Thứ Tư, 27/06/2012, 11:10 (GMT+7)
.

Mang nghề may về quê giúp chị em nghèo

Sống giản dị, gần gũi, nhiệt tình với mọi người, tận tụy trong công việc, không ngừng học hỏi kinh nghiệm của mọi người - đó là những đức tính đáng quý của cô Nguyễn Thị Sang (57 tuổi) Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) May gia công của xã Long Bình Điền (Chợ Gạo). Cô được nhiều người biết đến vì cô vừa dạy nghề vừa tạo việc làm cho nhiều người nghèo.

Cô Sang tận tình hướng dẫn những ai chưa lành nghề.
Cô Sang tận tình hướng dẫn những ai chưa lành nghề.

Với dáng vẻ hoạt bát, nhanh nhẹn, giọng nói rắn rỏi và chân tình, cô Nguyễn Thị Sang dễ dàng tạo được cảm tình của mọi người khi tiếp xúc.

Từ một cô công nhân may, cô luôn ấp ủ ước mơ một ngày nào đó mình cũng có một xưởng may gia công nho nhỏ. Bao năm làm công nhân cô dành dụm mua được một chiếc máy may gia đình và nhận đồ may cho bà con trong vùng.

Đến năm 2000, cô mạnh dạn vay 2 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã mua máy may công nghiệp và vẫn ấp ủ ước mơ có một cơ sở may.

Cô cho biết: Được Hội LHPN giúp cho số vốn ban đầu, tôi đã bắt tay ngay vào làm dù không mấy tự tin. Lúc đó, không biết bao nhiêu khó khăn đang đối mặt: Tìm nguồn công nhân và đào tạo họ, tìm nguyên liệu, rồi thị trường tiêu thụ…

Đó là chưa kể muốn có một cơ sở may thì phải có nhiều máy mà trong tay tôi lúc đó chẳng có gì. Những người có ý muốn tham gia cơ sở cũng nghèo, lấy đâu ra tiền tự trang bị. May mắn lúc đó Công ty cổ phần Hữu Hoàng đã giúp đỡ thêm về máy may và nhận bao tiêu sản phẩm. Thế là CLB may gia công ra đời.

Với vài công nhân buổi ban đầu, đến nay CLB May gia công của cô đã có trên 50 công nhân với 4 cơ sở. Đối với công nhân, cô chỉ bảo tận tình những ai chưa lành nghề. Những ai có hoàn cảnh khó khăn cô đều dạy may miễn phí và trả lương học việc mỗi tháng 600 ngàn đồng. Với sự chỉ bảo tận tình của cô và những thợ may lành nghề xung quanh, học viên chỉ cần học từ 1 - 2 tuần là có thể may được.

Riêng các công nhân đã lành nghề thì ăn lương theo sản phẩm, tùy theo trình độ, khả năng. Trung bình mỗi tháng thu nhập của một công nhân có thể lên đến 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, hàng ngày cô đều tự tay đi chợ và nấu cơm trưa cho công nhân của mình. CLB may gia công của cô giống như một đại gia đình.

Cô Sang luôn đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm (xuất khẩu sang thị trường nước ngoài), nên công nhân lúc nào cũng có việc làm. Những ai gia đình đơn chiếc, cô sẵn sàng cho mượn máy may về nhà. Cô không nhớ hết mình đã giúp đỡ cho bao nhiêu người có việc làm ổn định. Học viên nào học xong cô đều nhận lại làm, bạn nào muốn đi chỗ khác cô sẵn sàng giới thiệu. Chị Hồ Thị Sương, công nhân của CLB cho biết: “Trước đây làm ở TP. Hồ Chí Minh khá vất vả. Từ khi về đây, được cô Sang nhận vào làm, công việc và thu nhập của tôi đã ổn định”.

Cô Sang tâm sự: “Ngày xưa cô cũng gặp nhiều khó khăn, nên cô luôn nghĩ mình giúp được gì cho mọi người thì cố gắng hết sức. Cô không cần giàu sang hay được mọi người khen ngợi, chỉ mong có cuộc sống vui vẻ cùng anh, chị em công nhân”. Mỗi năm cô Sang nhận dạy nghề cho hàng trăm người, có người ở lại may cho cô, có người ra mở cơ sở may riêng.

Hơn 10 năm gắn bó với CLB, mặc dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng cô Sang không chỉ đảm đang chu tất việc gia đình, mà còn sẵn lòng giúp đỡ, đào tạo việc làm cho người dân quanh vùng.

Chia tay cô Sang, với nụ cười hiền lành, cô căn dặn chúng tôi mãi: Nếu thấy ai có hoàn cảnh khó khăn cứ giới thiệu đến đây, cô sẵn sàng giúp đỡ và tạo việc làm cho họ.

P. MAI

.
.
.