Thứ Hai, 11/06/2012, 23:12 (GMT+7)
.

Một thầy giáo được tặng 3 bằng lao động sáng tạo

Thầy Lưu Đình Hùng (ảnh) giáo viên trường Trung cấp Bách khoa Gò Công, là một trong 25 cá nhân được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh vinh danh trong hội nghị tuyên dương công nhân, viên chức, lao động sáng tạo diễn ra vào ngày 31-5-2012.

Với 33 năm kinh nghiệm giảng dạy, làm việc trong ngành cơ khí, thầy Hùng đúc kết: Muốn học sinh tiếp thu nhanh, dễ hiểu những kiến thức đã học và nâng cao tay nghề, hạn chế được những sai sót mắc phải khi thao tác thì nhất thiết phải cải tiến phương pháp giảng dạy về lý thuyết và thực hành.

Từ năm học 2007-2008 đến năm học 2010-2011, thầy Hùng đã nghiên cứu và có 3 bằng lao động sáng tạo được Tổng LĐLĐ Việt Nam công nhận.

Mô hình “Hệ thống điện xe Wave”

Mô hình được gắn trên bảng gỗ ép có chân đứng được. Mô hình thể hiện cấu tạo, nguyên lý làm việc máy phát điện cho đánh lửa, các mạch đèn chiếu sáng, tín hiệu, nạp bình và khởi động cho động cơ hoạt động, thấy được các màu dây dẫn điện trong cuộn dây sườn trên xe thật. Làm cho các em học sinh thực hành ngay trên mô hình thay cho xe thật.

Đây là sự đổi mới và sáng tạo toàn bộ dây dẫn được giấu phía dưới tấm gỗ ép và ló lên gần các gù công tắc hay thiết bị để giúp cho học sinh dễ nhận ra màu dây của từng mạch và khắc phục được khó khăn khi thiếu thiết bị thực hành, tiết kiệm được khoản tiền khá lớn do không phải mua chiếc xe thật.

Ngoài ra mô hình còn sử dụng vào việc tìm pan thực tế, không phải mất thời gian tìm cách truyền đạt cho học sinh dễ hình dung ra vị trí những đường dây dẫn điện trong hệ thống; vấn đề tìm pan còn kết hợp thêm phần giảng giải về cấu tạo, nguyên lý, học sinh còn thực hành lắp mạch dây đèn và các hệ thống khác ngay trên mô hình.

Khi sử dụng mô hình thực hành hệ thống điện xe Wave để giảng dạy trong các tiết học, bên cạnh giáo cụ trực quan sinh động, còn là thiết bị thực hành, làm nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh nghề phổ thông, còn tiết kiệm khoảng 8 triệu đồng/mô hình do không phải mua xe thật.

Mô hình “Cắt hệ thống truyền động - cơ cấu phanh sau của xe máy”

Mô hình được gắn trên khung sắt, các bộ phận, chi tiết đều lắp cố định có chân đứng. Mô hình thể hiện cấu tạo, nguyên lý hoạt động bộ ly hợp, hộp số, cơ cấu phanh, bộ truyền lực đến bánh xe sau và cơ cấu khởi động bằng giò đạp cho động cơ hoạt động, thấy được các bánh răng ăn khớp nhau để truyền động như trên xe thật.

Đây là sự đổi mới và sáng tạo toàn bộ bánh răng, xích truyền động được thể hiện thấy rõ sự ăn khớp của từng bộ di động kết nối cặp bánh răng qua vị trí của các số. Giúp cho học sinh dễ nhận ra vị trí của hệ thống của từng chi tiết, khắc phục được khó khăn khi thiếu học cụ trực quan giảng dạy lý thuyết cũng như thực hành, tiết kiệm được khoản tiền khá lớn không phải mua chiếc xe thật.

Ngoài ra mô hình còn sử dụng vào việc tìm pan thực tế, không phải mất thời gian tìm cách truyền đạt cho học sinh dễ hình dung ra vị trí những chi tiết trong hệ thống, ngoài vấn đề tìm pan còn kết hợp thêm phần thực hành điều chỉnh ly hợp, độ võng của xích truyền động ngay trên mô hình.

Khi sử dụng mô hình cắt hệ thống truyền động – cơ cấu phanh sau của xe máy để giảng dạy trong các tiết học, ngoài giáo cụ trực quan sinh động còn là thiết bị thực hành để nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh nghề phổ thông và tiết kiệm khoản 5 triệu đồng/mô hình do không phải mua xe thật.

Với những thành tích đạt được trong nhiều năm qua, thầy Hùng đã được tặng 3 bằng lao động sáng tạo, nhiều bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam và bằng khen của UBND tỉnh.

ĐÌNH HẢI

.
.
.