Châu Thành: Lao động nữ tăng cao nhưng còn nhiều bất cập
Trên địa bàn huyện Châu Thành có 2 khu, cụm công nghiệp: Khu công nghiệp Tân Hương và Cụm công nghiệp Song Thuận, thu hút phần lớn người lao động của địa phương vào làm công nhân trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tại Cụm công nghiệp Song Thuận và các doanh nghiệp, nghiệp đoàn ngoài Nhà nước của huyện Châu Thành hiện có 35 đơn vị, với tổng số 4.794 công nhân và người lao động, trong đó có 4.437 nữ.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân lao động, hàng năm Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của huyện đã chỉ đạo các ngành là thành viên phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật ở các doanh nghiệp.
Trong năm 2011, huyện đã tổ chức kiểm tra 30 lượt doanh nghiệp trong việc thực hiện ký kết hợp đồng lao động, thực hiện chế độ nghỉ thai sản, ốm đau, tiền lương, tiền công, thu nhập… Qua đó đã kịp thời kiến nghị người sử dụng lao động khắc phục những sai sót, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ.
Nữ công nhân lao dộng đang là đối tượng quan tâm của việc bình đẳng giới. Ảnh: H.Nghị |
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thời gian qua vẫn còn rất khiêm tốn và có nhiều bất cập như: Việc bổ túc học vấn, nâng cao tay nghề trong nữ công nhân và người lao động chưa được quan tâm đúng mức. Các chính sách xã hội như: xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo ở các khu, cụm công nghiệp đến nay vẫn chưa thực hiện được và còn là mơ ước của nữ công nhân. Rất ít nữ công nhân được thụ hưởng chế độ nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe…
Thực tế cho thấy, quyền của lao động nữ trong đào tạo, tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động thường bị vi phạm dưới hình thức những quy định mang tính ngoại lệ như ưu tiên tuyển lao động nam. Ngay cả đối với doanh nghiệp cần tuyển lao động nữ thì việc tuyển dụng đối tượng này vẫn bị vi phạm, bởi họ chỉ tuyển dụng lao động nữ theo quy định riêng của doanh nghiệp như: chỉ tuyển lao động nữ đã có con hoặc phải cam kết sau 3 năm làm việc mới được sinh con.
Mặt khác, lao động nữ chỉ được các doanh nghiệp ở những ngành nông nghiệp, dệt may da giày, chế biến thủy sản… tuyển dụng và sử dụng nhiều. Đây là những nghề có thu nhập thấp, đòi hỏi đào tạo ít hoặc không phải qua đào tạo, lao động giản đơn, kém ổn định…
Theo quy định tại Điều 116 của Bộ luật Lao động: “Nơi có sử dụng lao động nữ phải có chỗ thay quần áo, buồng tắm và buồng vệ sinh nữ. Ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo”…
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như không có doanh nghiệp nào thực hiện, thậm chí điều kiện môi trường làm việc chậm cải thiện, chưa đạt chuẩn mực, chế độ nghỉ dưỡng sức hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tinh thần của công nhân nữ.
Để công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ ngày càng đi vào cuộc sống, trong thời gian tới huyện tập trung thực hiện việc rà soát, đánh giá về việc thực hiện chính sách lao động nữ để có giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Tích cực tuyên truyền và phổ biến pháp luật lao động cho cả người sử dụng lao động và lao động nữ để nâng cao nhận thức của lao động nữ về những quyền mà mình được hưởng, từ đó giúp họ có thể tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các doanh nghiệp không thực hiện pháp luật lao động nữ và phạt các đơn vị quảng cáo tuyển dụng có phân biệt giới; đồng thời khuyến khích, khen thưởng các doanh nghiệp, cơ quan thực hiện tốt để bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ.
Quan tâm các điều kiện đặc thù cho lao động nữ như: nhà vệ sinh, nhà tắm, buồng thay quần áo, phòng y tế tại các doanh nghiệp đông lao động nữ và đảm bảo thực hiện các quy định cho lao động nữ trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của tổ chức đại diện cho lao động nữ như Công đoàn, Ban nữ công.
ĐÌNH NGUYÊN