Những chuyển biến và hạn chế về xây dựng đội ngũ cán bộ nữ
Việc ban hành Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”; Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” và các chính sách, pháp luật khác của Nhà nước đã tác động tích cực đến sự tham gia của phụ nữ vào tổ chức Đảng, các cơ quan dân cử, cơ quan Nhà nước ở địa phương.
Qua triển khai thực hiện đã được kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới đã được các cấp, các ngành quan tâm, từng bước giảm dần tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ đảng viên không ngừng tăng lên về số lượng; tỷ lệ nữ tham gia trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội ngày càng nhiều.
Kết quả thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới đã tác động rất lớn đến cách nghĩ của đại bộ phận chị em từ thành thị đến nông thôn. Số phụ nữ đạt học vị cao trong lĩnh vực khoa học, giáo dục - đào tạo và số phụ nữ đạt các danh hiệu thi đua ngày càng tăng.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều phụ nữ đã giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và trong các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh. Vai trò đóng góp của lực lượng nữ tham gia vào các hoạt động trong các lĩnh vực đời sống xã hội ngày càng mạnh mẽ.
Số lượng nữ tham gia Ban Chấp hành chi, đảng bộ các cấp là 801/4.885, chiếm tỷ lệ 16,4%. Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng có nâng lên, nhưng so với chỉ tiêu ở từng cấp qua từng nhiệm kỳ vẫn chưa đạt. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2011 - 2016 đạt 12,5% (so với nhiệm kỳ 2004 - 2011 giảm 9,72%). Tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện và xã nhiệm kỳ 2011 - 2016 đều tăng so với nhiệm kỳ trước, riêng cấp tỉnh giảm 0,51% so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ lãnh đạo ở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội toàn tỉnh chiếm 24,87% (trong đó cấp tỉnh là 30,93%, cấp huyện là 18,82%). Ngoài ra, trong năm 2011 đã có 619/1.905 nữ được kết nạp vào Đảng, chiếm tỷ lệ 32,5%; đối với khu vực quản lý hành chính Nhà nước có 33/71 nữ được tuyển dụng, chiếm tỷ lệ 46,5%; khu vực sự nghiệp có 144/192 nữ được xét tuyển, chiếm tỷ lệ 75%... |
Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia công tác trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội trên phạm vi toàn tỉnh cũng còn khiêm tốn. Nguyên nhân chính vẫn là do công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ trong thời gian qua còn nhiều nơi làm chưa tốt, có cơ quan, đơn vị bị hụt hẫng, không có nguồn cán bộ kế thừa để thay thế, nhất là những ngành có nhiều cán bộ nữ.
Mặt khác, nhận thức và đánh giá của một số cấp ủy, chính quyền... về vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ, công chức nữ chưa đầy đủ, vẫn còn biểu hiện xem nhẹ phụ nữ; hiện tượng thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa chị em phụ nữ còn khá phổ biến; bản thân một số cán bộ nữ còn ràng buộc gia đình, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên nên đã hạn chế việc đưa cán bộ nữ vào vị trí lãnh đạo các ngành, các cấp.
Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020: “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp trong tỉnh cần nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong tình hình mới.
Trong đó tập trung quán triệt các quan điểm, mục tiêu để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ trong cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là đối với người đứng đầu, để phụ nữ có nhiều cơ hội học tập, phấn đấu và giữ những vị trí quan trọng, có cơ hội đóng góp nhiều cho sự bình đẳng giới.
Muốn vậy, các cấp, các ngành cần chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức giới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ hoạch định chính sách, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện tốt việc tạo nguồn cán bộ nữ, đảm bảo tỷ lệ nữ được tuyển dụng vào cơ quan, ban, ngành theo quy định. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng các tài năng nữ, có kế hoạch phân công công tác để có điều kiện rèn luyện, phấn đấu trưởng thành.
Tăng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu về chuẩn hóa. Song song đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung và thực hiện tốt các chính sách nhằm phát triển đội ngũ cán bộ nữ.
CHÂU HẢO