nghĩ, dễ khóc, dễ cười. Người nghiện môi thâm đen, sụt cân, xanh xao, tiêu chảy, mệt mỏi, lừ đừ, không chịu lao động, bê trễ học hành. Họ luôn tìm cách nói dối gia đình về vấn đề tiền bạc, xin tiền với đủ lý do… Nói dối về sự vắng mặt thường xuyên của mình…
Những hiện tượng trên tiếp theo là nếu vẫn tiếp tục sử dụng ma túy thì họ sẽ bị nghiện. Lúc này sức khỏe giảm sút rõ rệt, người mệt mỏi, rã rời, ngáp liên tục, chảy nước mắt, nước mũi, nôn ói, đi không nổi, vã mồ hôi, nổi da gà, da tái, môi thâm sậm, con ngươi giãn rộng, hay than đau lưng, đau trong xương… Họ sợ nước, sợ ánh sáng hay giật mình, mất ngủ liên tục.
Bản thân dễ bị kích động, khoái cảm giác mạnh, sẵn sàng quậy phá, nói năng lung tung, mất lý trí, sẵn sàng ấu đả, đâm chém người khác. Do nhu cầu xài tiền tăng lên liên tục nên không xin được thì trộm cướp hoặc làm bất cứ việc gì để có tiền cho ma túy. Nếu sử dụng bằng đường tiêm chích, ở mu bàn tay, khuỷu tay sẽ có những “đường rầy” do dấu kim tiêm để lại. Cũng có thể xác định bằng cách lấy nước tiểu của họ, dùng dụng cụ thử nghiệm ma túy tại nhà, cho kết quả sau 5 phút thử hoặc gởi nước tiểu đi xét nghiệm ma túy.
Các bậc cha mẹ và toàn xã hội hãy tích cực phòng, chống ma túy bằng mọi cách, đừng chủ quan rằng với bản lĩnh của mỗi người thì không thể nào nghiện được. Các bậc phụ huynh, thầy cô… nên khéo léo tìm hiểu nguyên nhân và hình thức mà họ sử dụng ma túy để có hướng chữa trị thích hợp.
Việc xử trí, ngoài việc giải thích những tác hại của ma túy, phải cách ly tuyệt đối họ với những người bạn “đồng nghiệp” khác, nên động viên họ tự nguyện từ bỏ với quyết tâm cao, nên giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ hội nhập trở lại với gia đình và xã hội.
Tất nhiên, việc ngăn chặn tệ nạn này không thể một sớm một chiều và đơn tuyến được mà phải có sự hợp sức, với quyết tâm lâu dài thì mới may ra. Trong cuộc đấu tranh này có mọi người, có cha mẹ, thầy cô, bạn bè và cả chính các bạn nữa.
PGS.TS.BS TẠ VĂN TRẦM