Gò Công Tây: Chung sức xây dựng nông thôn mới
Đến nay, UBND huyện Gò Công Tây đã phê duyệt đồ án xây dựng nông thôn mới (NTM) của 4/6 xã gồm: Bình Nhì, Long Bình, Thạnh Trị, Vĩnh Hựu. Hai xã Thạnh Nhựt và Bình Tân tiếp tục tư vấn bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ. Đối với 6 xã còn lại là: Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Thành Công, Bình Phú, Yên Luông và Long Vĩnh, Ban Chỉ đạo chọn tư vấn là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh thực hiện.
Để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, các ngành chức năng huyện đã triển khai thực hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Đáng chú ý là những mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang trồng màu hay mô hình luân canh 2 vụ lúa - 1 vụ rau màu.
Diện tích màu dưới chân ruộng đạt hiệu quả cao, đến nay đã tăng gần 3.000 ha, trong 6 tháng đầu năm đã đạt 89% kế hoạch gieo trồng. Toàn huyện hiện có 4 HTX, 32 tổ hợp tác cấp nước, 1 tổ hợp tác trồng ca cao, 2 tổ hợp tác thủy sản, 3 tổ hợp tác lúa giống hoạt động có hiệu quả.
Nông dân sử dụng Internet miễn phí. |
Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức đào tạo nghề điện dân dụng cho 70 lao động nông thôn. Bên cạnh đó, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và các ngành, đoàn thể huyện tổ chức tư vấn, dạy nghề lao động nông thôn thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, mở các lớp dạy cách chăn nuôi, trồng trọt, cài đặt máy vi tính cho nông dân các xã trên địa bàn huyện.
Qua các lớp đào tạo, nông dân đã áp dụng kiến thức vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế; đồng thời lựa chọn, tìm được việc làm mới phù hợp với năng lực bản thân. Tỷ lệ hộ nghèo trong huyện còn 9,01%. Huyện đang thực hiện phương án thoát nghèo cho 688 hộ trong năm 2012.
Công tác xây dựng hạ tầng thiết yếu được tiếp tục đầu tư. Huyện đang thi công nâng cấp 28 công trình giao thông với tổng kinh phí 16 tỷ đồng; trong đó vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 2,3 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 9 tỷ đồng. Đã có 9 công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, từ các nguồn vốn, huyện đã thi công và đưa vào sử dụng 38/40 công trình thủy lợi nội đồng, với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Một số công trình phục vụ giáo dục, y tế, văn hóa đang được thực hiện như xây dựng trường mẫu giáo Bình Nhì với kinh phí 7 tỷ đồng; trạm y tế Bình Nhì hơn 4 tỷ đồng, 10 trụ sở ấp văn hóa hơn 1 tỷ đồng.
Nhân dân trong huyện đã tự vận động, đóng góp xây dựng nhiều công trình về giao thông, thủy lợi có ý nghĩa to lớn, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Ước tính tổng vốn đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi, điện, y tế những tháng đầu năm khoảng 39,3 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng NTM 2,3 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ban chỉ đạo huyện, đến thời điểm này, so với 19 tiêu chí NTM, huyện Gò Công Tây có 1 xã đạt từ 10 – 12 tiêu chí là Bình Nhì; đạt từ 5 - 9 tiêu chí gồm: Bình Phú, Long Vĩnh, Long Bình, Yên Luông, Thành Công, Thạnh Trị, Vĩnh Hựu, Thạnh Nhựt; dưới 5 tiêu chí có 3 xã: Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Bình Tân.
Đường giao thông xã Vĩnh Hựu. |
Để đảm bảo tiến độ xây dựng NTM theo kế hoạch năm 2012, huyện Gò Công Tây sẽ kiện toàn và phân công các thành viên Ban Chỉ đạo huyện phụ trách xã để theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các xã trong lĩnh vực xây dựng NTM.
Các xã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng NTM. Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc công bố và triển khai thực hiện đề án xây dựng NTM ở các xã. Thẩm định đồ án quy hoạch chung xã NTM trình UBND huyện phê duyệt, giải ngân kinh phí cho các đơn vị tư vấn.
Tiếp tục duy trì mô hình trồng lúa sinh thái ở HTX Bình Tây (xã Thạnh Nhựt), mở rộng thêm 10 ha ở xã Bình Nhì và tiếp tục nhân rộng ở xã Thạnh Trị.
Tổ chức dạy nghề phi nông nghiệp cho 150 học viên và 4 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 120 học viên; hướng dẫn nông dân thực hiện cơ cấu giống cây trồng phù hợp lịch thời vụ, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất và mô hình kinh tế hợp tác ở các xã.
KIỀU TƯỚC NGUYÊN