Thứ Sáu, 13/07/2012, 16:52 (GMT+7)
.

Khi người làm công tác dân số tỏ rõ nhiệt thành...

Những năm qua, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) ở huyện Cai Lậy đạt nhiều kết quả khả quan, nhận thức của người dân về quy mô gia đình “ít con, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” được nâng lên đáng kể.

Kết quả đó có sự góp sức rất lớn của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số - là những người nắm vững địa bàn, thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, vận động thực hiện KHHGĐ.

Ông Đặng Văn Chín, cán bộ chuyên trách dân số xã Long Khánh.
Ông Đặng Văn Chín, cán bộ chuyên trách dân số xã Long Khánh.

* Đến nay, ông Đặng Văn Chín đã gắn bó với công tác dân số xã Long Khánh gần 18 năm. Năm 1994, ông tình nguyện nhận nhiệm vụ cán bộ chuyên trách dân số xã vì thấy công việc mang ý nghĩa thiết thực với mọi người.

Sống ở nông thôn, ông từng chứng kiến thực tế đáng buồn khi nhiều gia đình sống trong cảnh tay bồng tay bế nheo nhóc, dẫn đến nghèo túng, phát sinh mâu thuẫn và con cái không được học hành đến nơi đến chốn.

Thời gian đầu nhận công tác, ông gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của người dân nông thôn còn hạn chế, nhiều lần ông bị làm khó nhưng chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ thôi phụ trách công việc này.

Là cán bộ chuyên trách công tác dân số, ngoài việc xây dựng, củng cố đội ngũ cộng tác viên, ông còn thực hiện tốt việc tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ hiệu quả.

Nhiệt tình và có cách vận động thuyết phục, ông đã giúp nhiều gia đình thay đổi suy nghĩ về việc thực hiện KHHGĐ. Nhiều năm liền xã Long Khánh là đơn vị tiêu biểu trong thực hiện các chỉ tiêu giảm sinh, số người sinh con thứ ba giảm đáng kể.

Ông tâm sự: “Khi nhận nhiệm vụ cán bộ chuyên trách dân số, tôi không tránh khỏi e ngại, nhất là khi công việc đụng chạm đến nhiều chuyện “tế nhị” với người dân quê. Nhưng trở ngại ban đầu dần xóa bỏ khi tôi nghiệm ra rằng chỉ cần mình nhiệt tình với công việc, trao đổi thoải mái, cởi mở mà khéo léo thì việc vận động sẽ không khó”.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Loan (áo trắng - bên trái) đang tiếp xúc với thai phụ để tuyên truyền về lợi ích của quá trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Loan (áo trắng) tiếp xúc với thai phụ để tuyên truyền về lợi ích của quá trình sàng lọc trước sinh và sau sinh.

* Là một trong 487 cộng tác viên dân số  - “cầu nối” để người dân tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS/KHHGĐ, chị Nguyễn Thị Mỹ Loan, cộng tác viên dân số ở ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Hòa đã có 11 năm gắn bó với công việc.

Ngoài nắm vững địa bàn để theo dõi biến động dân số, những cộng tác viên như chị Loan phải quản lý các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ để tư vấn biện pháp tránh thai phù hợp; vận động thai phụ sàng lọc trước sinh và sau sinh; khám thai định kỳ và hướng dẫn các cặp vợ chồng trẻ cách phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em theo phương pháp khoa học…

Khối lượng công việc nhiều, trong khi mức thù lao thấp và không phải ai cũng hiểu ý nghĩa công việc chị đang làm nhưng chị Loan vẫn bền bỉ đến từng gia đình trong địa bàn phụ trách để tuyên truyền, vận động.

So với cách đây hơn chục năm, nhận thức của người dân nông thôn đã thay đổi đáng kể, tuy nhiên công việc của cộng tác viên dân số không vì vậy mà nhẹ nhàng hơn. Chị bộc bạch: “Hơn 10 năm công tác, niềm vui cũng nhiều mà nỗi buồn trong tôi cũng không ít, nhưng tôi vẫn luôn gắn bó vì hiểu ý nghĩa công việc của mình. Nếu mình phụ trách tốt địa bàn sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân số của cơ sở và địa phương. Xa hơn, sẽ giúp nhiều gia đình ổn định khi sinh ít con, họ có thời gian phát triển kinh tế, nuôi con khỏe, dạy con ngoan ”.

Hiện nay, 100% xã (thị trấn) ở huyện Cai Lậy đã xây dựng mạng lưới cán bộ chuyên trách và cộng tác viên đều khắp, khai thác thông tin phục vụ cho công tác dân số khá hiệu quả. Nắm chắc địa bàn, có uy tín trong cộng đồng nên cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số dễ dàng tiếp cận để tuyên truyền giúp xóa bỏ các quan niệm lạc hậu “trời sinh voi sinh cỏ”, “sinh con trai để nối dõi tông đường”...

Từ nỗ lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số, những năm qua công tác DS/KHHGĐ trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, trong năm 2011, tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ và áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 113% so với chỉ tiêu; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 9%; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm 0,71% so với năm 2010.

Ngoài vận động các chỉ tiêu giảm sinh, cộng tác viên dân số còn cung cấp đến người dân nông thôn, nhất là chị em phụ nữ kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh… để nâng cao chất lượng dân số.

THỤY LUYẾN - QUẾ NGÂN

.
.
.