Thứ Sáu, 01/06/2012, 13:18 (GMT+7)
.

Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em

Nước ta vẫn còn là một nước có dân số trẻ, trẻ em chiếm khoảng 1/3 dân số. Từ ngày đất nước thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em đạt nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Hầu hết trẻ em được học tiểu học, trung học, trường lớp khang trang cả ở vùng sâu, vùng xa. Phần lớn trẻ em tiếp cận được các dịch vụ y tế, dự kiến tuổi thọ sẽ cao hơn các thế hệ trước; đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005, bệnh sởi giảm đến 95%...

Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất. Ảnh: Trác Ngô
Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất. Ảnh: Trác Ngô

Nhưng bên cạnh những thành tựu ấn tượng, vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, đồng thời xuất hiện những tệ trạng mới đáng báo động liên quan đến trẻ em.

Có hơn 1,47 triệu (5,84%) trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gồm: trẻ bị khuyết tật, trẻ bị nhiễm chất độc da cam, nhiễm HIV/AIDS, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi sống lang thang, trẻ bỏ học sớm, lao động sớm trong điều kiện độc hại, nặng nhọc… Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi do suy dinh dưỡng kéo dài.

Điều đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục, bắt cóc trẻ em, mua bán trẻ em ngày càng nhiều. Bạo lực thì có bạo lực trong gia đình do chính cha mẹ hoặc người thân đánh đập trẻ em; bạo lực học đường do học sinh đánh nhau, thậm chí giết nhau, làm nhục bạn rồi quay video clip tung lên mạng. Xâm hại tình dục trẻ em thì đặc biệt nghiêm trọng là hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ dưới 5 tuổi...

Lý giải nguyên nhân của tình hình nêu trên, các nhà phân tích cho rằng, do sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu; do mặt trái của cơ chế thị trường tác động ngày càng mạnh; do ly hôn, ly thân trong các gia đình gia tăng; do phim ảnh bạo lực, khiêu dâm tràn ngập; do hiệu quả giáo dục đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa còn hạn chế; do pháp luật chưa được thực hiện nghiêm minh và cũng chưa đầy đủ.

Một việc nữa cũng đáng coi là nguyên nhân là gia đình nghèo đẻ con nhiều hơn gia đình khá giả. Và một vấn đề chung của toàn xã hội là bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa thực hiện tốt cũng góp phần tác động xấu đến tình hình chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Các tệ trạng nêu trên cho thấy, chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay mang đậm tính thời sự. Trên địa bàn tỉnh ta, đó là tình trạng bạo lực học đường, đã có 2 vụ học sinh giết nhau ở Cái Bè và Châu Thành. Trẻ chết vì đuối nước cũng đáng kể.

Một vấn đề cấp bách của tỉnh ta là hiện có trên 40 trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh cần hỗ trợ kinh phí để phẫu thuật, Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Tiền Giang vừa có lời kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ.

Nói về công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, nước ta vẫn tự hào là nước đầu tiên ở Đông Nam Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em.

Về luật trong nước, chúng ta có Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. Ngoài ra còn có chương trình quốc gia, các chỉ thị, quyết định, thông tư chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương thực hiện công tác này. Tỉnh ta cũng có Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020 do UBND tỉnh ban hành ngày 20-7-2011.

Như vậy là đã có rất nhiều “cẩm nang”, vấn đề là việc vận dụng, biến “cẩm nang” thành hiện thực. Tôi đề nghị Tiền Giang ta tập trung cố gắng giải quyết tốt 3 việc trong thời gian từ ngày 1-6 năm nay đến ngày 1-6-2013: đảm bảo không còn bạo lực học đường, đảm bảo phẫu thuật tim cho 40 trẻ em nghèo, đảm bảo không còn trẻ em chết vì đuối nước.                           

TRẦN  QUÂN

.
.
.