Kinh nghiệm tạo việc làm cho lao động nữ ở huyện Cai Lậy
Huyện Cai Lậy là địa phương có nhiều cố gắng và đã đạt thành tích cao trong việc giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và việc làm. Kinh nghiệm huyện đúc kết là tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo nhiều việc làm mới cho người lao động, chủ động giải quyết việc làm cho lao động nữ.
Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện đã mở rộng đầu tư ở các khu vực thuận lợi về giao thông như: Nhị Mỹ, Thanh Hòa, Bình Phú, Long Khánh, Cẩm Sơn… tạo ra gần 3.000 việc làm mới, trong đó có gần 2.000 lao động nữ (chiếm gần 70%).
Ngoài ra, trong những năm qua, các cơ quan, ban, ngành và đoàn thể có liên quan đã tư vấn việc làm và tư vấn nghề cho hàng ngàn người, trong đó nữ chiếm khoảng 65%. Riêng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động của phụ nữ nông thôn đã liên tục tăng trong nhiều năm qua, hiện đạt 83% và tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ ở khu vực thành thị đã giảm xuống còn 4,2% (cuối năm 2011).
Mô hình xe căm tại gia đình giải quyết việc làm cho lao động nữ xã Nhị Mỹ. Ảnh: P. Mai |
Mặt khác, do cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển, các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển theo, nhất là sân bãi phơi sấy lúa ở 13 xã khu vực phía bắc của huyện đã giải quyết việc làm cho rất nhiều chị em phụ nữ ở vùng nông thôn.
Một số làng nghề cũng được phục hồi, mở rộng, tạo ra việc làm khá nhiều cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ. Toàn huyện hiện có 16 tổ hợp may tiểu thủ công nghiệp, tập hợp lao động chủ yếu là nữ may tại nhà, giải quyết việc làm trong thời gian nông nhàn.
Tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được vay vốn từ Chương trình Xóa đói giảm nghèo là 100% (chuẩn cũ) và còn mở ra các hộ cận nghèo vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngoài ra, hàng năm còn có các nguồn vốn khác của các hội, đoàn thể, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế đã giúp trên 4.000 lượt hộ nghèo vay vốn ưu đãi gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất thông qua các trường nghề, góp phần thu hẹp sự cách biệt về giới trên lĩnh vực lao động và việc làm.
Hướng tới, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của huyện tập trung thực hiện các giải pháp: Phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan có chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp cho người lao động phù hợp với chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện.
Tăng cường công tác đào tạo nghề, khuyến khích các cơ sở dạy nghề thực hiện theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Bảo đảm các điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các nguồn lực kinh tế (như các nguồn vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách), bình đẳng về cơ hội tham gia sản xuất, kinh doanh.
Kết hợp với các ngành có liên quan thực hiện có hiệu quả Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao năng suất lao động.
NGUYÊN CHÂU