Phòng CTYHCT chùa Hưng Phước: Giúp an lòng chữa bệnh chốn cửa thiền
Phòng Chẩn trị y học cổ truyền (CTYHCT) từ thiện của chùa Hưng Phước ra đời cùng với sự hình thành của chùa Hưng Phước từ những năm 40 của thế kỷ trước, nhưng do chiến tranh và những biến động xã hội nên việc khám, điều trị bệnh bị gián đoạn hoặc chỉ hoạt động cầm chừng trong một thời gian khá dài.
Đến năm 2005, thầy Sáu Lễ (lương y Võ Văn Quang) được Trung ương Giáo hội Tịnh độ cư sĩ Việt Nam bổ nhiệm làm Trưởng ban Y tế Hội quán, từ đó Phòng CTYHCT được củng cố, phát triển mạnh và hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực vào việc khám, điều trị bệnh cho nhân dân, nhất là người nghèo.
Ông Trương Công Phò cắt băng khánh thành phòng khám. |
Hiện nay, Phòng CTYHCT chùa Hưng Phước hoạt động liên tục mỗi tuần 6 ngày, buổi sáng từ 6 giờ 30 phút cho đến khi hết bệnh nhân (trừ những ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, của Giáo hội và 2 ngày mùng 1, rằm hàng tháng).
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, Phòng CTYHCT chùa Hưng Phước đã khám và điều trị cho 11.286 lượt bệnh nhân, bình quân mỗi ngày phục vụ 50 đến 70 bệnh nhân, cá biệt có ngày lên đến 90 người và có không ít bệnh nhân đến từ các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh như: Bình Phước, Sóc Trăng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh…
Hầu bết bệnh nhân đến đây đều mang trong người những chứng bệnh mạn tính như: bại liệt do tai biến mạch máu não, liệt dây thần kinh số 7, thoái hóa cột sống, gai cột sống, viêm thần kinh tọa, viêm khớp, đau nhức, viêm xoang, trẻ em động kinh… cho đến những bệnh thông thường như: cảm cúm, ho, sổ mũi…
Bệnh nhân cũng rất đa dạng về tuổi tác và thành phần, nhiều người là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đương chức hoặc đã về hưu; đa số là người lao động, chủ yếu là nông dân có thu nhập thấp. Sau khi thăm khám, tùy theo bệnh trạng sẽ được các lương y tại đây chỉ định điều trị bằng một trong các phương pháp uống thuốc Nam, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt hoặc bằng các phương tiện y khoa và có cả sự phối hợp giữa các phương pháp.
Thầy Sáu Lễ châm cứu cho trẻ em bị bệnh động kinh. |
Phòng quy tụ 2 lương y, 1 y sĩ tốt nghiệp cao đẳng, 1 y sĩ tốt nghiệp trung cấp, 1 y sĩ giáo hội và 9 y sinh làm công việc điều dưỡng. Ngoài ra, còn có trên chục người hằng ngày đến chùa làm công quả bằng những công việc như đi sưu tầm, trồng, chăm sóc, thu hái, sao chế thuốc Nam, thuốc Bắc.
Kho thuốc của Phòng CTYHCT chùa Hưng Phước có 140 vị, gồm 120 vị thuốc Nam và 20 vị thuốc Bắc, chủ yếu từ sưu tầm bên ngoài, mua (một số vị thuốc Bắc) và tự trồng trong các vườn chùa. Ngoài ra, có bệnh nhân mang đến và các nhà hảo tâm hiến tặng.
Tuy ngôi chánh điện của chùa còn khiêm tốn về quy mô và phần nào đã xuống cấp, nhưng với suy nghĩ: Ưu tiên cho việc khám, chữa bệnh, nên trong thời gian qua, thầy Sáu Lễ và Ban Trị sự Hội quán chùa Hưng Phước đã tập trung mọi nguồn lực tài chính có được từ quỹ phước thiện và vận động sự đóng góp của các nhà hảo tâm để đầu tư xây dựng, sửa chữa phòng ốc và mua sắm trang thiết bị cho phòng khám, kho thuốc.
Hiện phòng khám có 3 gian được bố trí liên hoàn gồm: Gian chẩn mạch hốt thuốc Nam; gian châm cứu và xoa bấm huyệt; gian vật lý trị liệu, với tổng diện tích mặt sàn 150m2. Đặc biệt, gian châm cứu được ngăn thành 2 khu phân biệt nam - nữ rất sạch sẽ, được trang bị đủ giường và các thiết bị như: máy xung điện, đèn chiếu, máy mát-xa, tủ đựng hộp kim cho từng bệnh nhân, lò sát trùng kim…, có thể phục vụ châm cứu cho gần 20 bệnh nhân/ca.
Gian vật lý trị liệu với nhiều thiết bị khá hiện đại và đắt tiền do các nhà hảo tâm và bệnh nhân đã lành bệnh hiến tặng. Kho thuốc 2 tầng với những dãy thùng nhựa chứa thuốc xếp ngay ngắn trên các giá sắt có diện tích sàn sử dụng gần 200m2.
Cơ ngơi ở đây vừa mở rộng với “Nhà nghỉ bệnh nhân từ thiện” có 10 giường, đủ nhà ăn, phòng tắm, nhà vệ sinh và hệ thống điện nước… được khánh thành, đưa vào sử dụng bằng tiền đóng góp của các nhà hảo tâm.
Ngoài việc khám và điều trị bệnh, Phòng CTYHCT của Hội quán chùa Hưng Phước còn là nơi đào tạo y sĩ giáo hội. Từ năm 2005 đến nay, đã có khoảng 60 người được đào tạo ở đây, đang phục vụ ở nhiều Phòng CTYHCT của các hội quán khác trong và ngoài tỉnh.
Người bệnh đến đây đã được phục vụ đúng theo phương châm “Lương y như từ mẫu” ngay từ khâu tiếp nhận, hướng dẫn, thao tác điều trị… Tiếng “Mô Phật, xin lỗi!” thường xuyên vang lên nhỏ nhẹ từ những thầy thuốc ở đây khi có bệnh nhân giật mình hay nhăn mặt vì đau do kim châm, nóng do châm cứu hoặc giật mình do xung điện…
Người bệnh nào cũng nhận được lời dặn dò ân cần và được chúc mau lành bệnh khi nhận những thang thuốc Nam. Các thầy thuốc ở đây còn sẵn sàng mời những bệnh nhân chưa ăn sáng xuống nhà bếp lót dạ một chén cơm chay vì không thể châm cứu khi bụng đói.
Theo thầy Sáu Lễ, Phòng chẩn trị còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về tài chính. Sắp tới nhà chùa sẽ tiếp tục vận động từ nhiều nguồn để xây dựng một sân phơi thuốc Nam có mái che nhằm bảo đảm chất lượng thuốc, nhất là vào mùa mưa; mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ cho việc khám, chữa bệnh; đồng thời cho xây lại ngôi chánh điện khang trang hơn để có nơi tôn nghiêm cho bà con vào lễ Phật khi đến trị bệnh, cầu phước.
“Phòng khám chùa Hưng Phước thật sự là một địa chỉ rất đáng tin cậy cho nhiều người bệnh, nhất là những người nghèo. Nhà chùa đã thực hiện tốt phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, thiết thực góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, xã hội hóa hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại địa phương”. Đó là ý kiến của ông Trương Công Phò, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, là bệnh nhân đã được điều trị có kết quả bệnh gai cột sống và thần kinh tọa tại đây. |
LÊ MINH HOÀNG