Mái ấm Kim Phước: Nơi bảo bọc những mảnh đời bất hạnh
Cách đây 5 năm, mái ấm Kim Phước của chùa Kim Phước (ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức) được thành lập. Bằng tấm lòng từ bi, mái ấm là nơi nương tựa của những mãnh đời bất hạnh. Bây giờ mái ấm Kim Phước được chia làm 3 khu: Khu dưỡng lão nam; khu dưỡng lão nữ và khu dành cho nuôi dưỡng trẻ em.
Theo thầy Thích Bổn Chánh, Phó Trưởng Ban tổ chức Mái ấm Kim Phước, mái ấm hiện đang nuôi dưỡng 65 người già, người tàn tật không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi. Có nhiều người vào mái ấm với tình trạng bệnh tật nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân phải có người chăm sóc.
Các thành viên trong mái ấm mỗi người có riêng một giường, mỗi ngày được ăn 3 bữa. Những người bị đau ốm thì được nhà chùa đưa đi bệnh viện điều trị, các thầy trong chùa trực tiếp đi nuôi. Thầy Thích Bổn Chánh cho biết: “Chi phí ăn uống cho các thành viên trong mái ấm không lo lắm, vì có các phật tử hỗ trợ. Nhà chùa lo nhất là chi phí để chăm sóc sức khỏe cho các cụ già”.
Những người già neo đơn đang được mái ấm Kim Phước nuôi dưỡng. |
Bà Phạm Thị Tâm (75 tuổi, ở Cà Mau) bùi ngùi kể: “Bà không có người thân, lang thang kiếm sống khắp nơi hơn 8 năm và vào mái ấm ở được hơn 1 năm. Ở đây rất vui, mọi người đều có hoàn cảnh giống nhau nên dễ thông cảm và chia sẻ với nhau. Quý thầy và phật tử trong chùa quan tâm, chăm sóc rất chu đáo nên bà an tâm ở đến cuối đời, có chết thì nhờ nhà chùa lo hậu sự”.
Khi đến thăm khu nuôi dưỡng, chăm sóc 13 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi tại mái ấm Kim Phước, nhìn thấy các cháu bụ bẫm, đôi mắt tròn xoe và rất ngoan mà càng cảm phục tấm lòng đời - đạo ở đây. Mỗi trẻ được đón về đây đều có hoàn cảnh khác nhau.
Thầy Thích Bổn Chánh bồi hồi nhớ lại: “Cháu Minh Phúc vừa chào đời được 3 giờ ở Bệnh viện Tháp Mười (Đồng Tháp) thì bị mẹ bỏ rơi. Một cô y tá là phật tử của chùa gọi điện báo cho thầy về trường hợp đứa bé bất hạnh. Lập tức thầy cùng đệ tử đến bệnh viện đón bé về, đặt tên là Nguyễn Minh Phúc (lấy họ của thầy Bổn Chánh). Đó là bé sơ sinh đầu tiên mà thầy đón về mái ấm nuôi dưỡng.
Một lần Minh Phúc bệnh, thầy đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa Cái Bè để điều trị. Khi vào đây, cơ duyên lại khiến thầy gặp bé Huỳnh Hữu Nhân (cháu Nhân lấy họ Huỳnh của thầy trụ trì chùa). Mẹ của Hữu Nhân mới 16 tuổi, quê ở An Giang, bị kẻ xấu hãm hiếp mang thai nên phải bỏ quê đến Tiền Giang làm mướn chờ ngày sinh nở.
Do mẹ không có sữa nên Hữu Nhân dù đã 3 ngày tuổi vẫn chưa được bú sữa mẹ. Người mẹ đơn thân sinh con cũng không có tiền để mua sữa bột cho con bú. Lúc ấy bé Hữu Nhân lại bị nhiễm trùng huyết nặng, nên mẹ bé ngỏ lời ký thác thầy Bổn Chánh.
Bệnh tình bé Hữu Nhân ngày một trầm trọng hơn, người mẹ trốn viện trong đêm, bỏ lại đứa con hấp hối ở bệnh viện. Không đành lòng bỏ bé bơ vơ trong cơn thập tử nhất sinh, thầy dang tay đón nhận. Bác sĩ bảo bệnh tình của Hữu Nhân rất nguy kịch, khó qua khỏi. “Còn nước còn tát”, thầy xin chuyển bé xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh, rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng I (TP. Hồ Chí Minh).
Cuộc hành trình giành lại sự sống cho Hữu Nhân ở các bệnh viện kéo dài ngót 3 tháng, với 4 lần thay máu cho bé. Bây giờ Hữu Nhân đã được hơn 18 tháng tuổi, bụ bẫm và rất ngoan.
Thầy Thích Bổn Chánh cho biết: “Chùa nhận nuôi dưỡng với niềm hy vọng các bé sẽ được đoàn tụ với gia đình. Nếu cha, mẹ các cháu có ý định nhận lại con, chùa sẵn sàng giao trả. Còn những trẻ khác ở độ tuổi đi học thì chùa đều tạo điều kiện cho các em đến trường. Mong sao tất cả trẻ em ở mái ấm sẽ có được một tương lai tươi sáng”.
Qua 5 năm hành thiện, thầy Thích Bổn Chánh nhớ lại: “Chứng kiến nhiều hoàn cảnh già yếu, bệnh tật không nơi nương tựa, Đại đức Thích Nhuận Tâm canh cánh bên lòng vì không biết làm sao để giúp đỡ họ. Khi chia sẻ tâm tư ấy, Đại đức được chủ doanh nghiệp tư nhân Nam Mỹ hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng mái ấm. Vậy là mái ấm Kim Phước ra đời, nằm trong khuôn viên chùa”.
Tiếng lành đồn xa, số người đến mái ấm xin nương nhờ tăng lên, trong khi cơ sở nhỏ hẹp. Nhiều phật tử trong và ngoài tỉnh tiếp tục chung tay đóng góp để mở rộng mái ấm. Đầu năm 2010, một dãy phòng mới khang trang được khởi công xây dựng và đến nay, nhà chùa đang dần hoàn thiện đầu tư các vật dụng phục vụ sinh hoạt cá nhân và hoàn thành các hạng mục còn lại, tổng chi phí khoảng 500 triệu đồng.
Hiện mái ấm Kim Phước đã được UBND huyện Cai Lậy công nhận là cơ sở bảo trợ xã hội. Đó là kết quả mà công đức của phật tử xa gần vun bồi cho chốn cửa thiền có một mái ấm ngày càng ấm áp hơn cho đời, cho đạo thêm thanh cao.
PHƯƠNG NGHI