Mãi mãi tri ân & hành động thiết thực
Tháng 6-1947, Bác Hồ chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Ngày 27-7-1947, Người gửi bức thư đến Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc. Từ đó, ngày 27-7 đã trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” hàng năm.
Bác Hồ viếng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội (năm 1955). Ảnh: govap.hochiminhcity.gov.vn |
Trong bản Di chúc viết vào tháng 5-1968, Bác lại nhắc nhở: “Đối với các liệt sĩ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền và địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng HTX nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Và còn biết bao lời dạy ân cần của Người về thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” để tỏ lòng tri ân mãi mãi anh hùng, liệt sĩ hy sinh, thương binh, bệnh binh, những người có công với nước.
Trải qua 65 năm, thực hiện lời dạy của Người, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có biết bao việc làm, nghĩa cử cụ thể, thiết thực với nhiều hình thức phong phú, sinh động… tô thắm cho đạo lý, truyền thống tốt đẹp và giáo dục các thế hệ nối tiếp ghi tạc công lao to lớn, sống và hành động xứng đáng vì tiền đồ tươi sáng của đất nước.
Ngày 27-7 năm nay kỷ niệm năm tròn Ngày Thương binh - Liệt sĩ trong tình cảm thiêng thiêng và sâu lắng, càng thúc bách mỗi người thắp nén hương tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ và sẵn sàng làm công việc thiết thực chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công.
Không chỉ làm tốt việc thực hiện chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, toàn xã hội còn dành cho thương binh, liệt sĩ, gia đình có công tình cảm chân thành và việc làm thiết thực từ ngày thường đến ngày hội, ngày tết. Đó là đạo lý, là nét đẹp văn hóa truyền thống không chỉ cho hôm nay mà còn mãi mãi là động lực cho mai sau.
Không phụ lòng mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, biết bao thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với nước phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, phấn đấu khắc phục khó khăn, vươn lên và gương mẫu trong cuộc sống, xứng đáng là những điển hình, nhân tố mới trong thời kỳ mới.
Điều đáng quý, đáng trân trọng là những tấm gương sáng ngời của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức cao cả, góp phần hình thành giá trị đạo đức trong xã hội phát triển làm nền tảng trong các phong trào hành động cách mạng trong nhân dân, ngăn ngừa và đẩy lùi biểu hiện, hành vi trái với đạo đức, truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng dân cư, trong xã hội.
Mãi mãi tri ân, tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách tốt hơn đối với thương binh, liệt sĩ, gia đình có công. Đó là đạo lý, là mệnh lệnh của trái tim, thể hiện bằng hành động thiết thực của mỗi chúng ta trong mỗi ngày. Tháng 7, nhắc nhở chúng ta điều đó.
NGƯỜI SÔNG TIỀN