Thanh Bình: Hiện thực hóa các tiêu chí xây dựng nông thôn mới
Đến nay, xã Thanh Bình (Chợ Gạo) đã đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Là một xã văn hóa nhiều năm nay, Thanh Bình tận dụng những thế mạnh sẵn có của mình làm đòn bẩy, từng bước hoàn thành các tiêu chí còn lại, quyết tâm trở thành xã NTM trong thời gian gần nhất...
Tiền đề trên đường xây dựng NTM là Thanh Bình đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng tại các vùng sản xuất. Đến nay, hệ thống kinh mương, cầu cống đã được tu bổ và nâng cấp nên đã hỗ trợ rất tốt cho việc tưới tiêu, giúp Thanh Bình phát huy thế mạnh nông nghiệp.
Hệ thống đường sá cũng từng bước hoàn thiện, giúp rất nhiều cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, nguyên vật liệu nông nghiệp của bà con toàn xã. Hiện tại, gần 100% các tuyến đường liên xã, liên ấp của xã đều đã được bê tông hóa hoặc trải đá xanh. Dù chưa đạt chuẩn theo tiêu chí, nhưng giao thông là thế mạnh của xã, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Chỉ trong 5 năm (2005-2010), Thanh Bình đã triển khai xây dựng 9 tuyến đường nhựa, chiều dài 11 km với kinh phí gần 7 tỷ đồng; 30 km đường bê tông, trải đá xanh liên xóm, liên ấp với kinh phí gần 2 tỷ đồng; song song đó là xây dựng 4 cây cầu với kinh phí hơn 2 tỷ đồng,…
Bộ mặt nông thôn mới đang dần hình thành. |
Mặt khác, người dân Thanh Bình còn năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực đưa các giống lúa mới và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đưa năng suất, chất lượng sản phẩm tăng dần theo từng năm. Năm 2011, tổng diện tích đất nông nghiệp của toàn xã là 1.236,86 ha, năng suất bình quân 7 tấn/ha, sản lượng 16.305 tấn (tăng trên 3.000 tấn so với năm 2005).
Phát huy lợi thế đất nông nghiệp, ngoài chuyên canh cây nếp bè, nhân dân Thanh Bình còn đẩy mạnh phát triển cây ăn trái, tập trung là cây thanh long cho ra hoa trái vụ với trên 86 ha. Với giống cây này, thu nhập bình quân của người dân ngày một nâng cao, đến nay đã đạt ngưỡng 200 triệu đồng/ha.
Các mô hình kinh tế trang trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… cũng từng bước được hình thành và phát triển dần theo từng năm. Hiện nay, tổng giá trị thu nhập từ chăn nuôi của xã là 11 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ cũng được người dân và chính quyền địa phương chú trọng. Các cơ sở hạ tầng dần hình thành và đang từng bước phát triển như: Các cơ sở xay xát lúa gạo, lò sấy lúa, chế biến đồ gỗ, doanh nghiệp xây dựng và các cơ sở nhận gia công đan khuôn…
Các cơ sở này đã góp phần giải quyết lao động nông thôn, tăng thu nhập cho gia đình. Các tổ hợp tác cũng dần được hình thành, nhiều mô hình tiểu, thủ công nghiệp được bà con lựa chọn để có thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Theo đánh giá ban đầu, các mô hình này được bà con nông dân khá chuộng bởi tính năng động, cho thu nhập khá và không kén tay nghề. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao với mức thu nhập bình quân đầu người gần 12 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm đi theo từng năm. Hiện nay, các hộ nghèo của xã chỉ còn 4,11%.
Từ năm 2001, 6/6 ấp của xã đã được công nhận là ấp văn hóa. Các câu lạc bộ, đội văn nghệ luôn hoạt động sôi nổi và duy trì đều đặn, trên 90% gia đình của xã đạt các tiêu chí gia đình văn hóa. Hệ thống trường học cũng đã được xây dựng cao tầng và kiên cố, chất lượng dạy và học cũng được nâng lên.
Trong những năm qua, tỷ lệ học sinh đủ tuổi đến trường đạt 100%, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp tiểu học và THCS đạt trên 99%. Về công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm đúng mức. Công tác kế hoạch hóa gia đình cũng được chú trọng, góp phần hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 0,94%. Xã cũng đang phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 0,8%.
Trước năm 2001, nhóm chợ “Ngã 3 chị Cúc” chỉ có vài gian hàng thì đến nay đã được đầu tư xây dựng thành chợ Thanh Bình và phát triển khá sầm uất. Chợ có trên 90 gian, hàng hóa mua bán phong phú, đa dạng, không những đáp ứng được nhu cầu của người dân trong xã, còn phục vụ cho nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân các xã lân cận như: Đăng Hưng Phước, Lương Hòa Lạc, Tân Bình Thạnh (Chợ Gạo); Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) và Long Trì (Châu Thành, Long An). Xã cũng đã có kế hoạch xây dựng chợ Thanh Bình thành Trung tâm thương mại của xã.
Ông Lê Anh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tuy còn nhiều khó khăn, xã cũng còn nhiều tiêu chí chưa đạt như giao thông, trường học… do các yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Nhưng trên nền tảng sẵn có, chúng tôi sẽ cố gắng để xây dựng Thanh Bình sớm trở thành một xã NTM trong thời gian gần nhất.
Hiện tại, Thanh Bình đang tập trung mọi nguồn lực (với dự toán kinh phí xây dựng NTM trên 300 tỷ đồng) để khắc phục khó khăn, hoàn thành các tiêu chí còn lại. Xã cũng đang phấn đấu đến năm 2015 trở thành thị tứ”.
P. MAI