Thứ Hai, 02/07/2012, 14:57 (GMT+7)
.

Cần giải quyết thấu đáo trường hợp buộc người lao động nghỉ việc

Vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần XD-SX và XNK Nhật Quang, tọa lạc tại lô B, Cụm công nghiệp Trung An, TP. Mỹ Tho. Theo đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Thúy Hằng thì ngày 21-12-2011, ông Vĩnh Cao, Giám đốc công ty đã ký quyết định đình chỉ công tác vô thời hạn đối với bà trái với quy định của pháp luật.

Bà Hằng phản ánh việc bị buộc thôi việc với PV Báo Ấp Bắc.
Bà Hằng phản ánh việc bị buộc thôi việc với PV Báo Ấp Bắc.

Qua xác minh đơn phản ánh của bà Hằng, cho thấy: Khi chưa có biên bản họp xét và đề nghị của Hội đồng kỷ luật, Giám đốc công ty đã ký quyết định đình chỉ công tác vô thời hạn đối với bà Hằng là chưa phù hợp.

Trao đổi vấn đề này với Công đoàn các Khu công nghiệp, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch cơ quan này xác nhận: “Quyết định của Giám đốc Vĩnh Cao đồng nghĩa với việc Công ty cổ phần Nhật Quang đơn phương cắt hợp đồng, buộc thôi việc bà Hằng là sai luật”.

Bà Hằng vào làm việc tại Công ty Nhật Quang từ năm 2006. Là Tổ trưởng chuyền may và Phó Chủ tịch Công đoàn của công ty nên bà Hằng thường có ý kiến bênh vực quyền lợi của công nhân về chế độ tiền lương, tiền thưởng, Bảo hiểm xã hội (BHXH), các chế độ nghỉ bệnh, thai sản, chất lượng bữa cơm trưa…

Vì vậy, đầu tháng 11-2011, đang làm Tổ trưởng chuyền may, bà Hằng bị điều chuyển qua làm Tổ trưởng tổ QC (tổ kiểm hàng). Bà Hằng bức xúc nói: “Trước đây, đã có một số trường hợp bị giám đốc điều chuyển công việc không phù hợp. Để rồi sau đó, người thì bị buộc thôi việc do mắc sai sót, không hoàn thành nhiệm vụ; người thì chán nản tự thôi việc (do làm việc không phù hợp với chuyên môn). Tôi được phân công quản lý 7 người, nhưng toàn là những người vừa làm vừa học việc, không một ai có tay nghề, kể cả tôi”.

“Do không được đào tạo, tập huấn về công tác QC nên mang tiếng là tổ kiểm hàng nhưng thực chất chủ yếu là đếm hàng. Tuy nhiên, khi phát hiện hàng may bị lỗi, may không đạt chất lượng, tôi có báo cáo cho Phòng Kế hoạch, Phòng Hành chánh, bộ phận sản xuất nhưng không được sự hỗ trợ. Vì vậy, khi lô hàng số 2471 bị lỗi, khách hàng yêu cầu công ty may lại, tôi liền bị Giám đốc Vĩnh Cao ra quyết định đình chỉ công tác vô thời hạn và buộc phải bồi thường thiệt hại cho công ty” - bà Hằng bức xúc.

Qua làm việc với Phó Giám đốc công ty Võ Hoàng Ba, ông không cung cấp được biên bản của Hội đồng kỷ luật về việc xét đề nghị hình thức kỷ luật đối với bà Hằng và những thiệt hại của công ty buộc bà Hằng phải bồi thường. Sau đó qua nhiều lần hứa hẹn, Công ty Nhật Quang vẫn chưa đưa ra được văn bản của Hội đồng kỷ luật họp xét đề nghị hình thức kỷ luật đối với bà Hằng.

Tiếp tục xác minh, chúng tôi thấy trong một văn bản họp xét về sự cố lô hàng 2471 của Công ty Nhật Quang vào ngày 20-12-2011, có ghi ý kiến của ông Vĩnh Cao: “Hàng hư đa số là do lỗi may. Lỗi nhiều nhất là may so le… Lỗi hàng không đạt chất lượng nghiêm trọng do các bộ phận sản xuất thiếu trách nhiệm”.

Thế nhưng, Hội đồng kỷ luật chưa họp xét thì Giám đốc công ty đã ký quyết định đình chỉ công tác vô thời hạn chỉ riêng một mình bà Hằng. Quyết định này không chỉ gây thiệt thòi cho bà Hằng mà còn buộc bà Hằng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty là thiếu công bằng và mang tính áp đặt.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là lô hàng túi xách do Công ty VIMO đặt may tổng số 13.200 túi. Thế nhưng qua kiểm tra, số hàng phải hủy là 5.542 túi, số hàng hư hỏng là 5.850 túi, tỷ lệ không đạt chất lượng chiếm trên 86%. Sau đó, công ty cho sản xuất tiếp số hàng còn thiếu là 5.700 túi nhưng qua kiểm tra, số hàng phải hủy là 1.709 túi, số hàng hư hỏng là 2.097 túi, tỷ lệ không đạt chất lượng gần 67%.

Thiệt hại của công ty ước tính gần 46 triệu đồng (chưa tính chi phí sản xuất bổ sung 1.709 túi phải hủy lần sau). Như vậy, thiệt hại chủ yếu do bộ phận sản xuất, còn bộ phận QC kiểm hàng thấy lỗi thì báo cáo nhưng không được công ty xử lý kịp thời, tiếp tục bị lỗi nên không thể quy trách nhiệm cho riêng bà Hằng.

Do bị đình chỉ công tác vô thời hạn nên các chế độ thôi việc, BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), một phần lương tháng 11 và lương tháng 12-2011 của bà Hằng chưa được công ty chi trả. Trong khi đó, trả lời bà Hằng về chế độ bảo hiểm, BHXH tỉnh xác nhận: “Công ty cổ phần Nhật Quang đã thu BHXH của bà Hằng từ tháng 9-2006 đến tháng 4-2012, nhưng công ty chỉ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho bà Hằng đến tháng 7-2009”.

Từ đơn phản ánh và thực tế, thiết nghĩ Công ty cổ phần XD-SX và XNK Nhật Quang cần giải quyết các chế độ chính sách cho bà Hằng trên tinh thần đúng luật, vì quyền lợi chính đáng của người lao động.

ANH ĐẬU

.
.
.