Cai Lậy: Điển hình phật tử thực hiện nếp sống văn minh
Khoảng 20 năm trước, Cai Lậy là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức tập hợp phật tử tham gia mô hình “Đạo tràng bát quan trai”. Cứ mỗi tháng, 1 đến 2 lần các phật tử tề tựu về chùa nghe giảng đạo. Ngoài việc giảng giải về Phật pháp, các sư còn trang bị cho phật tử các kiến thức về Phật pháp ứng dụng.
Qua đó chia sẻ về cách hành xử phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc như: Đức tính hiếu thảo, kính trên nhường dưới, yêu thương giúp đỡ người hoạn nạn, tránh xa những thói hư tật xấu, đấu tranh loại trừ cái xấu… Từ những đạo tràng đầu tiên, đến nay toàn huyện có 27 đạo tràng với hàng ngàn phật tử tham gia học tập, sinh hoạt.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Xóa đói giảm nghèo” do Ủy ban MTTQ phát động phù hợp với truyền thống của dân tộc và giáo lý của đức Phật. Do đó, các tiêu chí của 2 phong trào này đã được các giảng sư của huyện, tỉnh lồng ghép phổ biến trong các chủ đề ngoại khóa, nhằm cung cấp cho phật tử những kiến thức xã hội như: Cách phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, bài trừ mê tín dị đoan; bảo vệ môi trường sống trong lành; giúp đỡ người nghèo khó…
Khi trở về cộng đồng, phật tử của các đạo tràng làm nòng cốt vận động người thân và xóm giềng thực hiện 2 phong trào lớn này.
Ban đại diện Phật giáo huyện Cai Lậy phát quà cho người nghèo. |
Khắp các xã, thị trấn trong huyện, tinh thần làm lành lánh dữ, xây dựng gia đình no ấm, cưu mang cứu giúp người cơ nhỡ… đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.
Trong nhiệm kỳ qua, đồng bào phật tử huyện Cai Lậy đã vận động và đóng góp trên 13 tỷ đồng thực hiện các hoạt động nhân đạo tại địa phương. Cụ thể: Đã xây dựng 91 căn nhà tình thương, 1 nhà tình nghĩa; tặng học bổng và dụng cụ học tập cho trên 2.000 lượt học sinh nghèo; xây dựng nhiều cầu, đường giao thông nông thôn; phẫu thuật sáng mắt, tặng xe lăn, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người nghèo…
Song song với việc giúp đỡ cộng đồng, phong trào tương thân tương ái trong nội bộ các đạo tràng ngày một lớn mạnh. Cụ thể, ở đạo tràng chùa Từ Ân (xã Tam Bình), chùa Long Hòa (xã Long Trung)…, các phật tử không chỉ giúp đỡ vật chất cho những gia đình khó khăn, mà còn chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm nuôi dạy con cháu tốt… cho nhân dân.
Hòa thượng Thích Nguyên Tấn, Trưởng ban Đại diện Phật giáo huyện cho rằng: “Hiện nay hoạt động của các đạo tràng trong huyện đã ổn định và đi vào nền nếp.
Để phát huy hiệu quả giáo dục, Ban đại diện Phật giáo huyện luôn chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt của các đạo tràng, đặc biệt hướng phật tử đến với nếp sống văn minh, góp phần xây dựng cuộc sống của người dân được tốt đẹp hơn, là tâm nguyện của người theo đạo Phật”.
H. NGA