Thứ Bảy, 07/07/2012, 07:45 (GMT+7)
.

Cần có chế độ cho người tham gia BHXH tự nguyện

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1-8-2008, mở ra cơ hội hưởng “lương hưu” cho nhiều người lao động, nhất là người lao động tự do, buôn bán nhỏ, thợ thủ công, nông dân... là những người không nằm trong diện BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên những người lao động này chưa được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… là một thiệt thòi lớn so với những người tham gia BHXH bắt buộc.

Những người buôn gánh bán bưng  cũng có thể tham gia BHXH.
Những người buôn gánh bán bưng cũng có thể tham gia BHXH.

BHXH tự nguyện là loại hình mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng chế độ BHXH là hưu trí và tử tuất. Người lao động có thể tham gia đóng phí theo tháng, quý, hoặc 6 tháng một lần. Ưu điểm lớn nhất của chính sách này là tạo một nguồn tài chính ổn định cho tuổi già.

Giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện có sự liên thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện trên cơ sở tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện để hưởng chế độ theo quy định; tức là người lao động tự do đang tham gia BHXH tự nguyện, nếu họ được tiếp nhận vào lao động tại một cơ quan, doanh nghiệp nào đó thì chuyển sang BHXH bắt buộc và ngược lại.

Ngoài ra, những trường hợp nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 5 năm để đủ 20 năm (đủ điều kiện thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu) thì được đóng BHXH tự nguyện tiếp cho đủ 20 năm.

Quy định này rất có lợi cho đông đảo đội ngũ lao động làm việc ở cấp xã biến động sau mỗi nhiệm kỳ đại hội Đảng hoặc HĐND. Khi ấy cán bộ trong định biên được sắp xếp ra ngoài định biên có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để cộng nối thời gian đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí sau này.

Qua 4 năm thực hiện chính sách này, toàn tỉnh đã có 5.687 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó đa số là cán bộ xã (phường, thị trấn) ngoài định biên được UBND tỉnh đóng BHXH tự nguyện từ nguồn ngân sách địa phương, còn người dân tham gia rất ít.

Qua phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn ít, cốt lõi có 2 nguyên nhân chính: Một là, người tham gia BHXH tự nguyện phải lo hoàn toàn chi phí đóng (mức đóng hiện nay là 20%/tổng thu nhập) nhưng chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Hai là, thu nhập bình quân của người lao động tự do, buôn bán nhỏ, thợ thủ công, nông dân... trong tỉnh ta còn thấp thì việc dành ra một khoản tiền đóng BHXH tự nguyện hàng tháng là rất khó khăn.

Mặt khác, tâm lý các đối tượng này chỉ lo trang trải những việc trước mắt hoặc tích lũy bằng hình thức ngắn hạn hơn, còn lương hưu thì phải đợi đến khi hết tuổi lao động mới được nhận nên nhiều người ngần ngại tham gia BHYT tự nguyện.

Để chính sách BHXH tự nguyện đi vào cuộc sống, đích thực là chính sách an sinh xã hội thì cần có sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong việc tăng cường tuyên truyền phổ biến, tư vấn, giải đáp về chính sách BHXH tự nguyện để người dân nông thôn, người lao động tự do có ý thức về việc tham gia BHXH tự nguyện như là một cách để tích lũy phòng khi rủi ro trong cuộc sống và khi hết tuổi lao động.

Ngoài ra, Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung Luật BHXH để người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng các chế độ ngắn hạn như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động. Bởi vì người tham gia BHXH tự nguyện là những người lao động tự do, nông dân, diêm dân “một nắng, hai sương”, hàng ngày phải lo trang trải cuộc sống gia đình và tích cóp từng đồng để đủ cho đóng phí BHXH tự nguyện, nếu rủi mai bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… không được hưởng trợ cấp thì sẽ rơi vào cảnh túng quẩn.

Vì lẽ đó, đề nghị Nhà nước cần tính toán lại nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người lao động “một nắng, hai sương” này.

NGUYỄN VĂN TÂM
 

.
.
.