Chủ Nhật, 01/07/2012, 17:47 (GMT+7)
.

Câu chuyện của một gia đình nhà giáo - Hạnh phúc là sự cảm thông

Gia đình thầy Võ Khắc Biên và cô Trần Thị Loan nhiều năm liền được bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện Tân Phước. Thầy cô đã xây dựng hạnh phúc gia đình mình bằng niềm tin và trách nhiệm.

Hai vợ chồng đều là giáo viên của trường Tiểu học thị trấn Mỹ Phước (Tân Phước). Cô Loan quê ở Đông Hòa (Châu Thành), còn thầy thì ở Tân Bình Thạnh (Chợ Gạo).

Năm 1996, cô tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm và được phân công về Tân Phước. Duyên phận đẩy đưa, cả thầy cũng được điều về đây dạy chung trường. Hai năm sau, thầy cô cưới nhau”.

Kể từ đó, thầy Biên và cô Loan đã xem Tân Phước như quê hương thứ hai của mình, chăm chút xây dựng mái ấm bằng tình thương và trách nhiệm; gắn bó, tận tình dạy dỗ học sinh nơi đây, dù cuộc sống đã trải qua bao khó khăn, phải ở nhà tập thể của trường, mùa lũ nước ngập lênh đênh…

Thầy Biên tâm sự: “2 vợ chồng đã đổi chỗ ở 7 lần, dành dụm mua được nền nhà trong khu dân cư thị trấn Mỹ Phước cất một ngôi nhà nhỏ để ở”. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng gia đình thầy cô lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười với 2 cậu con trai rất ngoan ngoãn, đứa lớn năm nay vào lớp 6, đứa nhỏ vừa tròn 5 tuổi.

Cô Loan chia sẻ: “2 con cô mỗi đứa có tính nết khác nhau nên trong việc dạy con cũng cần có cách dạy dỗ khác nhau. Thầy cô không dùng đòn roi để dạy con mà dành thời gian gần gũi để giải thích cho con những điều hay lẽ phải, trong đó đặc biệt là dạy con phải kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô…”.

Thầy và cô đều là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh nhiều năm liền. Giờ cô đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, còn thầy đã có bằng đại học. Riêng cậu con trai lớn 5 năm liền là học sinh giỏi, nhiều năm liền đoạt giải “Viết đúng viết đẹp” các cấp.

Chia sẻ về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình, cô Loan cho biết: “Đôi khi thầy cô cũng giận nhau nhưng không bao giờ lớn tiếng với nhau. Sau cơn giận, cả 2 cùng ngồi lại ôn tồn giải thích, cùng rút kinh nghiệm, cảm thông cho nhau để giữ gìn hạnh phúc gia đình, chăm lo dạy dỗ con cái và học sinh tốt hơn. Đó là niềm hạnh phúc không gì bằng!”.        

P. MAI

.
.
.