Thứ Hai, 09/07/2012, 13:39 (GMT+7)
.

Chuyện về má Sáu anh hùng

Trong đoàn đại biểu người có công tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang đi dự hội nghị biểu dương toàn quốc tại Đà Nẵng, tôi gặp Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh Nguyễn Thị Bích, người thường được gọi với cái tên thân mật là Má Sáu, quê ở ấp Thạnh Lạc Đông (Thạnh Nhựt, Gò Công Tây).

Ở cái tuổi 77, sức khỏe có suy giảm nhưng từ cái nhìn đầu tiên, tôi nhận thấy ở má Sáu là một người phụ nữ nghị lực kiên cường. Má Sáu là tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam với tinh thần anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Má Sáu và con trai trước cơ ngơi khang trang.
Má Sáu và con trai trước ngôi nhà khang trang.

ĐÓ LÀ BỔN PHẬN!

Bao nỗi gian truân, thăng trầm của đời người như in hằn trên gương mặt má Sáu. Một phụ nữ chân chất của xứ Gò đã vượt qua bao nghịch cảnh éo le để vươn lên làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ và cao cả hơn nữa là thực hiện trách nhiệm với Tổ quốc, quê hương.

Như những người phụ nữ Việt Nam trung hậu khác mang trong lòng nỗi hận nước, thù nhà, má Sáu tiễn chồng vào chiến khu rồi làm hậu phương vững chắc cho chồng cống hiến.

Lần lượt 6 đứa con trai chào đời trong sự tần tảo, chắt chiu của má. Má Sáu cười: “Hồi đó đâu có kế hoạch như bây giờ nên phụ nữ sinh đông con lắm. Đứa này trọng trọng lại sinh thêm đứa khác. Má vừa làm ruộng vừa nuôi con nhỏ cực lắm. Nhưng thương chồng con thì cái cực, cái khổ nào cũng vượt qua được”.

Kể đến đó, trên đôi má của người mẹ tảo tần long lanh giọt lệ. Má Sáu nói trong tiếng nghẹn: “Ba nó hy sinh khi má mang bầu thằng Út Lễ mới có 2 tháng. Tội nghiệp! Cha chưa biết mặt con. Chiến tranh mà!”.

Chồng hy sinh, hai người con đầu lòng của má lại nối bước cha ra chiến trường. Ba lần tiễn chồng và con ra đi thì đến 3 lần má nhận về tin sét đánh. Nỗi đau xé lòng nhưng vượt lên trên nỗi đau đó là nghị lực phi thường của người mẹ. Má Sáu đã vượt qua thương đau để vừa làm mẹ vừa làm cha tần tảo nuôi 5 người con trai còn lại lớn khôn thành người hữu ích.

Năm 1972, sau nỗi đau mất chồng mất con, má Sáu lại gánh chịu thêm một tai họa khủng khiếp. Quân ngụy tràn vào chiếm nhà cửa, đất đai để dựng đồn bót: “Chỉ trong một đêm mấy mẹ con trở thành người không nhà. Nhờ chòm xóm thương dựng cho căn nhà nhỏ cạnh đồn giặc để sinh sống. Nhờ vậy, má có điều kiện vừa làm giao liên vừa vận động cung cấp lương thực, thuốc men, vũ khí cho cách mạng. Bị địch bắt tù đày, tra tấn hết lần này đến lần khác nhưng khi ra khỏi tù là má lại đi làm việc cho cách mạng. Má coi đó là bổn phận của người dân với nước nhà”.

VUN VÉN YÊU THƯƠNG!

Bao nhiêu đau thương mất mát vì chiến tranh đã được đổi bằng niềm vui độc lập, thống nhất của ngày giải phóng. Người mẹ đất Thạnh Lạc Đông này tiếp tục chung tay góp sức xây dựng quê hương. Má Sáu hiến đất làm thủy lợi nội đồng, cải tạo ruộng, đi đầu trong phong trào canh tác lúa 2 vụ trong năm. Cần cù lao động sản xuất, má Sáu một mình nuôi đủ 5 con khôn lớn.

“Niềm vui lớn nhất của má giờ đây là được nhìn con cháu trưởng thành, chịu khó làm ăn, học tập. Con mồ côi cha nên để cho chúng khỏi tủi thân và đi đúng đường, người mẹ phải yêu thương con gấp đôi. Nhưng chỉ thương thôi thì chưa đủ mà phải biết cách dạy bảo, định hướng cho con. Những người mẹ đơn thân nuôi con như má thì trong đối xử với con vừa phải có sự cứng rắn của người cha và sự dịu dàng của mẹ.

Con làm sai má không nặng lời trách mắng mà một đứa làm không đúng thì má gọi hết 5 đứa lại để phân tích cho con thấy chuyện thiệt hơn. Có lẽ vì vậy mà cả 5 đứa con trai của má đều dễ dạy, biết yêu thương nhau.” - má Sáu chia sẻ kinh nghiệm dạy con.

Nay đã ngoài cái tuổi “cổ lai hy”, má Sáu vẫn còn tham gia trồng trọt, chăn nuôi vì “làm lụng quen rồi, còn sức khỏe bao nhiêu thì làm bao nhiêu”. Ngoài những ao cá, trong trại heo của má lúc nào cũng có mấy chục con heo thịt với vài con heo nái được má chăm chút.

Đóng góp nhiều cho đất nước là vậy nhưng má Sáu không hề đòi hỏi ở Đảng và Nhà nước quyền lợi gì. Ngay cả chế độ được cấp nhà tình nghĩa má cũng không nhận “vì còn người khác khó khăn hơn”.

Chia tay ra về, chúng tôi cứ nhớ mãi lời người mẹ xứ Gò đôn hậu: “Nhà nước còn nghèo và còn bao nhiêu thứ khác phải lo. Mà Đảng, Nhà nước đã chăm lo cho người có công tốt rồi đó chứ. Ngày xưa chồng, con của má và bản thân má tự nguyện tham gia cách mạng chỉ vì thù giặc. Đất nước giải phóng, mọi người được sống tự do là thỏa tấm lòng rồi. Chỉ mong nước mình mạnh, dân mình giàu thêm thôi”.

THỦY HÀ

.
.
.