Lễ giỗ liệt sĩ xã Long Hưng: Cao đẹp văn hóa tri ân
Chiến tranh đi qua, trên mảnh đất Long Hưng (Châu Thành) đã có 614 người con, người chồng, người cha… mãi mãi nằm xuống, trong đó có chồng, con trai và đồng đội của cô Nguyễn Thị Hậu - người phụ nữ từng là cán bộ Quân báo.
Những ký ức về những năm tháng gian lao mà anh dũng cứ đeo đẳng trong cô. Và hàng năm, cứ đến ngày 27-7 là lòng cô Tư lại bùi ngùi, ký ức về người chồng, người con trai khi hy sinh mới tròn 18 tuổi, về những người đồng đội cứ ùa về miên man. Cô nghĩ bụng: Sao đến ngày ấy mình không làm cái gì đó cho các liệt sĩ được ấm cúng!
Năm 1997, trong một lần uống trà, cô Tư bàn với một số cô, chú khác cũng từng tham gia hoạt động cách mạng: “Mình còn sống đến ngày hôm nay là một may mắn, thương cho nhiều đồng đội chưa hưởng được độc lập đã mãi mãi nằm xuống. Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, mình làm cái gì đó mang ra bia ghi danh liệt sĩ thắp hương mời các anh, các chị về sum vầy ấm cúng”. Ý tưởng ấy ngay lập tức được mọi người tán thành.
Ngày 27-7-1997, cô Tư làm con gà, nấu cháo rồi rủ chú Ba Truyền, cô Hai Bông, cô Năm Quặng và cô Chín Mụ mang ra bia ghi danh các liệt sĩ trong Khu di tích lịch sử Đình Long Hưng thắp hương bày tỏ lòng tri ân những người con của đất Long Hưng đã anh dũng ngã xuống cho quê hương thanh bình.
Cô Tư Hậu bồi hồi nhớ lại: Cúng xong, các cô, chú ngồi bàn: Cúng mà không có cái bàn thì không ra giỗ. Vậy là hùn tiền lại mua cái bàn thờ, chân đèn, lư hương, lục bình, khảm trải để 27-7 năm sau giỗ đồng đội cho tươm tất hơn. Từ đó, cứ đến ngày 27-7, các cô, các chú người con gà, con vịt, trái cây, mâm xôi, mâm bánh… cùng nhau làm lễ giỗ cho các liệt sĩ ở bia ghi danh liệt sĩ, trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Đình Long Hưng.
Đông đảo người dân đến dự lễ giỗ liệt sĩ. |
Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc, Bí thư Chi bộ ấp Long Thạnh A kể: Hàng năm, cứ sắp đến ngày 27-7, các cô lại rộn ràng lo bàn nhau chuyện làm đám giỗ cho liệt sĩ. Đến ngày 26-7, chị em xúm xít lại nhà cô Tư để gói bánh ít, bánh tét vui như tết. Để cho cô Tư đỡ cực, chị em phụ nữ ấp Nam đăng ký gói bánh ít để giỗ. Rồi đến chị em phụ nữ ấp Long Lợi cũng đăng ký gói bánh tét và xôi. Chị em phụ nữ ấp Thạnh Hòa “xin” lo phần trái cây và phụ nữ ấp Long Bình A thì “dành” lo phần bánh bò và bánh mì.
Cứ thế, hễ đến ngày 27-7, người này rủ người kia cùng nhau đi dự lễ giỗ, mỗi năm mỗi đông hơn. Có năm số người đến dự cả ngàn người, trung bình khoảng 250 - 300 người. Từ ngày tổ chức lễ giỗ liệt sĩ đến nay, nhiều người chưa một lần vắng. Đặc biệt, cụ Nguyễn Thị Minh, dù đã 97 tuổi nhưng năm nào đến ngày 27-7, cụ cũng kêu con cháu dẫn đến Khu di tích lịch sử Đình Long Hưng để tham dự lễ giỗ, vì trên tấm bia ghi danh ấy có tên người, con trai duy nhất của cụ.
Để lễ giỗ liệt sĩ trở thành nếp văn hóa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp, năm 2000 lãnh đạo xã Long Hưng thành lập Hội Cúng giỗ liệt sĩ. Cô Nguyễn Thị Hậu được mọi người tín nhiệm bầu làm Hội trưởng. Từ đó, hàng năm xã Long Hưng hỗ trợ Hội Cúng giỗ liệt sĩ để tổ chức lễ giỗ cho chu đáo hơn.
Không chỉ hỗ trợ tiền, xã còn cắt băng rôn, treo cờ, phướn, đặt tràng hoa, đánh trống, múa lân, đọc diễn văn ôn lại truyền thống để ngày giỗ thật sự trang nghiêm. Mỗi ban, ngành, đoàn thể của xã đảm nhiệm một khâu để công tác tổ chức lễ giỗ được tươm tất. Mỗi người một việc cùng nhau làm, xem như là việc chung. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã có trách nhiệm lo việc hậu cần, nấu nướng; Hội Cựu chiến binh lo khâu tiếp khách; Đoàn Thanh niên đảm nhận khâu tiếp tân…
Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc chia sẻ: Mấy năm đầu tổ chức giỗ, Hội mời một số con em gia đình chính sách đi công tác, làm ăn xa về tham dự. Những năm sau, không cần phải mời nữa, mà các anh, các chị, các em xem ngày 27-7 như là một ngày truyền thống của địa phương, cứ đến ngày ấy là về tham dự lễ giỗ để thắp hương tri ân các thế hệ cha, anh đã ngã xuống cho quê hương. Có người về dự lễ giỗ còn rủ thêm bạn bè cùng về. Nhiều người đến ngày giỗ mặc áo dài, đội mâm xôi, bánh… đến dâng cúng rất trang trọng.
Điều đáng quý là nhiều người con của đất Long Hưng đi làm ăn xa, thành đạt khi trở về đã hỗ trợ kinh phí để xã phát học bổng, trao quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo trong dịp tổ chức lễ giỗ liệt sĩ. Bên cạnh đó, nhiều người còn đóng góp cho quỹ của Hội cúng giỗ liệt sĩ của xã. Nguồn quỹ ấy dùng để trang trải cho việc tổ chức lễ giỗ, phần còn dư dùng để cho chị em thuộc gia đình chính sách khó khăn về vốn mượn để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập.
Bí thư Đảng ủy xã Long Hưng Lê Văn Hồng tự hào: Hàng năm, lễ giỗ liệt sĩ đã trở thành ngày hội văn hóa, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của nhân dân Long Hưng. Đây là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; đồng thời để các thế hệ con, cháu của các gia đình chính sách đi làm ăn, công tác xa có dịp trở về quê hương thắp hương tri ân các thế hệ cha, anh. Lễ giỗ liệt sĩ còn giúp cho tình làng nghĩa xóm được gắn bó, đoàn kết, khắng khít nhau hơn.
NGUYÊN CHƯƠNG