Chủ động phòng tránh bão theo phương châm "4 tại chỗ"
Năm 2012, huyện Tân Phú Đông triển khai công tác phòng, chống lụt bão theo hướng “tự chủ” hoàn toàn, đó là phòng tránh bão tại địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”.
TRÚ BÃO TẠI NHÀ, TIỆN ĐÔI ĐƯỜNG
Tân Phú Đông và Gò Công Đông là 2 huyện được hỗ trợ xây nhà trú bão (Nhà vệ sinh kết hợp với trú bão). Riêng Tân Phú Đông đã triển khai xây 300 căn cho các hộ nghèo, diện chính sách và đưa vào sử dụng trong mùa mưa bão năm 2011. Bởi giờ đây, họ đã bớt đi nỗi lo mỗi khi bão đến.
Anh Đặng Văn Tịnh, ấp Lý Quàn 2, xã Phú Đông cho biết, nhà có nhà trú bão nên trước cơn bão số 1 vào đầu năm 2012 vừa qua, mọi người xung quanh đều chở nhau đi trú bão, riêng gia đình anh vẫn ở lại nhà.
“Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng vật dụng cần thiết, khi có bão sẽ vào nhà trú bão ngay. Nhà nghèo, nhà ở còn chưa cất nỗi nói chi đến xây được nhà vệ sinh kết hợp với trú bão kiên cố như thế. Được Nhà nước hỗ trợ 7,8 triệu đồng xây nhà kiên cố để trú bão, chúng tôi mừng lắm. Từ nay, cả nhà không còn nơm nớp tìm nơi trú mỗi khi nghe tin báo bão” - anh Tịnh bày tỏ.
Anh Nguyễn Văn Thanh, chị Nguyễn Thị Hai, xã Phú Tân rất vui mừng khi được hỗ trợ xây nhà trú bão kết hợp nhà vệ sinh tiện dụng cả đôi đường. |
Ở Phú Tân, xã “tiền tiêu” của huyện cù lao, dân cư thưa thớt, nhiều căn nhà tạm bợ, xụp xệ. Nỗi lo về bão, triều cường luôn đe dọa thường trực đối với những hộ dân nơi đây. Giờ đây, nhiều hộ dân sống trong những căn nhà như thế này đã an tâm phần nào khi đã có nhà để trú mỗi khi bão.
Anh Nguyễn Văn Thanh, ấp Pháo Đài vui mừng: “Nhà xây kiên cố lắm nên rất an tâm khi bão đến. Mấy năm trước, mỗi khi có tin báo bão vào khu vực Nam bộ, cả nhà nhốn nháo chuẩn bị tìm nơi đi trú. Nhà nào có con nhỏ phải lo đi mấy ngày trước. Bây giờ, có nơi trú ngay tại nhà không phải lo sơ tán bỏ nhà bỏ cửa, không mừng sao được”.
Chị Nguyễn Thị Hai, ấp Phú Hữu, xã Phú Tân cũng bày tỏ niềm vui khi được hỗ trợ xây căn nhà trú bão tại nhà: “Giờ thì mẹ con tôi không còn đùm túm nhau về nhà ngoại ở tận Cái Bè để lánh bão nữa rồi. Được Nhà nước hỗ trợ, gia đình tôi vừa có nơi trú bão vừa có nơi tắm giặt sạch sẽ lại kiên cố, tiện đôi đường”.
Ông Lưu Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết năm 2011 toàn xã đã được tỉnh hỗ trợ xây 110 căn nhà trú bão cho các gia đình nghèo, hộ chính sách. Những căn nhà này đã giúp những hộ nhà tạm bợ có thể trú bão tại chỗ, giảm áp lực cho các điểm trú bão tập trung và rất phù hợp với chủ trương “4 tại chỗ”.
Tuy nhiên, theo ông hiện nay xã còn khoảng 250 hộ đang sống trong các nhà tạm bợ, không an toàn, khi bão đến rất nguy hiểm. “Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ cho các hộ dân không có nhà kiên cố xây nhà vệ sinh kết hợp với trú bão, giúp giảm bớt khó khăn khi sơ tán cho hộ dân và giảm thiệt hại thấp nhất khi bão xảy ra” - ông Hải đề nghị.
Cùng với Phú Tân, Phú Đông cũng được hỗ trợ 110 căn, Tân Thạnh 80 căn nhà trú bão và tất cả đã hoàn thành trong năm 2011. Trong năm 2012, huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ xây thêm 300 căn nhà trú bão tại các khu vực này.
TIẾN ĐẾN “TỰ CHỦ” TRONG PHÒNG TRÁNH BÃO
Tân Phú Đông đang bước vào cao điểm mùa mưa bão. Là huyện cù lao, giao thông cách trở, địa bàn bị chia cắt, lại tiếp giáp với biển, công tác phòng, chống lụt bão gắn liền phương châm “4 tại chỗ” được lãnh đạo huyện rất quan tâm.
Khác với những năm trước (một trong những phương án phòng, chống lụt bão của huyện là sơ tán dân sang các huyện đất liền), năm nay huyện chủ trương xây dựng các phương án phòng, chống lụt bão gắn liền với phương châm “4 tại chỗ” theo hướng chủ động hoàn toàn phòng tránh bão tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện cho biết, qua 4 năm từ khi thành lập huyện, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, cơ sở hạ tầng của huyện từng bước được nâng lên. Đây là cơ sở để nâng cao năng lực ứng phó, phòng tránh bão theo phương châm “4 tại chỗ”.
Hiện nay, tỉnh lộ 877B đã được trải nhựa suốt tuyến, tuyến nối tỉnh lộ với các bến phà cũng được đầu tư. Đặc biệt, tuyến nối tỉnh lộ 877B ra đến tận sông Cửa Đại thuộc địa bàn ấp Cồn Cống được trải nhựa giúp cho người dân thuận tiện đi lại và đi sơ tán khi có bão. Bên cạnh đó, các trường học, công sở được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kiên cố theo tiêu chuẩn đảm bảo phục vụ cho người dân đến trú khi có bão. Các điểm trường còn lại tiếp tục được đầu tư, nâng cấp.
Ông Hải cũng cho biết, triển khai công tác phòng, chống lụt bão năm nay, lãnh đạo huyện chỉ đạo xây dựng các phương án “tự chủ” phòng tránh bão ngay trên địa bàn huyện theo phương châm “4 tại chỗ”. Hiện các phương án này đang đưa ra lấy ý kiến các cơ sở, cơ quan chức năng.
Theo đó, hướng của huyện là khi có bão sẽ tiến hành sơ tán bước một cho những người dân ở ngoài đê, ven sông, ven biển vào nơi an toàn phía trong; sơ tán những hộ ở nhà siêu vẹo đến các nhà dân được xây kiên cố, đến các công trình công cộng kiên cố tại địa bàn.
Tiếp theo, nếu những nơi trú bão này không an toàn, huyện sẽ tiến hành sơ tán dân dồn dần về các xã phía Tây như Phú Thạnh, Tân Phú, Tân Thới. “Khi các phương án trên vẫn không đảm bảo an toàn cho người dân, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai huyện sẽ đề nghị tỉnh tăng cường hỗ trợ, tính đến việc sơ tán dân ra khỏi huyện” - ông Hải nói
NGÔ VĂN