Thứ Hai, 30/07/2012, 14:49 (GMT+7)
.

Một vụ cưỡng chế gây bức xúc

Đó là bản án dân sự phúc thẩm số 117/DSPT, ngày 29-3-2011, của TAND tỉnh Tiền Giang, quyết định buộc bà Nguyễn Thị Phước và con ruột là Ngô Thị Nhàn phải tháo dỡ, di dời toàn bộ căn nhà cột gỗ, mái tol, vách ván và tài sản trong nhà để giao phần đất thuộc thửa số 100 và 101, tờ bản đồ số 2, tổng diện tích 2.328m2  cho bà Mai Thị Xinh, Mai Thị Đẹt, ông Mai Văn Tốt, Nguyễn Văn Viễn quản lý sử dụng.

Trước đó, mẹ con bà Phước làm đơn khiếu nại lên TAND Tối cao nên chưa tự nguyện thi hành án. Đến ngày 19-7-2012, Chi cục Thi hành án huyện Cai Lậy quyết định cưỡng chế để thi hành án. Đoàn cưỡng chế tiến hành trong khi TAND Tối cao có thông báo đơn khiếu nại của mẹ con bà Phước đang được tòa xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Điều gây bức xúc là mẹ con bà Phước là hộ nghèo và không còn nơi nào khác để ở.

Hai mẹ con bà Phước trước căn nhà bị buộc tháo dỡ.
Hai mẹ con bà Phước trước căn nhà bị buộc tháo dỡ.

Nguồn gốc phần đất bị cưỡng chế thuộc quyền quản lý sử dụng của vợ chồng ông Mai Văn Mạnh và bà Nguyễn Thị Lê tọa lạc tại ấp Hòa Thinh (Ngũ Hiệp, Cai Lậy).

Vợ chồng ông Mạnh không có con, năm 1996 thì bà Lê chết. Lúc này ông Mạnh ngoài 80 tuổi nên có nhờ người cháu ruột của vợ là Nguyễn Thị Phước đến ở để chăm sóc, phụng dưỡng với lời hứa sau khi ông qua đời thì phần đất này bà Phước được quyền làm chủ để canh tác thu hoa lợi lo nhang khói, cúng giỗ vợ chồng ông.

Đáng tiếc là khi làm giấy qua bộ đất cho cháu (di chúc), ông Mạnh nhờ người viết hộ và không chứng thực nên không có giá trị pháp lý.

Tuy nhiên, đến năm 2003, ông Mạnh ký tên lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho bà Phước, nhưng do giấy chứng nhận QSDĐ của ông Mạnh đang được thế chấp ở ngân hàng để vay vốn nên không đủ thủ tục sang tên. Vì vậy, khi ông Mạnh chết mới xảy ra tranh chấp. Cũng cần nói thêm rằng, do thiếu hiểu biết về pháp luật nên bà Phước sau khi chuộc sổ đỏ về cũng không đến làm thủ tục sang tên.

Bà Phước quê ở xã Long Trung (Cai Lậy), kêu vợ ông Mạnh bằng cô ruột, thấy dượng già yếu, bệnh tật không người chăm sóc, phụng dưỡng nên nhận lời. Do đã ly hôn với chồng, bà Phước quyết định bán đất, đưa hai đứa con còn nhỏ chuyển về ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp sinh sống để thuận tiện chăm sóc ông Mạnh.

Số tiền bán đất bà Phước dùng vào việc cải tạo lại 2.328m2 đất vườn của ông Mạnh. Suốt hơn 10 năm trời làm lụng, chăm sóc, nuôi dưỡng cho đến năm 2007 ông Mạnh qua đời, bà Phước lại một mình lo đám tang, xây mộ phần và lập bàn thờ hàng năm nhang khói cúng giỗ cho vợ chồng ông Mạnh.

Ông Mạnh có 3 anh, chị em ruột nhưng đều đã chết. Bà Đẹt, bà Xinh, ông Tốt là cháu gọi ông Mạnh bằng chú ruột và ông Viễn gọi ông Mạnh là cậu ruột. Theo xác nhận của người dân trong ấp, những người cháu này không hề chăm sóc, nuôi dưỡng ông Mạnh. Thế nhưng khi ông Mạnh vừa qua đời, những người cháu thuộc hàng thừa kế thứ hai này lại làm đơn tranh chấp đòi chia thừa kế.

Vụ tranh chấp kéo dài qua 4 phiên tòa và tại bản án dân sự phúc thẩm số 117/DSPT, ngày 29-3-2011, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã buộc mẹ con bà Phước phải tháo dỡ, di dời nhà cửa và toàn bộ tài sản  để giao 2.328m2 đất cho 4 người cháu của ông Mạnh.

Ông Chế Văn Sáu, Trưởng ấp Hòa Thinh và nhiều bà con đều phản ánh là quyết định của tòa không hợp tình, thiếu xác minh thực tế, chưa thực sự khách quan.

Quá trình xác minh chúng tôi được biết, ngoài tờ giấy qua bộ đất cho bà Phước (di chúc) không đủ tính pháp lý nên không được HĐXX chấp nhận, còn có Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, có chữ ký của ông Mạnh là chứng cứ xem xét việc ông Mạnh đã đồng ý chuyển QSDĐ cho bà Phước.

Chứng cứ này đã được ông Huỳnh Văn Lộc, cán bộ Địa chính xã Ngũ Hiệp xác nhận: “Vào năm 2003, ông Mai Văn Mạnh, sinh năm 1915, có lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho bà Nguyễn Thị Phước, sinh năm 1962, thường trú ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy)”. Thế nhưng lại không được hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đưa ra xem xét.

Có mặt tại hiện trường trong ngày cưỡng chế, chúng tôi chứng kiến bàn thờ của ông Mạnh, bà Lê và bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Văn Khỏe (anh ruột bà Phước) do bà Phước chịu trách nhiệm thờ cúng bị khiêng ra để ngoài trời vừa lúc một cơn mưa lớn ào ào trút xuống.

Trong nỗi oan ức, giọng bà Phước sụt sùi: “Trên phần đất này có 3 ngôi mộ của ông Mạnh, bà Lê và thằng Sơn, con trai tôi, rồi sẽ di dời về đâu, trong khi hai mẹ con tôi còn chưa biết sống như thế nào, ở đâu”.

Sự việc của mẹ con bà Phước đang được TAND Tối cao xem xét. Hy vọng qua bài viết này, TAND Tối cao sẽ có cái nhìn khách quan hơn, thực tế hơn để đưa ra một quyết định hợp tình, hợp lý.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.