Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới
Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế, trong đời sống xã hội và gia đình.
Việc xây dựng hành lang pháp lý thống nhất, hoàn thiện có ý nghĩa rất lớn, bảo đảm được quyền lợi của nữ giới trong quá trình công tác, nâng cao ý thức trách nhiệm của các bên liên quan trong việc xóa khoảng cách về giới một cách hiệu quả. Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị là mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2011 - 2020.
Đây có thể xem là bước tiến mới trong việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành về vấn đề bình đẳng giới. Tuy nhiên, khi triển khai đã bộc lộ một số vướng mắc chưa có sự thống nhất ngay trong các văn bản luật.
Cần phải khẳng định rằng, vấn đề bình đẳng giới được các cấp, các ngành, các địa phương hết sức quan tâm. Trong đó, quyền của phụ nữ được thể hiện ở Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Bình đẳng giới...
Với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ đã góp phần nâng cao ý thức và hiệu quả của việc thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên là chưa thể hiện được vấn đề bình đẳng giới ngay trong các quy định của văn bản luật hoặc chưa thể hiện sự thống nhất giữa các văn bản luật đã ban hành quy định về vấn đề này.
Điều 145 của Bộ luật Lao động quy định: Người lao động được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi có điều kiện về tuổi đời và thời gian đã đóng bảo hiểm. Theo đó, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi... và đã đóng bảo hiểm xã hội được 20 năm trở lên.
Quy định này khi xây dựng luật, các nhà làm luật cho rằng, việc cho nữ được nghỉ hưu sớm 5 năm so với nam là sự ưu tiên, nhưng thực tế lại phát sinh nhiều hệ lụy từ quy định này, vì nhiều người được nghỉ hưu sớm 5 năm nhưng lại chưa đủ năm công tác để được tính lương hưu. Nếu quy định như trên sẽ rất thiệt thòi cho lao động nữ.
Thực tế hiện nay, có rất nhiều người là nữ giới có sức khỏe tốt, trình độ, tay nghề cao, mặc dù đã đủ 55 tuổi nhưng họ vẫn còn khả năng lao động, mong muốn được cống hiến cho xã hội, nên thực tế họ vẫn chưa muốn nghỉ hưu. Nếu quy định như trong luật thì vô hình trung làm chậm tiến trình bình đẳng giới. Vì vậy, để bảo đảm được quyền lợi của nữ giới, nên quy định theo hướng mở để nữ giới có cách lựa chọn phù hợp với điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh và khả năng của mình.
Vấn đề bình đẳng giới đã được quy định rất rõ tại khoản 2, điều 13 Luật Bình đẳng giới, đó là nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.
Tại Quyết định 2351/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020” cũng đã nêu rõ, đến năm 2020 về cơ bản bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Theo đó, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Đây được coi là chiến lược trọng tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành trong việc thúc đẩy xóa khoảng cách về giới. Để đạt được mục tiêu đó, rất cần sự thay đổi về nội dung, bảo đảm tính thống nhất trong một số văn bản luật, phù hợp với thực tiễn và mục tiêu Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới.
Hiện nay, việc bổ nhiệm cán bộ là nữ giới đang gặp phải một số bất cập và có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Việc bổ nhiệm cán bộ lần đầu vẫn đang áp dụng Quyết định 27/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo.
Theo đó, tuổi bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo lần đầu không quá 50 tuổi đối với nữ, đối với nam là 55 tuổi. Nữ giới hoàn toàn có khả năng chuyên môn, lãnh đạo nhưng chỉ vì đã “chạm” ngưỡng tuổi quy định mà không được bổ nhiệm làm cán bộ lãnh đạo. Trong khi với nam giới, ngưỡng đó vẫn rộng hơn 5 năm.
Thời gian 5 năm không phải là dài nhưng cũng đủ để cho nữ giới cống hiến và giải quyết rất nhiều vấn đề cho xã hội nếu được bổ nhiệm ở vị trí lãnh đạo. Thiết nghĩ, cần phải có sự điều chỉnh phù hợp, có sự thống nhất, sửa đổi kịp thời để tạo điều kiện cho nữ giới ngày càng có điều kiện tham gia công tác xã hội
nhiều hơn.
P.V